Nhà văn Lê Hồng Nguyên và Thiếu tướng, nhà văn, nhà báo Phạm Khải cưới nhau đã 35 năm và nếu tính cả thời gian yêu nhau thì đã có bề dày ngót 40 năm. Ngày đầu họ gặp nhau là khi nhà văn Lê Hồng Nguyên đến nhà bạn chơi.

Nhưng câu chuyện tình của họ không đơn thuần là một mối duyên gặp gỡ mà còn là sự kiên trì cùng nhau vượt qua những thử thách. Nhớ lại thời trẻ, bà vẫn nghẹn lòng khi kể về quãng thời gian cả hai gia đình không ủng hộ đám cưới vì hoàn cảnh và kỳ vọng khác biệt.

 Vợ chồng nhà văn Lê Hồng Nguyên và Thiếu tướng, nhà văn, nhà báo Phạm Khải khi còn trẻ.

“Ông truyền cảm hứng, nâng cao hiểu biết cho tôi, khiến tôi yêu văn chương, yêu đời sống và viết nhiều hơn. Tôi nhớ mãi một câu nói của chồng khi uống rượu say cùng bạn văn. Ông bảo: “Em là người phụ nữ đặc biệt lắm, em không biết những điều quý giá ở em đâu”, nhà văn Lê Hồng Nguyên chia sẻ.

Với nữ nhà văn, hạnh phúc không đến từ những điều lớn lao mà từ sự sẻ chia trong từng khoảnh khắc. Điều bà cảm thấy hạnh phúc nhất là khi nhà văn Phạm Khải viết bất cứ bài nào, bà luôn là người đầu tiên đọc. Bà thường đọc bài và bản thảo của ông trong bữa ăn, trước khi ngủ, hoặc khi hai vợ chồng ở bên nhau, ông cũng đọc để bà cùng nghe.

Sau khi con cái trưởng thành, nhà văn Lê Hồng Nguyên mới có cơ hội quay lại với văn chương. Bà đã xuất bản 7 cuốn sách và sắp xuất bản thêm 2 cuốn nữa. Nhà văn Phạm Khải cũng dành sự trân trọng sâu sắc cho người bạn đời của mình. Khi đọc tập bản thảo “Không có mẹ con sợ lắm” của bà viết về con trai, ông đã nói: “Tim em có mắt”. Đó không chỉ là lời khen mà còn là sự thấu hiểu giữa hai tâm hồn cùng chung chí hướng.

Tình yêu của họ còn lan tỏa đến thế hệ sau. Chị Phạm Nhật Linh, 33 tuổi, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Dịch vụ và Phát triển thương mại Nhật Linh, con gái của hai người, chia sẻ: “Mẹ tôi là người đứng sau vun vén, giúp bố yên tâm cống hiến và con cái có nền tảng vững chắc để thành đạt. Bà tinh tế trong việc “trồng người”, sớm nhận ra tiềm năng của từng thành viên và khuyến khích họ theo đuổi đam mê thay vì áp đặt. Gia đình tôi luôn đề cao sự kết nối và hỗ trợ lẫn nhau. Dù mỗi người có con đường riêng nhưng khi trở về vẫn có một mái ấm chờ đợi. Quan niệm của gia đình tôi là chỉ có hàn gắn, không bao giờ đổ vỡ”.

Chị Linh cũng tin rằng, tình thương bền chặt của bố mẹ mình chắc chắn được kế thừa từ ông bà ngoại: “Bố tôi từng nói ông không bao giờ nghĩ đến chuyện rời bỏ mẹ tôi dù chỉ là trong ý nghĩ. Giữa thời thế thay đổi liên tục, bố mẹ tôi vẫn khăng khít, bền chặt. Ông ngoại tôi cũng vậy, luôn đặt bà ngoại lên hàng đầu, sẵn sàng làm mọi điều để bà vui. Với ông, tình yêu không chỉ là lời nói, mà là hành động”.

Người viết luôn chìm đắm vào thế giới riêng với những trang bản thảo. Nhưng nhà văn Lê Hồng Nguyên luôn tỉnh táo, kết hợp hài hòa giữa viết và hậu phương của bà. Với bà, giữ lửa cho gia đình là sự nghiệp, là bổn phận của mình. Gia đình hạnh phúc, ấm êm, bà mới có thể viết, bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của mình với bên ngoài, tiếp cận, hòa nhập với nhịp sống thời đại.

Hạnh phúc gia đình là nền tảng cho mọi hành động và sự nghiệp khác. Bà tin rằng, để giữ được hạnh phúc và sự cân bằng tâm lý, mỗi người đều phải biết trân trọng những giá trị mình đang có. Trong cuộc sống, không thể không có những bất đồng, những tranh luận, cãi vã. Nhưng trên tất cả là sự yêu thương, là sự thấu hiểu, là sự nhường nhịn của cả hai người để giữ mãi ngọn lửa yêu thương.

Bài và ảnh: HIỀN ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.