Trong kháng chiến, nhạc sĩ trở thành chiến sĩ, bài ca là "vũ khí". Có những nhạc sĩ đã dùng xương máu của mình viết nên những bài ca mà cho đến hôm nay, âm hưởng của nó vẫn khích lệ niềm tự hào, không chỉ riêng của giới âm nhạc mà còn của cả dân tộc Việt Nam.
Đặc biệt, sau khi đất nước thống nhất năm 1975 và trong thời kỳ đổi mới, hành khúc vẫn luôn là dòng chảy chính gắn bó với mạch nguồn dân tộc, với vận mệnh của đất nước, ca ngợi cuộc sống lao động, sáng tạo của nhân dân; ôn lại lịch sử hào hùng, ký ức về các cuộc chiến tranh cách mạng, ngợi ca tuổi trẻ, tình yêu, thiên nhiên, hướng tới những giá trị nhân văn.
 |
PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân |
Đất nước thống nhất trọn vẹn nên sự tiếp nhận văn hóa nước ngoài, giao lưu quốc tế của âm nhạc nước ta có những đặc điểm, xu thế, đòi hỏi mới. Các nhạc sĩ chuyên nghiệp Việt Nam thực hiện việc tiếp thu và chuyển hóa nhạc pop quốc tế cho phù hợp với thói quen thẩm mỹ của công chúng Việt Nam. Tiếp nhận và chuyển hóa trước hết trong sáng tác và biểu diễn bằng cách tăng cường âm hưởng dân gian-dân tộc trong giai điệu, hòa thanh và tiết tấu. Song các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam luôn kiên định theo đường lối xây dựng một nền âm nhạc dân tộc hiện đại; phát triển 3 dòng âm nhạc: Dân gian dân tộc, kinh điển-hàn lâm và âm nhạc đại chúng. Trong đó, những hành khúc mới xuất hiện, gắn với phương châm đi lên từ dân tộc, tiến tới từng bước hiện đại, hội nhập với quốc tế, tức có sự hòa quyện giữa bản sắc dân tộc với nội dung nhân văn, tiến bộ của dân tộc trong thời đại mới.
Nhạc sĩ Dân Huyền: Với các nhạc sĩ chuyên nghiệp, có rất nhiều người trong các sáng tác của mình đều vận dụng thể loại hành khúc, bởi nó có tiết tấu đều đặn, nhịp theo bước chân đi và chủ yếu dành cho hát tập thể, biểu hiện được ý chí của con người. Vì thế mà thể loại này đã sinh ra, tồn tại và phát triển từ các phong trào đấu tranh cách mạng trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Với những người sáng tác, hành khúc luôn là thể loại hấp dẫn, thường được chọn làm những sáng tác đầu tay, không ít bài trong số này đã có tác động kịp thời và mạnh mẽ trong phong trào ca nhạc quần chúng.
 |
Nhạc sĩ Dân Huyền. |
Những ai ở độ tuổi từ 70 đến 80 hẳn khó quên khi hát ca khúc “Du kích ca” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận: “Đi lên! Đi lên ta trung thành hăng hái/ Dưới quốc kỳ phấp phới cờ đỏ sao vàng/ Anh em trong đoàn quân du kích cùng vác súng lên nào...”, sẽ cảm thấy cái rạo rực của khí thế quật khởi trong những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cho đến nay, lứa tuổi ít hơn cũng vẫn thấy như hừng hực bước chân dũng mãnh của cha anh thời ấy. Tôi nhớ dạo cùng xem cuốn phim tài liệu giới thiệu về Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong đó có cảnh bộ đội ta với mũ lưới, dép cao su trong một đội ngũ trùng trùng điệp điệp ra trận. Chiến sĩ ta bước đi trong tiếng nhạc “Hành quân xa”.
Khi xem đoạn này, nhạc sĩ Doãn Nho nói rằng, ông khó phân biệt được là tiếng nhạc vang lên từ hàng quân hay chính hàng quân đang bước ra tiếng nhạc, bởi hình ảnh người chiến sĩ trong nhạc với người chiến sĩ đang bước trên đường chỉ là một. Đó là hình ảnh người nông dân mặc áo lính, một hình ảnh hết sức điển hình của bộ đội ta: “Hành quân xa dẫu qua nhiều gian khổ/ Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi/ Mắt ta sáng chí căm thù bảo vệ đồng quê ta tiến bước/ Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi...”. Thể loại hành khúc hoàn toàn mới mẻ so với bề dày lịch sử của các thể loại khác trong kho tàng âm nhạc truyền thống của dân tộc ta.
Hành khúc từ khi xuất hiện đã thể hiện tính kế thừa và phát triển vốn là bản chất tự nhiên của mọi loại hình nghệ thuật, trong đó có âm nhạc, được các thế hệ nhạc sĩ lĩnh hội, phát triển với những tác phẩm ngày một đồ sộ hơn và được cả những dàn nhạc quốc tế trình diễn vang lên những âm hưởng đầy tự hào.
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: Với mỗi cán bộ, chiến sĩ, hành khúc là người bạn, là liều thuốc tinh thần để họ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh. Hành khúc đóng vai trò như một thể loại ký họa lịch sử đấu tranh giữ nước bằng âm nhạc; đặc biệt gắn với chiều dài xây dựng và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt 80 năm qua.
 |
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Nếu trong những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các hành khúc của Văn Cao như: “Tiến quân ca”, “Chiến sĩ Việt Nam” cùng “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi... cổ vũ những bước chân khởi nghĩa, thì các hành khúc của Lưu Hữu Phước như: “Tiếng gọi thanh niên”, “Lên đàng” cùng “Đoàn Giải phóng quân” của Phan Huỳnh Điểu, “Nam Bộ kháng chiến” của Tạ Thanh Sơn đã góp sức động viên những bước chân chiến sĩ Nam Bộ chống xâm lược. Cũng như thế, những hành khúc “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi, “Sông Lô” của Văn Cao... làm náo nức nhịp quân đi ở khắp các mặt trận. Chiến dịch Biên giới, Văn Cao viết “Tiểu đoàn Lũng Vài” thì Văn Chung có “Vào Đông Khê”; lúc ấy xuất hiện bài “Vì nhân dân quên mình” của Doãn Quang Khải, sau này trở thành bài quân ca... Có thể nói, hành khúc đã làm rạng rỡ cho âm nhạc cách mạng Việt Nam, vừa hùng tráng, vừa trữ tình. Với Quân đội ta, nhịp hành khúc như một người bạn đồng hành lạc quan khiến cho những bước chân chiến sĩ không bao giờ rã mỏi. Càng đi càng “Hát mãi khúc quân hành”.
CHÂU XUYÊN - PHẠM HÂN (thực hiện)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.