Mỗi mùa đều chở theo những yêu thương riêng có, nhưng có lẽ, với mùa xuân thì những yêu thương đó lại càng trở nên dày dặn hơn, bởi đó là mùa của Tết, mùa của đoàn viên. Cũng vì thế mà trong ký ức biết bao người, mùa xuân là mùa đẹp nhất. Mùa xuân - mùa của lộc non chồi biếc, mùa của hoa lá sinh sôi, mùa của tươi mới, ngọt lành. Mùa xuân là món quà kỳ diệu mà thiên nhiên ban tặng cho con người.

Xuân đẹp không chỉ bởi cây lá xanh tươi, ngàn hoa đua nở tỏa hương khoe sắc, chim chóc véo von, mà còn vì tiết trời ấm áp, dòng người tấp nập ngược xuôi tạo nên cảm giác rộn ràng, ai cũng nao nao chờ xuân đến, Tết về.

leftcenterrightdel

Hân hoan mùa Tết, mùa của lộc non chồi biếc, mùa của hoa lá sinh sôi, mùa của tươi mới, ngọt lành.

Mỗi độ xuân về, khi đất trời giao hòa trong hương xuân, người người, nhà nhà náo nức chuẩn bị đón chào một năm mới sang, người ta lại không khỏi nhớ về hương xưa Tết cũ, nơi ăm ắp những kỷ niệm êm đềm, nơi làm cho lòng người xốn xang cái nhớ. Nhớ tiếng nói cười rộn rã nơi gian bếp quê, nhớ tiếng cha trầm ấm, tiếng mẹ ngọt ngào hòa cùng những thanh âm ngày Tết, nhớ mùi mứt dừa thơm ngào ngạt lẫn trong khói bếp quê, nhớ mùi hương trầm hòa quyện trong tiếng ngâm thơ ngày Tết nghe thân thương quá đỗi. Tất cả sao mà da diết nhớ nhung! 

Nhớ chiều ngày cuối năm nắng trải vàng như mật chiếu xuống mấy luống hoa thược dược trước nhà. Mảnh sân đất cằn mà ngày ngày cha mẹ đổ mồ hôi trên đó đã mọc những bông hoa tươi thắm… Cả một miền ký ức tuổi thơ ngọt ngào trong tôi. Bức tranh quê hương ngày Tết chợt ùa về ngập tràn trong cõi nhớ.

Tết quê xưa bình dị lắm, chỉ cần có miếng thịt treo trong nhà và có nồi bánh chưng đang đỏ lửa nơi góc sân, ấy là có Tết. Khắp làng trên xóm dưới, tiếng nói cười rôm rả, náo nhiệt.

Ngày 23 âm lịch là Tết ông Công, ông Táo. Ngày này, không khí Tết bắt đầu rõ nét. Tục thờ ông Táo trong dân gian có ý nhắc nhở việc ăn ở và đối nhân xử thế trên đời sẽ được ân đức lâu dài. Mùa xuân với hy vọng mang đến nhiều phước lành, vì vậy, từ những ngày giáp Tết, nhà nhà bắt đầu sửa sang mồ mả để đón ông bà tổ tiên về ăn Tết.

Tôi còn nhớ, mỗi dịp giáp Tết, chừng 27 hoặc 28 Tết, khi các loài hoa xuân nở rộ, chị em tôi dường như bận bịu hẳn lên, chúng tôi mỗi đứa một tay cùng với cha mẹ sửa sang cho nhà cửa thật gọn gàng để đón Tết. Mùa xuân đến mang bao mong ước về một năm mới được no ấm hạnh phúc hơn, vì thế ai ai cũng trang hoàng nhà cửa, “dọn đi” những ưu phiền, lo âu của năm cũ để mong đón lấy một năm mới với nhiều sự hanh thông và thật nhiều điều tốt đẹp.

Không khí Tết thắm đượm thật sâu trong những ngày giáp Tết, bởi ai cũng tay xách nách mang chuẩn bị đồ trang trí trong gia đình ngày Tết, mong một năm mới đủ đầy. Ngày giáp Tết chợ quê tôi xôm tụ hẳn lên, hoa cảnh tấp nập. Sáng ngày cuối năm, người đi chợ đông vui hơn và người quê vẫn thế, vẫn bình dị, chân chất. Chợ quê vào Tết được con người điểm tô thêm biết bao sắc màu rực rỡ.

Chiều 28 Tết, cả nhà tôi ngồi quây quần trong sân gói bánh chưng. Mẹ tôi thoăn thoắt chuẩn bị các loại nguyên liệu để gói bánh kịp chiều 30 có bánh rước ông bà về ăn Tết. Mỗi người một việc, tiếng nói cười rộn rã nơi góc sân. Dưới chái bếp sau nhà, không khí nấu nướng rộn ràng. Ngồi canh nồi bánh chưng, chị em tôi còn tranh thủ vùi những củ khoai vào bếp lửa, mùi hương thơm nức quyện trong làn khói bếp, mấy chị em háo hức chờ đợi, khoai chín nóng hổi thơm lừng, bẻ củ khoai chia nhau nghe ngọt bùi nồng ấm. Bếp lửa ngày xuân ấm áp lạ kỳ, tiếng nói tiếng cười đánh thức cả màn đêm tĩnh mịch. Trong những gian bếp quê luôn đỏ lửa với những món ăn được mẹ tôi làm từ đôi bàn tay khéo léo.

leftcenterrightdel

Hương Tết, hương quê quyện trong làn khói bánh chưng ngọt ngào, ấm áp. Mùa Tết lại đến, lòng người hân hoan phơi phới.

Chiều 30 Tết là một khoảng thời gian rất có ý nghĩa của người Việt, mốc thời gian đánh dấu ngày Tết chính thức được bắt đầu. Mọi thứ dường như vội vã hơn, tất bật hơn bởi chỉ còn vài tiếng nữa sẽ đón chào năm mới, chính vì thế, mọi việc cần được chuẩn bị tươm tất trước thời khắc Giao thừa. Cái ngọt ngào của ngày giáp Tết cứ thế thấm dần trong tâm hồn tôi, trở thành miền ký ức dấu yêu tự bao giờ. Dù xã hội có hiện đại thế nào chăng nữa thì những điều tinh túy của phong tục ngày Tết sẽ vẫn lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Tết xưa, điều làm háo hức nhất chính là được may áo mới. Những đứa trẻ như chúng tôi hồi ấy, mỗi dạo Tết ghé thềm nhà, lại náo nức vì chuẩn bị được may quần áo mới. Những ngày giáp Tết, lũ trẻ đã chầu chực bên những cửa hàng may để mong được thử quần áo mới, hương xuân long lanh trong từng ánh mắt.

Tục may áo mới ngày Tết xưa nay cũng có nhiều khác biệt. Ngày nay, cuộc sống đã có nhiều thay đổi, người ta không còn phải chờ mong đến Tết mới được mặc quần áo mới, nhưng cái thú diện quần áo mới ngày Tết thì dường như vẫn vẹn nguyên, có điều, phong cách, kiểu dáng của những chiếc quần áo mới cũng thay đổi dần để phù hợp với sự phát triển. Tết đến, chị em thường diện những bộ áo dài truyền thống hoặc cách tân để đi chúc Tết, ai ai cũng muốn chọn cho mình trang phục đẹp nhất với mong muốn mang đến cho gia đình mình cũng như những gia đình mình đến chúc Tết một sự mới mẻ.

Cái không khí những ngày giáp Tết xưa cũng khác nay. Xưa người ta mong chờ Tết để được may quần áo mới, được ăn những món ngon, nay điều kiện cuộc sống tốt hơn xưa, người ta không còn phải chờ mong đến Tết mới được ăn bánh chưng. Tết nay cũng không còn những tiếng pháo giòn giã, thay vào đó, đêm Giao thừa không trung bừng sáng bởi muôn sắc pháo hoa.

Thời khắc Giao thừa, cả nhà quây quần bên nhau ôn lại chuyện năm cũ, cùng nhau hướng đến một năm mới trọn vẹn. Trong khói hương trầm, mọi người dành những lời chúc tốt đẹp đầu năm cho nhau.

Sáng mồng Một Tết, trên những nẻo đường quê, đám con nít xúng xính quần áo mới đi chúc Tết ông bà, làng xóm, tiếng cười đùa thánh thót trong hương xuân chan hòa. Tết là lúc lũ trẻ thường cảm thấy háo hức nhất, bởi sẽ được vui chơi thoải mái và được người lớn mừng tuổi.

Mùa Tết còn lắng đọng trong ký ức những người con xa xứ không chỉ bởi những ngày giáp Tết, trong Tết mà còn là không khí lễ hội vui tươi của những ngày sau Tết.

Tết quê nghèo bình dị mộc mạc nhưng chan chứa tình thương và sự ấm áp. Thương cha mẹ cả năm tất bật chắt chiu cho đàn con có một cái Tết đủ đầy, giữ cho những cái Tết quê mãi để nhớ, để thương trong lòng những người con xa xứ. Để rồi, những ngày Tết đến, những đứa con quanh năm tất bật nơi xa lại có dịp được “tắm mát” nơi dòng chảy của ngày Tết, dòng chảy của suối nguồn yêu thương.

TƯỜNG VY