QĐND - Trong lịch sử quân sự thế giới, ít có quân đội nào có sự trưởng thành, lớn mạnh nhanh chóng như Quân đội nhân dân Việt Nam. Chỉ có 34 chiến sĩ ban đầu với vũ khí thô sơ, nhưng quân đội ta đã không ngừng phát triển cả về quy mô tổ chức, lực lượng, trình độ tác chiến, sức mạnh chiến đấu và trở thành một đội quân “bách chiến bách thắng”. Một trong những nguyên nhân căn bản làm nên sức mạnh “Phù Đổng” của quân đội ta là do các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ luôn mang trong mình bản chất cách mạng cao đẹp, sống có lý tưởng, niềm tin, tự nguyện cống hiến, hy sinh vì nghĩa lớn, ra sức học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời kỳ lịch sử.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dù luôn đặt nhiệm vụ chiến đấu lên hàng đầu, nhưng bộ đội ta không bao giờ lơ là việc học tập, tiếp thu kiến thức, nâng cao trình độ văn hóa, chính trị, quân sự. Sinh ra trong hoàn cảnh chiến tranh với muôn vàn gian khó, nhưng ngay từ thuở ban đầu, những “người lính chân đất” đã tự tạo cho mình ý thức khiêm tốn, ham học hỏi, cầu thị, cầu tiến bộ. Hình ảnh những người lính mặc áo trấn thủ tham gia học bổ túc văn hóa dưới ánh đèn dầu, trong những căn nhà lá đơn sơ hay tranh thủ thời gian ngưng tiếng súng đọc sách, báo dưới chiến hào… đã trở nên gần gũi, thân quen trong ký ức lịch sử dân tộc. Dù hoạt động quân sự trong thời chiến rất khắc nghiệt, nhưng cán bộ, chiến sĩ quân đội đã làm chủ và vượt qua hoàn cảnh đó bằng cách tự nuôi dưỡng và làm giàu trí tuệ, tâm hồn mình không chỉ từ những kiến thức trong sách vở, mà còn từ những kinh nghiệm, bài học thực tiễn vô cùng phong phú, sinh động trong chiến đấu, cuộc sống và lao động. Từ chiến sĩ binh nhì, binh nhất đến các vị tướng đều coi việc học tập, mở rộng tầm nhìn, nâng cao hiểu biết là một trong những cách tốt nhất để vừa giúp mình mau chóng tiến bộ, trưởng thành, vừa đóng góp công sức, trí tuệ, tài năng phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc. “Tinh thần ham học, cầu tiến bộ, có ý chí vươn lên” là một trong những phẩm chất tiêu biểu của Bộ đội Cụ Hồ và là một trong những nét đẹp văn hóa làm nên truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhiều cán bộ, sĩ quan trẻ của Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) đã tranh thủ thời gian để tham gia các lớp học tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên (Trong ảnh: Trong giờ học tiếng Ba Na). Ảnh: Thu Thảo.

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, quân đội ta như một trường học lớn. Dưới “mái trường” này, cán bộ, chiến sĩ không những được tạo điều kiện thuận lợi để học tập, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng và bản lĩnh chính trị, mà còn là nơi ươm trồng, vun đắp tài năng ở nhiều lĩnh vực. Trong 70 năm qua, quân đội ta là “địa chỉ đỏ” thu hút biết bao người con ưu tú từ các giai cấp, tầng lớp khác nhau trong xã hội; đồng thời cũng là nơi chắp cánh cho nhiều nhân tài tỏa sáng. Nhiều trí thức cách mạng, nhà khoa học, kỹ sư, văn nghệ sĩ đã lớn lên, trưởng thành từ môi trường quân ngũ và có nhiều cống hiến nổi bật, được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học-công nghệ và văn học, nghệ thuật. Tiêu biểu trong số đó có Thiếu tướng, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa; Anh hùng Liệt sĩ Hoàng Kim Giao; Thượng tướng, GS Hoàng Minh Thảo; Thiếu tướng, Nhà văn Hồ Phương; Đại tá, Nhà thơ Chính Hữu; Đại tá, Nhạc sĩ Huy Du; Đại tá, Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn (Giải thưởng Hồ Chí Minh); Thiếu tướng, Nhạc sĩ An Thuyên, Đại tá, Nhạc sĩ Thuận Yến, Đại tá, Nhạc sĩ Doãn Nho, Thượng tá, Nhà thơ Trần Đăng Khoa (Giải thưởng Nhà nước)... và còn rất nhiều, rất nhiều những gương mặt tiêu biểu của nền văn hóa nước nhà mang trên mình bộ quân phục.

Trong thời đại văn minh trí tuệ hiện nay, quân đội ta khó có thể phát triển hùng mạnh nếu không được xây dựng trên cơ sở lực lượng tinh binh, tinh cán. Hơn nữa, muốn xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, thì việc “trí tuệ hóa” quân đội là đòi hỏi tất yếu khách quan. Muốn vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải xác định việc học tập, nâng tầm trí tuệ, nâng cao kiến thức, tăng cường năng lực sáng tạo cho bản thân là một trong những việc làm thường xuyên và có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong mọi hoạt động công tác. Chỉ có ý thức cầu thị, say sưa học tập, ham học hỏi mới tạo cơ hội cho tài năng của mỗi người được phát huy, lan tỏa.

Từ đầu năm 2014, Quân ủy Trung ương chính thức phát động Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Không chỉ là một cuộc vận động lớn nhằm biến sức mạnh truyền thống thành hành động cách mạng của cán bộ, chiến sĩ toàn quân ta, đây còn là một thời cơ lớn, một môi trường rất thuận lợi để mọi quân nhân được thỏa sức học tập, rèn luyện, cống hiến, phát huy mọi khả năng, tài năng của mình. Vấn đề mấu chốt là, mỗi quân nhân cần nắm bắt cơ hội đó như thế nào, tận dụng điều kiện đó ra sao để khả năng, tài năng của mình được thể hiện, phát huy đúng lúc, đúng chỗ và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc? Để trả lời câu hỏi này, có lẽ không gì hơn là trở lại bài học giàu tính triết lý giáo dục đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc tới trong bài thơ “Giã gạo”: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công”. Khả năng, tài năng của con người chỉ thể hiện, bộc lộ qua học tập, lao động, công tác, nghiên cứu để tạo ra những kết quả, công trình, sản phẩm cụ thể hay những sáng kiến, phát minh có lợi cho cộng đồng. Mặt khác, chỉ có đam mê học tập, hăng hái hoạt động thực tiễn mới là động lực, đòn bẩy cho tài năng nảy nở, phát triển. Vì vậy, kiên trì nung nấu ý chí tự học, bền bỉ nuôi dưỡng tinh thần hiếu học, bồi đắp ý thức học tập thường xuyên sẽ giúp mỗi cán bộ, chiến sĩ phấn đấu vươn lên trở thành quân nhân ưu tú, xứng đáng với tình cảm, niềm tin và danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ mà nhân dân đã trao tặng.

THIỆN VĂN