Năm 1927, Hải Triều tham gia Đảng Tân Việt (sau đổi thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn). Từ đó, đồng chí hoạt động cách mạng tích cực, tuyên truyền Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phê phán tư tưởng của giai cấp phong kiến và giai cấp tư sản, đóng góp xuất sắc trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa ở những giai đoạn lịch sử đầy cam go, thử thách.

Chủ trì cuộc “bút chiến” về triết học và nghệ thuật

Cuối năm 1932 đầu năm 1933, trên lĩnh vực tư tưởng, triết học, cuộc đấu tranh diễn ra quyết liệt. Để chống lại những quan điểm duy tâm, phiến diện, Hải Triều và các nhà báo đảng viên cùng nghiên cứu viết bài "Ông Phan Khôi không phải là một học giả duy vật" (Báo Đông Phương, ngày 20-10-1933). Các bài "Ông Phan Khôi là một học giả duy tâm" (Báo Phụ nữ Tân Tiến, tháng 1-1934) của Hải Triều đã bác bỏ những quan điểm sai trái của Phan Khôi đồng thời tuyên truyền, khẳng định và đề cao học thuyết duy vật. Các nhà báo cách mạng cũng phản bác lập luận mập mờ về "nguyên lý và hiện tượng", phê phán tư tưởng nô lệ, đầu hàng đế quốc, vạch rõ, sở dĩ nước ta còn thua kém các nước phương Tây chính là do đế quốc kìm hãm về chính trị, kinh tế và văn hóa.

Ngày 24-3-1935, bài "Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh" của Hải Triều đăng trên tờ Đời Mới, trả lời cho bài "Hai cái quan niệm văn học" của Thiếu Sơn đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy, số 38 (1935), đã mở màn cho cuộc tranh luận sôi nổi giữa quan điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh”. Trong bài nói trên và nhiều bài báo khác, Hải Triều nêu rõ quan điểm nghệ thuật không thể đứng ngoài cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc mà phải phục vụ cho lợi ích của dân tộc. Cuộc tranh luận đã có tiếng vang lớn trong các tầng lớp nhân dân thành thị, nhất là tầng lớp trí thức, làm thức tỉnh tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của một bộ phận nhân dân.

Cuộc đấu tranh đó đã đưa tên tuổi Hải Triều vào lớp những người đầu tiên xây dựng nền móng cho nền lý luận văn nghệ cách mạng. Trong tác phẩm “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam”, đồng chí Trường Chinh đã viết: “Đồng chí Hải Triều đã làm cho chủ nghĩa duy vật thắng chủ nghĩa duy tâm, quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh đánh bại quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật”.

Tiên phong đấu tranh tư tưởng trong phong trào dân chủ 1936-1939

Năm 1936, phong trào chống phát xít giành thắng lợi ở nước Pháp, Mặt trận Nhân dân Pháp thành lập nội các mới do lãnh tụ Đảng xã hội Lê-ông Blum làm Thủ tướng. Nhiều quyết định tiến bộ được ban hành đã tác động mạnh mẽ đến tình hình nước ta.

Với ưu thế về năng lực trên lĩnh vực báo chí, tuyên truyền, Hải Triều xông xáo tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa. Đặc biệt, đóng góp quan trọng của Hải Triều là tích cực tuyên truyền, vận động công khai hợp pháp trên báo chí và nghị trường. Việc đẩy mạnh hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, báo chí công khai và vận động nghị trường để phục vụ cho đấu tranh cách mạng là hình thức đấu tranh mới, nổi bật về tư tưởng chính trị của Đảng trong giai đoạn 1936-1939.

Chủ trương hoạt động báo chí công khai đã tạo điều kiện cho các đồng chí phát huy năng lực sở trường của mình, phục vụ cuộc đấu tranh của Đảng. Những tờ báo đóng vai trò quan trọng trong cuộc vận động dân chủ ở Huế là: Nhành Lúa, Sông Hương tục bản, Dân Tiếng Dân.

Được cấp giấy phép ngày 24-10-1936, tờ Nhành Lúa hoạt động do Hải Triều làm chủ bút, Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo. Báo Nhành Lúa đã tuyên truyền tích cực những chủ trương của Đảng về Đông Dương Đại hội, hướng dẫn quần chúng đấu tranh công khai, hợp pháp được phát hành rộng rãi ở nhiều nơi trong cả nước. Sáng 27-3-1937, trong khuôn khổ một cuộc họp công khai, Hội nghị báo giới Trung Kỳ đã khai mạc tại Đông Pháp Lữ quán (số 7 Đông Ba, TP Huế) với 70 đại biểu các báo ở Trung Kỳ, trong đó có nhiều nhà báo cách mạng nổi tiếng và hai đại biểu báo chí cách mạng Bắc Kỳ là Võ Nguyên Giáp và Hà Huy Giáp. Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng, đã mở đầu cho cuộc vận động mở hội nghị báo giới ở các địa phương khác.

Lo sợ trước những hoạt động tích cực của Báo Nhành Lúa, sau khi ra được 9 số, nhà cầm quyền đã tịch thu giấy phép và đóng cửa tờ báo vào ngày 19-3-1937. Để tiếp tục cuộc đấu tranh trên báo chí, Xứ ủy Trung Kỳ chủ trương mua lại Báo Sông Hương lấy tên là Sông Hương tục bản. Cùng với việc tích cực vận động bằng nhiều hình thức của các đồng chí: Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều, Hải Thanh, Lâm Mộng Quang, Hoàng Anh, Nguyễn Vịnh (Nguyễn Chí Thanh), sự tuyên truyền, cổ vũ của Báo Sông Hương tục bản đã mang lại nhiều kết quả.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Hải Triều tham gia tích cực vào nhiều công tác văn hóa, tuyên truyền của Đảng cho đến khi mất năm 1954. Những phần thưởng cao quý như: Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học-Nghệ thuật đợt I-1996 của Đảng, Nhà nước truy tặng là sự đánh giá đúng đắn về những cống hiến to lớn của Hải Triều đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Đồng chí Hải Triều xứng đáng là một trong những nhà lãnh đạo tiền bối xuất sắc của Đảng trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, được hậu thế tôn vinh và ngưỡng mộ.

Thạc sĩ PHAN CÔNG TUYÊN