Phát triển làng nghề, phố nghề là một quá trình lâu dài, gắn với những nét văn hoá và tập tục sản xuất, đời sống ở cộng đồng dân cư. Hiện nay, Hà Nội có 83 làng nghề, 44 xã, phường có nghề thủ công truyền thống, tập trung 6 nhóm nghề: gốm sứ, dệt may, điêu khắc gỗ, đồ gỗ mĩ nghệ, cơ khí, chế biến thực phẩm, cung cấp việc làm cho 40 nghìn lao động. Trong số những làng nghề đó có thể xếp thành hai cụm theo tốc độ đô thị hoá.
Làng nghề cận đô đang mất dần vai trò đích thực của làng nghề. Có thể kể ra một số làng như: đúc đồng Ngũ Xã; quai thao Triều Khúc; thuốc nam Đại Yên; đào, quất Nhật Tân; rau thơm húng Láng... Nhiều làng chỉ còn giữ được cái tên làng nghề, còn thực chất nghề đã mai một, trong đó có nhiều làng nghề có nguy cơ mất hẳn nghề. Thuốc nam Đại Yên không còn đất trồng, quai thao Triều Khúc đã đi vào dĩ vãng để nhường chỗ cho rất nhiều nghề khác, đào Nhật Tân bây giờ chỉ còn chút ít làm di tích. Mặt bằng sản xuất bị thu hẹp, mất dần, có nơi mất hẳn như hoa Ngọc Hà, thuốc Đại Yên, rau thơm húng Láng. Những làng nghề này vốn xưa là làng, nay lên phố, do đó quy hoạch hạ tầng cơ sở không mấy thay đổi, đường làng ngõ xóm vẫn chật hẹp, chỉ có nhà chen nhau vươn lên trời cao giành lấy khoảng không khí trên vùng đất chật hẹp, môi trường bị ô nhiễm hơn xưa. Kết cấu dân cư thay đổi, các mối quan hệ bạn nghề, làng xóm bây giờ trở thành người hàng phố, hành xử trong mối quan hệ con người cũng thay đổi. Văn hóa làng quê đang dần thay đổi theo văn hóa phố thị.

Tuy nghề không còn, nhưng những công trình tôn vinh tổ nghề như đền thờ, đình làng, chùa, miếu, cổng làng... thì vẫn còn được giữ gìn khá nguyên vẹn, kể cả những làng nghề trong phố. Một số làng nghề vẫn giữ được những hoạt động văn hoá tôn vinh nghề nghiệp như giỗ tổ nghề, lễ hội ở Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh, Mọc, Chèm, Lệ Mật...

Các làng nghề xa khu vực nội thành, đất nông nghiệp đang bị thu hồi dần. Người trong phố bung ra tìm miếng đất rộng xây biệt thự, người từ các tỉnh dồn về mua đất lập cư, hoặc lập cơ sở sản xuất, kinh doanh. Mặt bằng sản xuất của các làng nghề bị thu hẹp dần, quy mô sản xuất của làng nghề nhỏ lại. Mặt khác, do yêu cầu của thị trường ngày càng cao và đa dạng, nên tự các làng nghề phải thay đổi mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa ngành nghề trong một làng nghề truyền thống, chuyên môn hoá, ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, sản xuất theo công nghệ mới để vẫn bảo đảm trữ lượng hàng hóa. Xu hướng này ngày càng đáp ứng sự phát triển của thành phố, như may Cổ Nhuế, mứt Xuân Đỉnh, vàng mã làng Cót, bánh chưng Duyên Hà, bánh cuốn Thanh Trì. Ở khu vực ngoại thành đã xuất hiện một số nghề mới như chế biến thực phẩm, cơ khí nhỏ, vận tải, tái chế nguyên liệu...

Hà Nội, nơi giao lưu lớn cả trong và ngoài nước, lượng khách đông, đa dạng, nên Hà Nội đang có cơ hội cho phát triển làng nghề từ dịch vụ đi lại, ăn uống, may mặc, tiêu dùng, giải trí, lưu niệm, tìm hiểu lịch sử văn hóa. Hà Nội cũng có điều kiện để phát triển các nghề, làng nghề sản xuất các mặt hàng đặc sản của Thủ đô, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi những bàn tay vàng của các nghệ nhân cho ra đời những sản phẩm độc đáo, mang bản sắc văn hóa Việt Nam và truyền thống của từng làng nghề. Cần nhấn mạnh rằng do ưu thế địa lí gần nội thành mà nhiều giá trị văn hóa của làng nghề được khôi phục lại, làm cho làng nghề ngày càng khởi sắc.

Từ những thay đổi trên, thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn ở Hà Nội, ngày 25-1-2005, Thành ủy đã phê duyệt và ban hành đề án khôi phục và phát triển làng nghề, ngành nghề của thành phố đến năm 2010. Theo đó năm 2006, toàn thành phố sẽ hoàn thành, đưa vào sản xuất tập trung 5 cụm làng nghề thí điểm là Bát Tràng, Liên Hà, Vân Hà, Tân Triều, Xuân Phương. Mỗi năm làng nghề thu hút khoảng 10 nghìn lao động, giá trị sản xuất chiếm 20-25% giá trị sản xuất công nghiệp thành phố. Thành phố sẽ rà soát các cơ chế, chính sách phát triển làng nghề truyền thống, nghề mới, hình thành phố nghề, làng nghề. Gắn đầu tư phát triển nghề mới với cải tạo, kết hợp công nghệ truyền thống với hiện đại, tạo ra sản phẩm tinh xảo, có sức cạnh tranh, bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc.

Đô thị hóa là điều tất yếu, song trong quy hoạch cần phải giữ gìn những phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, các không gian làng nghề, các di tích đình, đền thờ tổ nghề. Không gian kiến trúc này có giá trị quan trọng để giữ gìn truyền thống những kí ức xưa của làng nghề. Du lịch làng nghề có xu hướng phát triển mạnh. Không gian làng nghề, di tích, sản phẩm độc đáo, đặc sản, những nghề tinh xảo, những gia đình và nghệ nhân tài hoa, giỗ tổ nghề, hội làng nghề, sẽ là những nhân chứng, vật chứng quý giá cho tham quan, nghiên cứu văn hóa lịch sử và phát triển du lịch. Đến Bát Tràng, du khách sẽ được chứng kiến không khí sản xuất của nghệ nhân làng gốm, xem lò nung gốm, phương thức sản xuất, xem các khu trưng bày cổ vật gốm và mua sản phẩm lưu niệm. Du khách đến thăm di tích vườn đào Nhật Tân, dẫu không còn những cánh đồng trồng đào mênh mông một màu đỏ tươi biêng biếc, nhưng họ cũng được thưởng ngoạn sắc đẹp của hoa đào nếu còn vài khu vườn đào làm di tích. Về làng Láng, dẫu còn một vạt nhỏ trồng rau húng, du khách cũng có thể biết những cánh lá nhỏ húng Láng dìu dịu hương thơm. Du khách cũng có thể xem hội và các trò diễn tôn vinh tổ nghề như đám rước chạy cờ làng Triều Khúc, để nhớ về một thời oanh liệt của vị tổ nghề Phùng Hưng. Đến Lệ Mật xem điệu múa rắn để hồi ức về nghề bắt rắn xa xưa... Nếu chúng ta biết khai thác và bảo tồn hợp lý những ưu thế của nghề, làng nghề Thủ đô sẽ là một điểm nhấn nổi bật của văn hóa Việt Nam đồng thời cũng là những nét riêng của Hà Nội nghìn năm văn hiến mà không ở đâu có được

TRẦN CÔNG HUYỀN