Một sớm đầu đông, tiết trời se lạnh, tôi men theo Quốc lộ 5 tìm về xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Trái ngược với không khí tấp nập cảnh mua bán của chợ Sủi là không gian tĩnh mịch của Khu tưởng niệm danh nhân Cao Bá Quát.
Khu tưởng niệm danh nhân Cao Bá Quát nằm gần chợ Sủi, có diện tích hơn 4.000m2. Nơi đây thờ danh nhân Cao Bá Quát, quân sư trong cuộc nổi dậy Mỹ Lương và là một nhà thơ nổi tiếng giữa thế kỷ 19. Từ nhỏ, Cao Bá Quát chăm học, thông minh, ứng khẩu thành thơ, được người đời tôn gọi là “Thánh Quát”.
 |
Quang cảnh Khu tưởng niệm danh nhân Cao Bá Quát. |
Nói đến Cao Bá Quát, dân gian luôn nhắc đến câu đối của ông: “Mười năm rong ruổi tìm gươm báu/ Một đời chỉ cúi lạy hoa mai”. Hoa mai là hình ảnh tiêu biểu của người quân tử. Vì thế, Cao Bá Quát cúi đầu trước hoa mai là cúi đầu trước biểu tượng, khí phách hiên ngang, bất khuất của người quân tử. Câu đối giống như một lời tuyên ngôn nghệ thuật tiến bộ rằng, văn chương phải như kiếm sắc ngăn trừ cái xấu để cho đời chỉ còn những nụ hoa mai.
Cũng bởi đồng cảm với dân nghèo, dám chống lại triều đình thối nát mà Cao Bá Quát đã cùng với một số hào kiệt mưu cuộc nổi dậy Mỹ Lương. Cuộc nổi dậy thất bại, Cao Bá Quát tử trận và dòng họ Cao ở làng Sủi (thôn Phú Thụy, xã Phú Thị) bị liên lụy khiến con cháu phải dạt đi tứ xứ.
Không chỉ tác phẩm của Cao Bá Quát bị thu đốt, cấm tàng trữ và lưu hành mà những bài thơ của các tác giả khác nói đến ông đều không được in ấn hay phổ biến trong một thời gian dài. Sau cuộc nổi dậy Mỹ Lương, nhân dân và bạn bè yêu quý thơ Cao Bá Quát đã cất giấu hàng nghìn tác phẩm của ông để lưu giữ cho đến ngày nay.
Trong kho tàng văn chương của Cao Bá Quát hiện có 1.353 bài thơ, 21 bài văn xuôi; các tập thơ chữ Hán, gồm: Cao Bá Quát thi tập, Cao Chu Thần di thảo, Cao Chu Thần thi tập và Mẫn Hiên thi tập.
Năm 2008, Hội Nhà văn Việt Nam đã phối hợp với một số đơn vị tiến hành sưu tầm, cho in hai cuốn Cao Bá Quát toàn tập với độ dày 2.000 trang và hai tập tư liệu dày 700 trang gồm các bài viết, tư liệu từ trước đến nay về Cao Bá Quát. Qua đây, công chúng đã có một cái nhìn đầy đủ, chân thực về Cao Bá Quát-một danh sĩ có tấm lòng vì nước, vì dân.
Nhằm tôn vinh di sản văn thơ của Cao Bá Quát, con cháu họ Cao và nhân dân làng Sủi đã có nhiều hoạt động tưởng niệm, tri ân. Theo ông Cao Bá Ấm, Thường trực Ban quản lý Di tích Phú Thị, Gia Lâm, Trưởng ban liên lạc họ Cao tại làng Sủi cho biết, vào ngày 9-9 âm lịch hằng năm, nhân dân địa phương và con cháu họ Cao ở khắp nơi đều thành tâm tổ chức ngày giỗ của danh nhân Cao Bá Quát.
Khu tưởng niệm danh nhân Cao Bá Quát hiện là nơi sinh hoạt của một câu lạc bộ thơ, nơi hội họp của nhân dân làng Sủi.
“Nếu không có dịch Covid-19 thì ngày giỗ của danh nhân Cao Bá Quát thu hút được đông đảo du khách gần xa. Vào mồng một và ngày rằm hằng tháng, nhân dân làng Sủi thường ra đây thắp hương, cúng bái để tưởng nhớ đến cụ”, ông Cao Bá Ấm bộc bạch.
Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG