Gần nửa thế kỷ cống hiến cho âm nhạc Việt Nam, qua tiếng hát của mình, NSND Trung Đức luôn muốn truyền tải cảm xúc hào hùng, tình yêu quê hương, đất nước.

Trên sân khấu thời gian này với các chương trình nghệ thuật kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, khán giả được gặp lại giọng ca quen thuộc với những bài hát đi cùng năm tháng-NSND Trung Đức với chất giọng cao, ấm áp và truyền cảm. Ông thường khoác lên mình bộ quân phục của người lính bước ra sân khấu, hát lên những giai điệu thấm sâu vào lòng người cùng những lời ca hào sảng trong tràng vỗ tay nồng nhiệt của khán giả.

 

Sinh ra ở mảnh đất nghìn năm văn hiến, năm 1972, Trung Đức đi bộ đội, trở thành lính xe tải của Bộ tư lệnh Trường Sơn (Binh đoàn 12 hiện nay). Sau đó, ông theo học tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Tốt nghiệp ra trường, ông về công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, rồi chuyển sang Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đến khi nghỉ hưu. Với những đóng góp, cống hiến trong nghệ thuật, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2007.

 “Những ca khúc viết về Trường Sơn luôn có dấu ấn và quan trọng trong sự nghiệp ca hát của tôi. Tôi cũng là người lính lái xe, từng hát cho rất nhiều anh em bộ đội ở dưới chiến hào, trên mặt trận”, NSND Trung Đức bồi hồi kể lại những kỷ niệm một thời đi dọc dãy Trường Sơn.

Ông kể thêm: “Ngày ấy, các chiến sĩ thích nghe hát lắm, nhất là bài “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”. Tôi cứ hát liên tục, nhớ ra bài nào hát bài đấy, chỉ có 3 người tôi cũng hát. Có lúc, các đồng chí chỉ cần chạm vào tay tôi thôi là vui lắm rồi. Chúng tôi ngày đó hay nói “tiếng hát át tiếng bom”, những năm chiến tranh ở chiến hào, hay sau một trận đánh ác liệt được nghe hát là mọi người phấn khởi. Những kỷ niệm đó vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của tôi”.

Nói về nghệ thuật, NSND Trung Đức cũng bày tỏ quan điểm, để có được vị trí trong lòng khán giả, nghệ sĩ cần có thời gian rèn luyện rất lâu dài về kỹ năng cũng như đạo đức nghề nghiệp. Bởi thế mà ở tuổi 73, trong những buổi lên lớp truyền dạy kiến thức âm nhạc cho học trò, ngoài kỹ năng thanh nhạc, ông yêu cầu rất cao về nếp ứng xử, đi đứng, ăn mặc từ các bạn trẻ thông qua các câu chuyện thực tế của mình. NSND Trung Đức chia sẻ: “Chẳng hạn như chuyện trang phục, có những buổi biểu diễn trang trọng, tôi mặc com-lê mà không dám ngồi vì sợ nhăn đầu gối, đến khi hát xong mới dám ngồi xuống. Có thể một số ca sĩ trẻ khác trong buổi diễn đó lại cho rằng như vậy là khắt khe, nhưng với tôi, đó là thể hiện sự tôn trọng khán giả và tôn trọng chính mình. Với học trò, tôi cũng thường khuyên nhủ các bạn như vậy. Giai đoạn nào thì người nghệ sĩ cũng rất cần chỉn chu khi xuất hiện trước khán giả”.

Trong ngôi nhà xanh mát trên con phố ở quận Hà Đông, NSND Trung Đức sống hạnh phúc cùng người bạn đời của mình-bà từng là một thiếu nữ phố cổ Hà thành xinh đẹp và duyên dáng. Hai người yêu nhau 5 năm và người thiếu nữ ấy luôn thủy chung chờ đợi ông ở chiến trường trở về, kết hôn và đồng hành với nhau đến nay hơn 40 năm. “Kể cả đến bây giờ, mỗi khi tôi đi biểu diễn, “bà xã” đều chuẩn bị trang phục cho tôi, trước khi chuẩn bị bao giờ cũng hỏi “hôm nay anh hát bài gì? Chương trình chủ đề thế nào?...”. Tôi vẫn luyện thanh đều đặn mỗi ngày hơn 30 phút. Giọng của tôi ở thời điểm hiện tại vẫn tốt, lên những nốt cao vẫn ổn lắm và bạn bè nghe hát ai cũng ngạc nhiên”, NSND Trung Đức cho biết.

Bài và ảnh: CHÂU XUYÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.