Trăn trở khi tìm chất liệu cho tác phẩm

Trong suy nghĩ của Quốc, cuộc thi viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một vấn đề “khó, khô” và kén người viết, không phải ai cũng có thể “tác chiến” được bằng những bài chính luận khoa học công phu, chặt chẽ, chỉn chu hay những bài báo giàu chất liệu, tư liệu sinh động, thuyết phục. Hơn nữa, trên các báo, tạp chí đã đăng nhiều bài viết chính luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo về chủ đề này, vậy nên phải tìm một lối đi mới, cách tiếp cận mới, cách thể hiện mới để tránh sáo mòn.

Vốn là người yêu thích hai môn Lịch sử và Văn học từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, Quốc nghĩ ngay đến hịch-một thể văn nghị luận thời xưa, thường được các bậc quân vương hay tướng lĩnh viết để cổ động, thuyết phục hoặc kêu gọi tướng sĩ đứng lên đấu tranh chống thù trong giặc ngoài. Trong đó, bài “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn là tác phẩm hịch nổi tiếng nhất của nền văn học Việt Nam. Đây là một áng văn chính luận xuất sắc, với lập luận chặt chẽ, lý lẽ rõ ràng và có sức thuyết phục cao.

Bám sát tinh thần cốt lõi của bài “Hịch tướng sĩ”, vấn đề đặt tựa đề tác phẩm như thế nào cho ngắn gọn, súc tích là điều trăn trở của Vũ Văn Quốc. Lúc đầu, nhiều tựa đề tác phẩm được nghĩ đến như: “Hịch Điện Biên Phủ trên không gian mạng”, “Hịch Điện Biên Phủ thời đại 4.0”, “Bình Than hịch”, “Diên Hồng hịch”... Vũ Văn Quốc cho rằng, những tựa đề đó tuy có ý nghĩa, song chưa lột tả bản chất vấn đề. Đang trong lúc ngẫm nghĩ, bất chợt Quốc nhớ đến bài diễn ca “Mười chính sách của Việt Minh” của Bác Hồ sáng tác năm 1941, trong đó phần kết có câu: Khuyên ai xin nhớ chữ đồng/ Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh.

Từ ý nghĩa của 4 chữ “đồng” trong câu thơ cuối của bài diễn ca, Vũ Văn Quốc chính thức đặt tựa đề cho tác phẩm của mình là “Hịch tứ đồng”. 

Đặt tên cho “đứa con tinh thần” của mình xong, điều quan trọng nhất là phải chăm chút, bồi đắp, hoàn chỉnh cho tác phẩm ra đời được ưng ý, suôn sẻ. Trò chuyện với Vũ Văn Quốc, tôi được biết, quá trình thể hiện tác phẩm “Hịch tứ đồng”, nhất là việc sắp xếp ý tứ, sử dụng ngôn từ làm sao cho phù hợp là rất khó khăn. Để khắc phục vấn đề này, Quốc viết đến đâu đọc cho đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp nghe đến đó để tranh thủ ý kiến của tập thể, sau đó tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa cho phù hợp. “Sau hai tháng “thai nghén”, tác phẩm này ra đời có một phần trí tuệ của tập thể, nhất là những góp ý, khích lệ của Thiếu tá Nghiêm Xuân Tú, tôi luôn khắc ghi điều đó”, Vũ Văn Quốc tâm sự.

leftcenterrightdel

Thiếu tá Vũ Văn Quốc được tặng Bằng khen của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, năm 2022. 

Lột tả tinh thần bảo vệ Đảng với chất giọng hào sảng, sâu sắc

Bố cục của tác phẩm “Hịch tứ đồng” của Vũ Văn Quốc gồm 4 phần: Phần đầu nói về mục đích, lý do vì sao phải đấu tranh bảo vệ Đảng. Phần II có tựa đề “Chống Đảng, lừa dân trăm phương nghìn kế”, đề cập đến âm mưu, thủ đoạn, hành động chống phá của các thế lực thù địch. Phần III “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” nói về tác hại của “diễn biến hòa bình” mà các thế lực thù địch, phản động từng thực hiện thành công ở một số nước Trung Đông, Ả Rập, châu Phi; đồng thời phê phán một bộ phận người trong xã hội ta vẫn mơ hồ, mất cảnh giác, thờ ơ trước vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Phần IV “Đồng sức, đồng tình, đồng lòng, đồng minh” kêu gọi nhân dân ta đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của dân tộc ta, quyết tâm bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ chế độ và Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Mở đầu tác phẩm “Hịch tứ đồng” đã thấy khí thế của thể loại hịch vừa mang phong vị cổ xưa, vừa có nét tươi mới thời nay:

Nước Việt ta, một dải chữ S hồn thiêng, Tây tựa sơn, Đông vọng biển, Bắc trùng điệp thành lũy, Nam Cửu Long bồi đắp đồng bằng tốt tươi, thuận đường tiến ra biển, tiện đường thoái lên non; hào kiệt bốn phương đời nào cũng có, không kể già, trẻ, gái, trai. Vậy nên, nhiều phen giặc ỷ nước rộng, quân đông, đánh đâu được đó, nhưng khi tới nước Nam đều phải lê gối xin hàng. Ngặt nỗi, dẫu ta đã “mưu phạt tâm công”, mà địch chẳng những không ăn năn hối lỗi, lại còn tiếp tục chuốc tội gây oan, ra sức tuyên truyền phản động, hại Đảng, hại nước, hại dân. Hòa bình nay được xây bằng bao xương máu, ta phải “đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh” mà giữ cho chặt, xây cho vững.

Còn đoạn kết của bài “Hịch tứ đồng” đã lột tả được khí thế, tinh thần của quân, dân ta trên mặt trận “không tiếng súng” bằng lời lẽ hào sảng:

Mấy nghìn năm lịch sử, đất nước ta chưa bao giờ nghỉ ngơi, qua bao cuộc trường kỳ kháng chiến, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta lại tiếp tục “chung lưng đấu cật” để phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; xây dựng chủ nghĩa xã hội đi đôi với bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn liền với đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Dẫu nhiều phen vận mệnh dân tộc tựa “ngàn cân treo sợi tóc”, song nhờ toàn dân đồng lòng, cả nước góp sức, hết thảy thống nhất về ý chí và hành động, thực hiện triệt để “trong ấm”-“ngoài êm”, nên thắng lợi, chính nghĩa luôn thuộc về Việt Nam. Qua đó, chúng ta lại càng thêm thấm nhuần tư tưởng về phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dân ta nhớ bốn chữ đồng/ Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh.

Nhận xét về tác phẩm “Hịch tứ đồng” của tác giả Vũ Văn Quốc, Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Bá Dương, Phụ trách Nhóm chuyên gia 35 Quân ủy Trung ương cho rằng, đây là tác phẩm có cách tiếp cận mới, cách thể hiện mới. Nội dung, phong cách viết có sự kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa truyền thống với hiện đại, lịch sử với hiện tại, quá khứ với tương lai. Câu từ, văn phong, giọng điệu vừa thể hiện được sự hùng hồn, khí thế của thể loại hịch, vừa mang chất chính luận nên tác phẩm vẫn phù hợp với thể lệ Cuộc thi chính luận “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” trong Quân đội.

Vậy, ý nghĩa của “Hịch tứ đồng” là gì? Trả lời câu hỏi của tôi, Thiếu tá Vũ Văn Quốc chia sẻ: “Qua tác phẩm, tôi mong muốn gửi đến độc giả, nhất là thế hệ trẻ-những người đóng vai trò là “rường cột” của nước nhà một thông điệp, đó là: Hòa bình hôm nay là vô cùng quý giá nhưng không phải là điều bất biến, vì kẻ thù vẫn luôn rình rập và tìm mọi cách để phá hoại nền độc lập, tự do mà ông cha ta đã phải hy sinh biết bao xương máu mới giành được. Vậy nên, chúng ta phải nêu cao ngọn cờ đoàn kết, tích cực học tập, rèn luyện về mọi mặt để “khỏe về thể chất, mạnh về tinh thần, giàu về tri thức”; chủ động nhận diện, tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng”.

Ý nghĩa sâu xa hơn là thông qua tác phẩm này, Thiếu tá Vũ Văn Quốc muốn khơi dậy trong giới trẻ về tình yêu văn chương, tình yêu lịch sử dân tộc, tình yêu Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Bác Hồ vĩ đại, bởi trong “Hịch tứ đồng” chứa đựng kiến thức văn chương, kiến thức lịch sử dân tộc và quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cách cảm nhận, chuyển tải tình yêu này đã được tác giả lồng ghép một cách khéo léo, tinh tế, uyển chuyển nên dễ chạm vào trái tim, tình cảm, suy nghĩ người đọc, nhất là bạn đọc trẻ.

Thiếu tá Vũ Văn Quốc được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở 3 năm liên tiếp (2015, 2016, 2017); Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng năm 2018.

Vũ Văn Quốc cũng là tác giả ca khúc “Có một nghề” (nói về sự hy sinh cao cả của bộ đội thời bình) phát trên YouTube đã “chạm” đến trái tim hàng vạn người nghe, người xem, nhất là giới trẻ trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Bài và ảnh: PHÚC NỘI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.