leftcenterrightdel
NSND Hồng Lựu và các em thiếu nhi trong CLB Ví, giặm Nghệ Tĩnh biểu diễn tiết mục“Phụ tử tình thâm”. Ảnh: Việt Lam 
Cùng với các DSVHPVT là tín ngưỡng, lễ hội, các DSVHPVT thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn đều có một nét giống nhau, được gọi là “nét xuân”. Tiêu biểu là Dân ca quan họ Bắc Ninh và Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Trước hết, các DSVHPVT đại diện của nhân loại này đều là tác phẩm dân ca được các nam thanh nữ tú mà lâu nay chúng ta quen gọi là nghệ nhân trình diễn vào mùa xuân. Sau Tết Nguyên đán, các làng quan họ ở hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang bắt đầu những cuộc hát quan họ dưới nhiều hình thức: Hát canh, hát thờ. Trên con đê làng, trong sân đình lất phất mưa bay chỉ đủ để che ô, những liền anh, liền chị quan họ gặp nhau. Bao giờ người quan họ cũng nói: “Thôi thì nhất niên, nhất lệ, năm mới tháng xuân, ngày xuân thong thả, chị em chúng em đi hội cầu may…”. Mỗi “bọn” quan họ, khi đến hội làng mùa xuân, thường sắm sửa trầu cau, hương nến, hoa quả để vào đình làm lễ thánh. Sau đó mới kéo nhau về gia đình của liền anh (hoặc liền chị) để hát, ca một canh cho vui bầu bạn, vui làng xóm, cầu may, cầu phúc cho cả hai bên liền chị và liền anh. Có nét xuân nào hơn thế khi những ánh mắt lúng liếng, đưa tình, say đắm lòng người lẫn trong câu hát ngọt ngào: Lúng liếng là lúng liếng ơi/ Miệng người lúng liếng có đôi đồng tiền/ Tôi với người muốn kết nhân duyên...

Trong khi đó, các chàng trai, cô gái xứ Nghệ, khi hát phường vải lại có một cách tổ chức khác với các liền anh, liền chị xứ Bắc. Kéo sợi ban đêm, dăm ba cô gái họp với nhau một phường, rồi các thầy đồ trong làng, trong vùng tới để hát thi, hát ví phường vải. Đối đáp, tức cảnh sinh tình, nghĩa tình của các cô gái trong phường vải, khiến nhà Nho thấm thía: Bóng trăng tỏa xuống sáng ngời/ Trông trăng lòng những ngậm ngùi không anh. Rồi cảnh chia tay của phường vải ví: Ra về không nỡ rời tay/ Một giờ ly biệt xem tày ba thu. Những lời ca ấy của nam thanh nữ tú xứ Nghệ nào có khác chi các liền anh, liền chị xứ Bắc, thổn thức chia tay mà không nỡ rời nhau, trong cảnh trên bến dưới thuyền: Người về, em những khóc thầm/ Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa. Để rồi đêm đêm ngồi tựa song đào: Đêm qua gió lạnh suốt đêm đông trường/ Nửa chăn, nửa chiếu, nửa giường để đó đợi ai. Hay các đêm nhớ bạn: Lòng tôi lại thêm buồn/ Lòng tôi bối rối về ai.

Như thế, cái nghĩa, cái tình là hồn cốt của các bài Dân ca quan họ Bắc Ninh và Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, khiến hai di sản văn hóa của Việt Nam trở thành DSVHPVT đại diện của nhân loại. Điều đáng nói là cái hồn cốt ấy được các thế hệ người dân xứ Bắc, xứ Nghệ coi là một phần bản sắc của họ, trao truyền từ đời này qua đời khác. Nét xuân của các DSVHPVT tràn đầy sức sống, không chỉ trong cuộc sống hôm nay, mà còn là hành trang cùng con người đi tới tương lai.

 Tôi từng gặp một liền anh quê Bắc Ninh, hành nghề mua bán thực phẩm nơi chợ làng, có giọng hát “vang, rền, nền, nảy” thật tuyệt vời, anh luôn tham gia các cuộc hát canh với “bọn” liền chị. Tôi từng có những buổi ngồi nghe hát ví, giặm ở một làng nhỏ của huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, chứng kiến cả người hát lẫn người nghe thích thú, đắm say, mơ màng trong từng làn điệu và vui vẻ thưởng thức khoai lang, lạc luộc, uống nước trà xanh với chủ nhà… Được biết, thời gian qua, Nhà nước, ngành văn hóa và các địa phương đã có những việc làm thiết thực như phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, tạo điều kiện để nghệ nhân có chế độ bảo hiểm y tế... Hay như tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Phú Thọ dành những khoản trợ cấp hằng tháng cho các nghệ nhân quan họ, hát xoan mở các câu lạc bộ truyền dạy di sản cho thế hệ trẻ. Trước đây, khi chưa có những chính sách này, nghệ nhân vẫn luôn có ý thức giữ gìn, bảo tồn giá trị di sản mà thế hệ tiền nhân để lại và thường xuyên trao truyền di sản cho con cháu.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là làm sao giữ gìn được nét xuân độc đáo và quý giá ấy cho hôm nay và mai sau? Tôi nhớ một câu nói của Các Mác, đại ý: Người ta, trước hết nghĩ đến ăn và mặc, rồi mới nghĩ đến văn chương, nghệ thuật. Cuộc sống với tất cả mặt trái và mặt phải của nó luôn đặt ra nhiều vấn đề cho con người trước khi người ta thả tâm hồn theo tiếng gọi của tình yêu, theo nhịp đập của trái tim. Nét xuân của người xưa vẫn tha thiết, rạo rực nhưng thực tế trong đời sống hiện nay lại không dễ trao truyền cho thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ hôm nay có nhiều thứ hấp dẫn, âm nhạc phương Tây với sự phát triển của công nghệ số, internet tràn vào từng làng quê xứ Bắc, xứ Nghệ, khiến họ chưa hiểu hết nét xuân đặc sắc trong các giá trị di sản của người xưa. âu cũng là chuyện thường tình. Điều cần thiết là phải làm sao cho thế hệ trẻ hòa cùng nhịp tim của liền anh, liền chị, các o phường vải, Nho sinh xứ Nghệ để cùng tha thiết, bồi hồi, nhớ nhung, chờ đợi... là trách nhiệm của chúng ta. Hơn nữa, điều quan trọng là làm sao để nét xuân, nét duyên của dân ca quan họ, dân ca ví, giặm đến được với nhân loại nhiều hơn, vì những di sản ấy đã mang tầm nhân loại.

Thiết nghĩ, vai trò của Nhà nước, cộng đồng làng xã, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và nghệ nhân phải tiếp tục được đề cao, trong đó cần tập trung ưu tiên dành kinh phí để chăm lo bảo tồn, phát huy giá trị DSVHPVT theo Công ước năm 2003 của UNESCO. Có thế, nét xuân của những làn điệu dân ca quan họ, dân ca ví, giặm nói riêng, giai điệu âm thanh của các loại hình DSVHPVT nói chung của dân tộc ta mới giữ được nét đậm đà, tươi mới như mùa xuân.

GS, TS NGUYỄN CHÍ BỀN

Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia