Nhiều giải pháp để “bộ mặt” đô thị mới giữ gìn bản sắc văn hóa, cảnh quan truyền thống đã được chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra.

Giữa thập niên 1990, có một dự án của Italy muốn bảo tồn, phát huy cảnh quan xung quanh chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Nội). Nhưng vì nhiều lý do, dự án không được thực hiện, để rồi sau đó xung quanh mọc lên những nhà cao tầng san sát, cảnh quan chùa Thầy xưa chỉ còn thấy trong những bức ảnh. Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ minh họa cho việc không thể giữ gìn cảnh quan nông thôn, rộng ra là văn hóa truyền thống các miền quê trước tốc độ đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ.  

Cảnh quan hài hòa khu đô thị và không gian xanh ở phường Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội). Ảnh: TRỌNG HẢI.

Theo số liệu nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội, tính đến hết tháng 5-2018, Việt Nam có 813 đô thị các loại, bao gồm cả các đô thị đặc biệt là khu kinh tế, khu công nghiệp… Đô thị đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Hằng năm, các đô thị đóng góp tới 70% GDP của cả nước. Như vậy, xu thế đô thị hóa là tất yếu ở một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, vấn đề là đô thị hóa có gắn với phát triển bền vững hay không? Chính sự gia tăng không gian đô thị, mật độ dân cư, tập trung hoạt động thương mại dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực. Hiện nay, dư luận quan tâm đến vấn đề môi trường, còn kiến trúc cảnh quan chưa được quan tâm đúng mức. Điều này, dẫn đến chất lượng cảnh quan xuống cấp, đặc biệt trong nhiều khu vực giáp ranh. Sự lộn xộn, lai căng kiến trúc nhà cửa, thiếu hạ tầng giao thông kết nối, lấn chiếm không gian công cộng… nhan nhản khắp nơi.

Người ta thường lấy lý do kiến trúc cảnh quan là chuyện xấu và đẹp chứ không phải là vấn đề nóng bỏng của thời cuộc để mà quan tâm. Nhưng trở lại câu chuyện năm xưa ở chùa Thầy, nếu dự án kể trên được triển khai, với vị trí cách trung tâm Hà Nội chưa đến 20 cây số, chùa Thầy và vùng phụ cận sẽ trở thành địa chỉ du lịch, đi đôi với gìn giữ các nếp sinh hoạt truyền thống. Cảnh quan đã mất đi thì không thể hồi phục được và rõ ràng ở đây không phải chỉ là chuyện của hình thức bề ngoài.

Mô hình mà các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra để giúp hài hòa kiến trúc cảnh quan đô thị và nông thôn ở Việt Nam, đó là “nông thị” (agritown). GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính lý giải: “Nông thị là thiết chế cộng cư kết hợp nền kinh tế trồng trọt và chăn nuôi với tiện nghi và chất lượng cuộc sống đô thị. Nông thị có cấu trúc dạng thị trấn, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật tiến tới trình độ đô thị, có mật độ xây dựng thấp, mỗi đơn vị ở gia đình duy trì cấu trúc nhà-sân-vườn, bảo đảm một phần nhu cầu về thực phẩm, kiến trúc nhà ở và các thể loại công trình thấp tầng”. Mô hình này từng áp dụng thành công ở Nhật Bản, Mỹ… Theo đó, ở ngay trong lòng đô thị, vẫn cần những khoảng xanh, đó không chỉ là công viên hay hồ nước, thậm chí là khu vực sản xuất nông nghiệp ngay trong lòng đô thị. Ngay như Hà Nội, những làng lúa, làng hoa, làng rau ven hồ Tây, sông Tô Lịch, nếu giữ được, tồn tại xen kẽ với các đô thị chính là ví dụ tiêu biểu cho mô hình “nông thị”. Với tư duy mới, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phân biệt rõ khu vực nào tập trung cơ quan hành chính, khu vực nào tập trung dân cư và khu vực nào để bảo tồn cảnh quan, đặc biệt như các làng cổ ở Đồng bằng sông Hồng, vườn cây sinh thái ở Nam Bộ…       

Cuộc hội thảo mới đây do Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức đặt ra vấn đề quản lý và phát triển kiến trúc cảnh quan ở nông thôn. Nông nghiệp hiện nay chỉ chiếm 6% tỷ trọng cơ cấu kinh tế của Bắc Ninh nhờ phát triển công nghiệp và đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Điều này, rất dễ nảy sinh tư tưởng đô thị hóa-công nghiệp hóa toàn tỉnh, mất đi cảnh quan và văn hóa vùng kinh Bắc nổi tiếng. Thạc sĩ Nguyễn Tiến Tài, Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh, cho biết: “Ngành xây dựng tỉnh Bắc Ninh xác định nhiệm vụ lớn để quản lý kiến trúc cảnh quan nông thôn theo hướng chú trọng đặc trưng văn hóa Bắc Ninh, bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc cổ, không gian làng cổ, xây dựng các khu vui chơi giải trí du lịch ven sông, tạo không gian xanh và hành lang xanh”. Hành động trên thực tế dựa vào nhận thức nên với ý thức tỉnh táo, kiên trì cân bằng giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại, kinh tế và văn hóa… có thể tin tưởng mục tiêu của Bắc Ninh trong tương lai là xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh, văn hóa sẽ thành hiện thực.

Hiện nay, nhiều huyện đang phấn đấu trở thành thị xã, quận để thu hút thêm đầu tư, tăng trưởng kinh tế. Chỉ cần một quyết định hành chính công nhận sẽ làm gia tăng tốc độ đô thị hóa. Xét về bản chất, công nghiệp hóa, đô thị hóa nhằm mục đích nâng cao đời sống, tăng sự tiện nghi và thoải mái cho người dân. Đô thị hóa mà vẫn không mất đi bản sắc cảnh quan kiến trúc, không bị xáo trộn nếp sống thì công cuộc hiện đại hóa mới thực sự thành công.

TRẦN HOÀNG HOÀNG