Câu lạc bộ Jazz Bình Minh được NSƯT Quyền Văn Minh thành lập từ năm 1994, thuê tầng 1 của Nhà hát Kịch Việt Nam ở phía sau Nhà hát Lớn Hà Nội. Nơi đây như ngôi nhà thứ 2 của nghệ sĩ, dù gần hai năm nay, hoạt động biểu diễn buộc phải dừng, hủy do đại dịch, nhưng trong những khoảng thời gian được nới lỏng, ông vẫn cùng các học trò và nghệ sĩ chơi jazz say sưa luyện tập.

 NSƯT Quyền Văn Minh (bên trái) cùng học trò chơi nhạc jazz trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội.Ảnh: ĐÌNH TOÁN


NSƯT Quyền Văn Minh sinh năm 1954 trong gia đình có truyền thống về nghệ thuật tại Hà Nội. Nhắc đến nhạc jazz, nghệ sĩ Quyền Văn Minh bảo rằng đã chọn một lối đi khó: “Chương trình biểu diễn nhạc jazz lần đầu tiên của tôi là năm 1988. Khi tôi nói sẽ có buổi trình diễn nhạc jazz ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhiều người không muốn chơi cùng vì còn e ngại. Tôi đã phải nịnh anh trai Quyền Văn Chương chơi guitar bass, em trai Quyền Anh Tuấn chơi guitar, Đặng Hữu Phúc đánh piano. Ngoài tôi, gần như tất cả chưa biết nhạc jazz là gì, mọi người chỉ tuân theo để chơi thôi”. Từ đó cho đến nay, nghệ sĩ Quyền Văn Minh đã góp phần tạo nên con đường cho nhạc jazz cũng được ví như vị "thuyền trưởng" chèo lái con tàu nhạc jazz tại Việt Nam. Ông đã có thể yên tâm vào thế hệ kế cận và những thế hệ học trò, mà nổi bật trong đó có Trần Mạnh Tuấn, Hồng Kiên, Quyền Thiện Đắc-con trai của nghệ sĩ...

Tạo dựng sân chơi cho người chơi nhạc jazz, yêu nhạc jazz, nghệ sĩ Quyền Văn Minh cũng luôn đau đáu làm sao để jazz Việt có vị trí vững chắc như những dòng nhạc khác, xa hơn là đến được với khán giả quốc tế. “Bao giờ có một nghệ sĩ nước ngoài chơi những bản nhạc jazz của nhạc sĩ Việt Nam sáng tác thì mới có thể tuyên bố là có jazz Việt. Còn bây giờ, họ đến nước mình chơi xã giao, thường lấy một bài dân ca biến tấu. Đó là câu chuyện khác, không phải âm nhạc đẳng cấp. Tôi muốn mỗi dân tộc có bài jazz để “kể” với thế giới. Những thế hệ sau có thể nhân lên rất nhiều số này nếu thấy con đường đi của tôi là đúng”, nghệ sĩ Quyền Văn Minh cho hay.

Với lối đi vốn tưởng rất khó tiệm cận với thẩm mỹ của khán giả Việt, nghệ sĩ Quyền Văn Minh đã viết nhiều tác phẩm jazz mang âm hưởng dân gian Việt Nam như: “Giai điệu Sa Pa”, “Ngày hội mùa”, “Vấn vương”, “Sông nước Hậu Giang”... Ông cũng sản xuất đĩa nhạc jazz “Ngẫu hứng 99”, “Đồng cảm”... mang âm hưởng nhạc dân gian phát hành tới nhiều nước trên thế giới, để khẳng định người Việt Nam chơi jazz bằng cách chơi dòng nhạc của họ theo ngôn ngữ âm nhạc của mình. Ông đi biểu diễn ở khắp nơi để giới thiệu jazz made in Vietnam. Năm tháng trôi qua, công sức của Quyền Văn Minh và cộng sự ít nhiều có kết quả. Theo lời ông kể, lợi nhuận lớn từ việc phát hành bán đĩa nhạc jazz ở nước ngoài giúp ông có động lực để duy trì Câu lạc bộ Jazz Bình Minh cũng như mở rộng cửa đón các tài năng trẻ tới đây học miễn phí. “Jazz ở Việt Nam tuy vẫn khó khăn nhưng hơn trước rất nhiều rồi. Như thế là công sức của mình không bị bỏ phí”, NSƯT Quyền Văn Minh bộc bạch.

CHÂU XUYÊN