Hoàn thiện hơn về con đường của Phật giáo Trúc Lâm
Núi Yên Tử thuộc dãy núi Đông Triều, ở vùng Đông Bắc. Nơi đây là một thắng cảnh thiên nhiên đồng thời lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa gắn liền với thiền phái Trúc Lâm và Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Yên Tử đã có lịch sử hơn 700 năm và là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam. Yên Tử trở thành trung tâm Phật giáo, khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa và lên núi tu hành. Vua đã cho xây dựng rất nhiều công trình lớn, nhỏ trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo. Không gian của Phật giáo Trúc Lâm xưa trải rộng ở hai bên sườn Đông-Tây. Mỗi chùa bên Tây tương ứng có chùa bên Đông. Theo tư liệu của các nhà nghiên cứu, từ xa xưa, vua Trần Nhân Tông chọn con đường lên Yên Tử chính là từ chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang)-nơi trung chuyển Thăng Long và Yên Tử. Con đường tu hành bắt đầu từ chân núi lên cao dần và hiện tại chính là chùa Đồng. Do đó, nếu Đông Yên Tử là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập, nơi lưu giữ xá lị sau khi viên tịch, thì Tây Yên Tử là con đường hoằng dương Phật pháp của Ngài.
    |
 |
Khu văn hóa tâm linh-sinh thái Tây Yên Tử. |
Ngày nay, tỉnh Quảng Ninh quản lý từ Đông Triều sang Uông Bí ở phía Đông Yên Tử; tỉnh Hải Dương quản lý một phần phía Đông và phía Tây thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang. Theo ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang: Theo tài liệu và nghiên cứu của các nhà khoa học cùng với những di tích hiện hữu, cơ sở địa-văn hóa Phật giáo vùng Tây Yên Tử đã có sự phát triển nội tại hay từ thời Lý-Trần có xu thế tiếp nối và định hình bền vững nhiều thế kỷ sau, đặt ra cho chúng ta một tầm nhìn về con đường kết nối bản sắc ngàn năm văn hóa Phật giáo vùng Tây Yên Tử mà cha ông đã vượt qua bao gian khó, nhiều đời tiếp nối, phát huy và phát triển đến ngày nay.
Kết nối để phát triển
Năm 2015, ba địa phương dưới chân Yên Tử đã thống nhất trình Chính phủ định danh "Quần thể di tích nhà Trần và Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử tại Quảng Ninh-Bắc Giang-Hải Dương" là một chuỗi kiến trúc công trình văn hóa, không đơn lẻ như trước. Không gian lập hồ sơ được điều chỉnh lại gồm 4 cụm di tích thuộc 3 tỉnh, cụ thể: Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh); Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều (Đông Triều, Quảng Ninh); Khu di tích lịch sử, văn hóa Thanh Mai-Côn Sơn-Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương); Khu di tích Tây Yên Tử (Bắc Giang).
Đã thành thông lệ, vào dịp Mồng 10 tháng Giêng hằng năm, Lễ khai hội Xuân Yên Tử trở thành nơi về nguồn của hàng nghìn Phật tử trên khắp cả nước. Lễ hội được tổ chức ngày một quy củ cùng với hệ thống dịch vụ được đầu tư phát triển, tạo thuận lợi cho du khách về hành hương. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND TP Uông Bí (Quảng Ninh), cho biết, năm 2019, các công trình quan trọng phục vụ du khách về với Yên Tử đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, như: Khách sạn LEGACY Yên Tử-khách sạn 5 sao được thiết kế bởi Kiến trúc sư lừng danh Bill Bensley với tổng số 133 phòng; khánh thành và đưa vào sử dụng giai đoạn I Cung Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử với diện tích lên tới 6.000m2. Lễ hội năm nay là năm đầu tiên thực hiện việc kết nối giữa Khu di tích và danh thắng Yên Tử với Khu văn hóa tâm linh-sinh thái Tây Yên Tử thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Theo ông Lê Ánh Dương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, địa phương đang phục dựng con đường tâm linh từ chốn tổ Vĩnh Nghiêm qua 7 điểm chùa chính. Con đường cũng gắn kết với các điểm đến đặc trưng của tỉnh cũng như bản sắc của một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số với những làng, bản vẫn giữ được những giá trị văn hóa, phong tục, tập quán độc đáo. Mong muốn của Bắc Giang là khôi phục lại con đường lên núi Yên Tử bằng đường đi bộ bởi rừng nguyên sinh còn rất nhiều. "Nếu chúng ta đi bộ như thế, cứ 7km lại có chùa dừng chân, ngồi thiền, ăn chay, cảm nhận được núi non hùng vĩ thì sẽ thấu hiểu được các nhà tu hành ngày xưa đã tìm đến con đường Phật pháp như thế nào. Từ Vĩnh Nghiêm đi Yên Tử, đây mới là con đường Phật giáo, đây mới là sản phẩm du lịch mà chúng tôi muốn hướng tới. May mắn nhờ khảo cổ, con đường này đang hiển lộ rất rõ ràng, chúng tôi cần thời gian để nghiên cứu bài bản hơn", ông Lê Ánh Dương cho biết.
Giữa hai tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh đã có sự phối hợp, bàn bạc đi đến thống nhất việc kết nối giữa hai khu du lịch. Tỉnh Bắc Giang đã mở 3 tuyến kết nối. Tuyến thứ nhất dài 26km từ Tây Yên Tử sang Đông Triều (Quảng Ninh) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuyến thứ hai là từ thị trấn Thanh Sơn (huyện Sơn Động) đi tiếp đến đèo Hạ My sang TP Hạ Long (Quảng Ninh) hiện còn thi công 14km, dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2019. Một tuyến quan trọng nữa là kết nối trên đỉnh Yên Tử thì giữa tỉnh Bắc Giang và tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất báo cáo và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản đồng ý cho phép kết nối giữa hai khu du lịch. Hiện nay, du khách đã có thể đi lại thuận tiện trên hệ thống đường lát đá kết nối giữa khu Đông và Tây Yên Tử.
Bài và ảnh: LAN DỊU