Cuối tháng 12, ngôi chùa cổ đúc, ghép và làm bằng đồng lớn nhất từ trước đến nay thờ Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Vua Trần Nhân Tông-vị anh hùng dân tộc và các Vua đời nhà Trần đã có công dựng nước và giữ nước đã được dựng trên đỉnh núi cao nhất Yên Tử-Quảng Ninh.

Ngôi chùa cổ bằng đồng được dựng phỏng theo lối kiến trúc sơ khai đời nhà Trần, đặt trên đỉnh núi Yên Sơn cao nhất trong dãy núi Yên Tử (cao 1.068m) do Công ty TNHH xây dựng mỹ thuật Hà Nội tổ chức thi công. Toàn bộ chùa được thiết kế, lắp ghép và trang trí bằng vật liệu đồng đỏ, dùng phương pháp đúc đồng thủ công.

Chùa đồng nặng 60 tấn, diện tích mặt bằng chùa đồng 16,55m2, cột trụ đồng cao nhất hơn 3m, cột đồng thấp nhất 2m60, và 2m20, tổng cộng chùa gồm 16 cột đồng, đường kính cột đồng từ 20cm đến 30cm. Toàn bộ xà ngang, xà dọc đều đúc hình đầu rồng. 4 đầu chùa hình mái vẩy, trông tựa như hình bông sen đang nở vươn lên. Ngói chùa hình mũi hài, những tấm phên tường ngăn, cột hàng rào lan can, con hạc, câu đối, phù điêu rồng đều được đúc sinh động. Bệ thờ dùng để đặt tượng đúc bằng đồng nặng 4 tấn, gạch lát nền nặng 13kg. Chùa đồng đặt cố định trên sàn móng bê tông (dài 5m x rộng 4m). Sàn này đặt trên các cột bê tông dài hơn 2m, đúc liền với sàn móng và được cắm sâu vào lòng núi.
Khung chùa Đồng dựng thử dưới chân núi Yên Tử (ảnh: Internet).

Nhóm thợ đúc đồng gồm các anh Đào Mạnh Đức (quê Ninh Bình), Vũ Đình Môn (Bắc Ninh) là những người trực tiếp thi công, lắp ghép chùa đồng trên đỉnh núi Yên Tử kể chuyện cho biết: "Toàn bộ khung chùa như cột đỡ, xà ngang, xà dọc bằng đồng đã được nhóm nghệ nhân đúc đồng Ý Yên-Nam Định, đúc ngay ở dưới chân núi Yên Tử. Sau đó chúng tôi đã lắp ghép thử bộ khung chùa ở dưới chân núi, rồi tháo rời ra, dùng cáp, dây tời chuyển toàn bộ cột, xà đồng từ chân núi lên đến đỉnh núi. Đến nơi chúng tôi lắp ráp khung chùa lại theo đúng bản vẽ mẫu chùa, dự tính cũng phải gần đến lễ hội Yên Tử-Xuân 2007, công trình mới hoàn thành được".

Chùa đồng tọa lạc trên đỉnh núi Yên Sơn cao nhất, trông giống như một bông sen đang nở, các góc mái có hình đầu rồng và trang trí thêm các hình: Long, Li, Quy, Phượng tượng trưng cho tín ngưỡng Việt Nam.

Sử sách đã ghi lại ngày trước, vào thời đời nhà Lê, bà vợ chúa Trịnh cũng đã công đức xây dựng ngôi chùa nhỏ bằng đồng, đặt ở trên đỉnh núi (trong chùa thờ Đức Quan Thế Âm Bồ Tát). Đến năm 1930, cũng có người lên núi tái tạo lại chùa đồng nhỏ, làm bằng bê tông cốt đồng, đặt trên một hòn đá cao quá đầu người trên đỉnh núi.

Trải qua năm tháng, thời gian và mưa bão, chùa đồng nhỏ trên đỉnh núi bị hỏng dần. Năm 1993 ông Nguyễn Sơn Nam-Việt kiều cùng với một số các Phật tử đã hồi hương, về thăm Yên Tử và công đức, tái thiết lại ngôi chùa nhỏ đúc bằng đồng, dựng bên chùa đồng cũ, trong chùa thờ 3 pho tượng Tam tổ ngự đài sen, chính giữa thờ vua Trần Nhân Tông, hai bên thờ Tôn giả Pháp Loa và Huyền Quang. Chùa đồng đó quá nhỏ, cao gần bằng người đứng lễ, khách thập phương đến thăm viếng, lễ chỉ đứng ở bên ngoài cạnh chùa.

Anh Phạm Văn Sơn (Ý Yên, Nam Định), anh Vũ Xuân Ninh (Gia Bình, Bắc Ninh) - những người thợ lắp ráp chùa đồng trên đỉnh núi, cũng hồ hởi cho biết thêm: "Nhóm chúng tôi làm việc mỗi ngày từ 8 đến 10 tiếng, dựng chùa đồng trên đỉnh núi cao. Trời đẹp, mây bay xung quanh. Sáng sớm mùa đông sương mù che kín chân núi. Cảnh mây núi hùng vĩ làm chúng tôi làm việc đam mê hơn. Nghề dựng ghép các cột, xà đồng với nhau thành ngôi chùa, cũng như người họa sĩ đang hoàn thiện một bức tranh tuyệt đẹp, cần làm việc tỉ mỉ và cầu kỳ, càng làm càng ham mê. Chùa đồng dựng trên đỉnh núi, sẽ là một cảnh quan đẹp ở trên núi cao nhất, trong đó có sự đóng góp của những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân làng nghề đúc đồng các nơi…".

Đặt được ngôi chùa đồng lớn nhất trên đỉnh núi cao nhất, trong dãy núi Yên Tử là ước muốn của nhiều du khách thập phương, đến nay nhờ có các phương tiện kỹ thuật hiện đại, mới vận chuyển được các loại vật liệu đồng lớn nhỏ, sắt thép, xi măng, máy phát điện và nước lên tận đỉnh núi cao để thi công chùa đồng, mới thực hiện được. Đường cáp treo hiện đại từ chân núi Yên Tử đến Tháp Tổ-chùa Hoa Yên (dài hơn 1.000m), hàng ngày vận chuyển hàng trăm lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan chùa Hoa Yên và đi bộ thăm chùa đồng. Dự án làm tuyến cáp treo thứ hai tại Yên Tử, từ chùa Hoa Viên đến chùa đồng, cũng đang được Ban quản lý di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử xin phép UBND tỉnh Quảng Ninh cho triển khai trong năm 2007. Nếu hoàn thành xong được đường cáp treo từ chùa Hoa Yên đến chùa đồng trên đỉnh núi, sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người có tuổi, các cháu nhỏ ngắm nhìn phong cảnh đất nước, tưởng nhớ ông cha.

Ban quản lý di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử cho biết: sẽ làm thêm nhà lưu niệm, nhà khách, đường lên chùa đồng… dự tính toàn bộ kinh phí: 21,5 tỷ đồng. Sắp tới Ban quản lý sẽ xin ý kiến tỉnh Quảng Ninh cho đúc tượng đồng 3 vị Đệ nhất tổ-Vua Trần Nhân Tông, Đệ nhị tổ Pháp Hoa và Đệ tam tổ Huyền Quang, đặt trên núi Yên Tử. Khu di tích lịch sử Yên Tử, thị xã Uông Bí, Quảng Ninh sẽ là một danh thắng-di tích phong phú hơn, ý nghĩa hơn với hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am, tháp, hàng ngàn di vật cổ quý.

ANH NAM