“Những đứa con của đồng đội”, tác giả kịch bản Vương Huyền Cơ, đạo diễn NSND Lê Hùng; chỉ đạo nghệ thuật: Giám đốc, Đại tá, NSƯT Nguyễn Ngọc Thư.
“Là người tôi sẽ chết cho quê hương”, câu hát trong bài “Tự nguyện” do nữ ca sĩ Hương Thủy trong đội văn công xung kích đã hy sinh ở chiến trường đã chạm đến trái tim khán giả. Sự hy sinh của chị và người bạn đời, cũng là chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam ngay tại chiến trường đã khiến khán giả đến xem vở diễn tại Nhà hát Quân đội sáng 13-11 lặng đi vì xúc động. Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má khán giả là những cựu chiến binh đã từng đi qua chiến tranh và cả những bạn trẻ chỉ biết đến chiến tranh qua sách, báo, phim, ảnh đã khẳng định “Những đứa con của đồng đội” để lại ấn tượng sâu sắc với người xem.
 |
Cảnh ca sĩ Hương Thủy chia tay người yêu để về quê sinh con. |
Vở diễn kể về tình đồng đội, tình đồng chí cao đẹp của những người lính không chỉ ở chiến trường, giữa sự sống và cái chết rất mong manh mà cả khi hòa bình rồi, họ vẫn sống vì nhau, hy sinh cho nhau. Hình ảnh của hai người cựu chiến binh là Bình và Nam, hy sinh hạnh phúc riêng để nuôi con của nữ ca sĩ Hương Thủy khiến người xem xúc động. Họ coi con của hai liệt sĩ như chính con mình đẻ ra. Sự trưởng thành của cậu con trai mang tên Việt Quốc chính là niềm hạnh phúc của hai người cựu chiến binh này.
Nghệ sĩ Bạch Trí Thông, vai ông Bình bộc bạch: Vai diễn này cho tôi rất nhiều cảm xúc, đó là tình đồng chí, đồng đội. Khi đồng đội hy sinh, người bạn cùng chiến hào tiếp tục chiến đấu và khi hòa bình lập lại, họ đã đi tìm lại vợ con người đồng đội đó. Đây là tình cảm cao đẹp của người chiến sĩ mà chúng tôi từng được nghe, đọc nhiều qua sách, báo. Khi nhận vai này, tôi rất thích bởi đây là nhân vật có nhiều cảm xúc. Vì thế tôi cố gắng hết sức để thể hiện vai diễn tốt nhất.
 |
Ông Bình dẫn Việt Quốc đi tìm mộ mẹ. |
 |
Cảnh bà mẹ người Lào đã giúp ông Bình tìm lại mộ liệt sĩ Hương Thủy. |
 |
Việt Quốc thành lập Công ty hỗ trợ tư pháp cho người nghèo. |
Nói về cái khó khi thể hiện vai diễn, nghệ sĩ Bạch Trí Thông chia sẻ: Đây là vai diễn này thuộc thể loại kịch tâm trạng, thể hiện sự nỗi niềm của người lính khi đồng đội mình nằm xuống, hai vợ chồng ca sĩ Hương Thủy hy sinh ở chiến trường nước bạn Lào và họ để lại đứa con nơi quê nhà. Diễn tả nội tâm nhân vật không đơn giản nhưng tôi đã cố gắng hết sức mình cùng với đồng đội, đạo diễn để làm tròn vai này.
“Vở kịch “Đứa con của đồng đội” được dàn dựng từ năm 2016, đã biểu diễn cho khán giả là bộ đội ở Quân khu 7, 9 và đông đảo người dân. Có những đêm diễn, khán giả xem xong, khán phòng lặng đi, khác hẳn những vở diễn khác, khi diễn xong khán giả nhấp nhổm đứng dậy ra về nhưng vở diễn này kết thúc, hầu hết khán giả không ai muốn về, trên gương mặt họ vẫn còn vương những giọt lệ. Họ ngồi im lặng 30 giây rồi mới chợt nhớ ra vỗ tay chúc mừng các nghệ sĩ”, nghệ sĩ Bạch Trí Thông cho biết.
Đầu quân về Nhà hát Kịch nói Quân đội được 6 năm, Trung úy, QNCN Dương Văn Khánh đã được giao nhiều vai diễn nhưng trong vở diễn này, anh cảm thấy vinh dự khi được hóa thân vào hai vai diễn là vai ông bố và cậu con trai Việt Quốc.
“Đảm nhận hai vai bố và con trong một vở kịch, thể hiện cảm xúc nhân vật cả trong thời chiến và thời bình, lúc đầu tôi rất lo lắng bởi không biết thể hiện thế nào để lột tả được hết cảm xúc nhân vật nhưng sau khi được tập luyện và sự chỉ dẫn của lãnh đạo Nhà hát cùng các diễn viên trong đoàn nên tôi đã tiếp cận với vai diễn và tự tin khi hóa thân vào nhân vật. Khi vở diễn kết thúc mà tôi vẫn cảm thấy rất hồi hộp, xúc động. Là thế hệ sinh ra trong hòa bình, qua vai diễn, tôi hiểu hơn sự hy sinh của thế hệ đi trước.
Ông Nguyễn Danh Khí, nguyên Hiệu trưởng Trường PTTH Hoài Đức B (Hà Nội) bộc bạch: Tôi có anh trai của liệt sĩ nên khi xem vở diễn này, tôi rất xúc động. Con trai của hai liệt sĩ, lúc đầu do xã hội chưa hiểu ác cảm với em nhưng bằng những việc làm nghĩa tình của mình, em đã chứng minh cho bà con thấy tấm lòng chân thành luôn sống vì cộng đồng của Việt Quốc. Con trai của hai liệt đã thành lập văn phòng tư vấn luật cho người nghèo.
Trong tiếng nấc nghẹn ngào, ông Lê Tiến Lân, 73 tuổi, ở Bộ đội Việt Nam đóng quân trên đất Lào bộc bạch: Trong khi xem vở diễn, nhiều lần tôi đã khóc vì xúc động bởi vở diễn cho tôi sống lại những năm tháng mình đã từng trải qua. Hoàn cảnh của tôi rất giống với hình ảnh bố của cháu Việt Quốc. Nếu ai đã từng đi qua chiến tranh sẽ thấy vở diễn rất ý nghĩa, thể hiện tình hữu nghị quân dân Việt Lào. Hình ảnh bà mẹ người Lào trong vở diễn rất chân thật và yêu mến bộ đội Việt Nam.
“Đứa con của đồng đội”, tác phẩm sân khấu mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần khắc họa sâu đậm hình ảnh chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong cả thời chiến và thời bình.
Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN