 |
Trò cờ bạc tại Hội Lim 2008 đã mang lại lợi nhuận cho chủ sòng mỗi ngày hàng chục triệu đồng.Ảnh: Thái Sơn |
“Tháng giêng là tháng ăn chơi”, câu nói này xem ra ngày càng đúng nếu ai có điều kiện đến các lễ hội sau Tết. Thôi thì đủ kiểu “ăn chơi”: kín đáo có, lộ liễu có, theo đúng tinh thần thoải mái cũng có mà theo kiểu “đốt tiền” thì lại càng nhiều hơn.
Cờ bạc vào mùa
Cái sự “ăn chơi” trong những tháng Giêng, Hai của nhiều người bây giờ không chỉ đơn giản là thảnh thơi công việc và rủ nhau đi du xuân thưởng ngoạn phong cảnh đất trời. Cái sự ấy phải kèm theo hàng loạt hoạt động khác, hoạt động nào cũng phải chi tiền cả. Cứ như người ta rủ nhau đi du xuân là để đốt tiền vậy. Và cờ bạc là cách đốt tiền phổ biến nhất của cánh đàn ông. Thôi thì đủ kiểu cờ bạc: trò chơi trúng thưởng, xóc đĩa, úp xu, tá lả, tổ tôm, cờ tướng… Tổ chức thật đơn giản, có khi chỉ cần một bàn cờ trải ngay trên mặt đất; người chơi cũng đơn giản, ngồi xổm túm tụm xung quanh. Đi hội Chùa Hương, trên con đò dọc Suối Yến, tôi đã chứng kiến những du khách lôi cả xấp tiền pô-li-me (mệnh giá thấp nhất là 10.000đồng) ra chơi tá lả với nhau ngay trên đò. Họ đều là bạn hữu với nhau, rủ nhau đi trẩy hội đầu xuân, tranh thủ lúc đi đò cứ 4 người một hội mà “sát phạt” lẫn nhau, nhà đò cũng không thấy ai có ý kiến gì.
Hội Cổ Loa, những “con bạc” úp xèng mỗi lần đặt cũng phải 50.000đ trở lên, ngồi ngay dọc lối vào hội, người chơi, người xem túm tụm đông nghẹt. Ở Hội Lim, cờ bạc “trá hình” với những bàn cờ tướng, những trò “nhanh tay nhanh mắt” mà tỷ lệ đoán đúng là rất thấp bày ngay lối vào Hội. Đặc biệt năm nay, những du khách đi chợ Viềng (Nam Định) phàn nàn rằng chợ cầu may đã biến thành “chợ đỏ đen” với đủ loại hình cờ bạc trá hình “chiếc nón kỳ diệu” (người chơi đặt tiền vào ô nào đó rồi quay nón, nếu trúng thì được tiền, nếu thua thì mất số tiền đó), “cua cá” (tương tự xóc đĩa), xé vé dò số, ném vòng ăn tiền, “cờ thế giang hồ” (cờ tướng ăn tiền) công khai khắp trong, ngoài chợ…
Nhiều gia đình ở nông thôn trong dịp xuân rơi vào cảnh cãi vã, xô xát giữa vợ chồng do cờ bạc-những sòng bạc “tại gia” có khi kéo dài cả tháng Giêng. Chị Tạ Thị Dự (Bắc Giang) tâm sự: “Năm nào cũng từ mùng 2 đến rằm nhà tôi đều đi chơi “phỏm” suốt, có khi đi thâu đêm. Năm nào thua ít thì vài trăm nghìn đồng, có năm đến mấy triệu, mất cả đàn lợn. Tôi chẳng thấy cờ bạc thắng bao giờ”. Trong khi đó, hầu hết cánh đàn ông đều cho rằng ngày xuân ít nhiều phải có chút bài bạc mới vui. Anh Nguyễn Văn Trọng (Đông Anh, Hà Nội) hồn nhiên: “Tết nhất, hội hè là phải có cờ bạc mới vui chứ. Chúng tôi cũng chỉ là anh em chơi vui với nhau thôi, có gì đâu mà vi phạm pháp luật”. Rõ ràng trong khi Nhà nước đang ra sức loại bỏ cờ bạc khỏi các hoạt động hội hè, văn hóa tín ngưỡng thì nhiều người dân lại đang coi đó như là một “hội vui” trong mùa lễ hội.
Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra ở đây là trách nhiệm của chính quyền và các lực lượng công an, trật tự trong việc kiềm chế cờ bạc tại các hội hè. Chắc chắn không phải họ không thấy bởi người đi hội đều có thể tham gia một cách công khai. Chỉ có điều dường như họ đang làm ngơ như thể cho lễ hội thêm phần xôm tụ. Điều đó đã khiến cho cờ bạc cả nhỏ lẻ, cò con, cả chiếu lớn ngày này qua ngày khác đang tự do phát triển, hoạt động tại những cuộc vui này, khiến cho các lễ hội bị mất đi nhiều ý nghĩa.
Lễ lạt… đốt tiền
Trong khi một bộ phận du khách “đốt tiền” đầu năm vào các trò cờ bạc thì có một bộ phận khác, đông đảo hơn lại “đốt tiền” vào các hoạt động lễ lạt. Đã từ lâu, chẳng còn ai đi chùa, đi hội mà không sắm cho mình một cái lễ mã, rẻ thì vài chục, đắt thì vài trăm, thậm chí vài triệu đồng. Lễ bây giờ không thiếu gì: nhà cửa, xe máy, ô tô, tiền vàng, đô-la… đủ cả mà chả ai tiếc tiền sắm lễ. Hầu hết các nhà chùa hiện nay đã cấm đốt hương và có chỗ hóa vàng cho du khách nhưng đầu xuân, đến bất cứ chùa nào: chùa Hương, đền Hùng, phủ Tây Hồ, chùa Hà, chùa Thầy… luôn có tình trạng “tắc đường” đến chỗ hóa vàng, thậm chí đi đền Bà Chúa Kho lúc 8 giờ tối, tôi vẫn không chen chân được vào. Chị Lan (Hà Nội) cho biết: “Năm nào tôi cũng đi Đền Chúa Kho. Lễ mã sắm đầy đủ khoảng hơn hai triệu đồng. Nhưng chỉ đợi đến lượt lễ cũng mệt đấy”. Ngoài lễ vàng mã, hầu hết các du khách đi lễ đều có “lễ đen”: tiền, gà, thịt, bia, rượu, bánh kẹo… cũng đủ như mâm cỗ ở nhà. Một điều đáng nói ở đây là trong khi chúng ta tôn trọng văn hóa tín ngưỡng, bài trừ mê tín dị đoan thì những “tấm lòng thành” này dường như lại nhuốm màu mê tín nhiều hơn. Họ không tiếc tiền sắm lễ, tranh nhau chen chúc nhau khấn vái, thậm chí gần như đua xem lễ ai to hơn, ai cầu khấn lâu hơn… Tâm lý ấy của người đi lễ đã dẫn đến những dịch vụ “trọn gói” ở nhiều nơi. Anh Vũ Văn Liêm (Hà Nội) vừa đi lễ đền Bà Chúa Kho về cho hay: “Tôi đi vay bà Chúa 500 cây vàng. Cuối năm nếu làm ăn được phải trả 1000 cây. Trả bằng mã thôi cũng hết tiền triệu. Năm nay Đền đông quá nên tôi thuê trọn gói. Họ sắm lễ, viết sớ cho mình, sau đó có người vào làm lễ, xin lộc luôn cho mình. Tiện lắm!” Chỉ riêng đền Bà Chúa Kho, ngoài 4, 5 hòm công đức còn có 4 bàn lúc nào cũng có 8 cụ ngồi trực để ghi công đức mà có lúc còn “quá tải”. Thậm chí năm nay do giá cả leo thang, đồng tiền mất giá, ở nhiều nơi tôi còn chứng kiến họ đốt tiền thật (mệnh giá 200 đồng, 500 đồng) thay cho tiền vàng như để tỏ rõ lòng thành kính.
Du xuân để thư thả đầu năm, chuẩn bị cho một năm mới bận rộn hơn, vất vả hơn nên du xuân cần vui vẻ, có ý nghĩa và tiết kiệm. Thiết nghĩ, các nhà quản lý nên lưu tâm hơn để việc tổ chức các lễ hội được đúng như tên gọi, vui là chính, phần lễ và phần hội nên cân bằng để có thể vừa mang đến niềm vui vừa mang đến sự thanh thản cho những người tín tâm.
HUYỀN THANH