QĐND -  “Đồng hương”, từ Hán Việt có nghĩa là những người cùng làng (đồng nghĩa là cùng; hương nghĩa là làng. Từ “hương ước” theo nghĩa này chỉ luật lệ, quy tắc của làng). Thế nhưng hiện nay người ta lại hiểu sai đi rất nhiều.

Anh bạn tôi vừa ra Tết đã nhăn nhó: Trong hai tháng đầu xuân, năm nào tôi cũng phải có tới ít nhất 5 cuộc họp liên quan đến đồng hương. Một là họp hội đồng môn cấp 2 xã (cấp 2 tương đương trung học cơ sở hiện nay); hai là họp hội đồng môn cấp 3 huyện (cấp 3 tương đương trung học phổ thông bây giờ); ba là họp hội đồng hương làng; bốn là họp hội đồng hương xã; năm là họp hội đồng hương huyện. Nói ít nhất, là vì có năm họp cả hội đồng dòng tộc, và có năm lại họp cả đồng hương tỉnh! Như vậy nếu chiểu theo nghĩa “đồng hương” thì chỉ có mỗi cuộc họp “hội đồng hương làng” là đúng nghĩa nhất.

Anh bạn tôi vốn sinh ra ở tỉnh lẻ, tuy con nhà nghèo khó nhưng giàu ý chí nên nay đã là kỹ sư công tác ở một viện nghiên cứu đặt tại một thành phố lớn. Một vợ hai con, tuy là phó phòng nhưng là dân nghiên cứu nên kinh tế cũng không mấy dư dả. Ngoài các phong bì hiếu hỷ, thăm bạn ốm, cháu đau nơi cơ quan công tác, rồi lại gửi về quê cho bố mẹ, không nhiều thì cũng phải gọi là có… lại thêm khoản đóng góp cho 4-5 cuộc họp đồng hương này thì quả là rất đáng ái ngại. Anh bảo không đi không được, vì người ta sẽ bảo thằng này mất gốc, thằng này sống chẳng cần tình nghĩa xóm làng, quê hương, bản quán gì; thằng này trước đây làm nghề đánh dậm nay có tí chức tước đã lên mặt ông nọ bà kia… Thôi thì đủ kiểu người ta gièm pha… Mà đi thì phải họp, họp thì phải “liên hoan”, “liên hoan” thì phải đóng góp… Ấy là chưa kể phải sắp xếp thời gian, có năm trùng lịch, phải “chạy sô”!

Mặt tích cực của “hội đồng hương” thì ai cũng thấy, người cùng làng gặp nhau, cùng được nghe cái thổ ngữ quen thuộc từ tấm bé, được nghe kể về sự thay đổi của quê mình, được động viên chia sẻ, được khuyến khích giúp đỡ, được đến thăm nhau hàn huyên về những dự định tốt đẹp cho cá nhân, cho quê hương… Cả năm không gặp nhau vì tất tả mưu sinh, nhờ có một buổi họp mà anh em đông đủ gặp gỡ, tình hình làng xóm được nắm bắt khá đầy đủ. Mặc dù Tết rồi có về nhưng bận mải với việc nhà lại lo cho gia đình, anh em dòng tộc nên cũng chỉ sơ sơ, nay nhờ anh em mới biết tường tận…

Nhưng mặt trái của nó cũng dễ nhận ra, là nếu họp quá nhiều thì sẽ mất thời gian, mất việc, và… tốn kém. Nhưng rõ nhất là làm sống dậy cái tâm lý tiểu nông làng xã đã thâm căn cố đế từ ngàn xưa. Do sinh sống và canh tác trên mảnh đất của văn minh nông nghiệp lúa nước nên cái làng phải thực sự là một pháo đài được vây kín bởi lũy tre làng. Làng ngày xưa là một vương quốc thu nhỏ, người dân quen lệ làng hơn là phép nước (“phép vua thua lệ làng”). Trong lũy tre ấy, người dân quan hệ với nhau trước là theo tôn ti trật tự dòng tộc, rồi sau nữa mới là “trong làng ngoài xã”… Ngày hôm nay, cái lối sống ấy được đưa ra ngoài thành phố. Ngày xưa “Một người làm quan cả họ được nhờ”, ngày nay không chỉ “họ” được nhờ mà cả làng, cả xã, cả huyện, thậm chỉ cả tỉnh được nhờ, tùy vào vị trí của “quan”. “Thứ nhất quan hệ…”, thì sự “móc nối quan hệ” không gì tốt hơn, đỡ tốn kém hơn là quan hệ đồng hương. Mà bất kỳ vị “quan” nào cũng đều có một quê hương, có một cái làng của mình. Vị quan ấy chắc chắn sẽ phải về làng, thì mỗi lần về chắc chắn cũng phải “đèo bòng” từ anh em mình, dòng tộc mình, làng xóm mình… ít ra là thêm một hai “mối quan hệ” mới ở nơi mình “làm quan”.

Đồng hương là đáng quý, là thiêng liêng. Họp đồng hương là thiêng liêng, là đáng quý. Nhưng giá mà họp ít hơn, và nhất là trong cuộc họp chỉ thuần là những câu chuyện về quê hương tốt đẹp, chứ không hề có chuyện cục bộ, “địa phương chủ nghĩa”...

Nhưng mà ngẫm kỹ, thật khó lắm thay…!!!

NGUYỄN THANH