Vui mùa lễ lớn…
Trên các cánh đồng lúa thuộc huyện Mỹ Xuyên, không khí thu hoạch lúa đang được người dân trên địa bàn đẩy nhanh thu hoạch. Những nét mặt rạng rỡ của nông dân đã khẳng định về một vụ sản xuất trúng mùa được giá. Trò chuyện với chúng tôi, anh Trà An Điều, xã Thạnh Quới cho biết: “Gia đình tôi sản xuất được hơn 1ha lúa giống Hàm Châu, năng suất đạt gần 1 tấn/ha. Vụ này, thương lái thu mua với giá 6.000 đồng/ký, cao hơn các vụ sản xuất trước 500-1.000 đồng/ký. Trừ chi phí, gia đình còn lãi hơn 15 triệu đồng/ha. Lúa được mùa, được giá nên gia đình đón lễ Sene Dolta cũng lớn hơn mọi năm”.
 |
Đồng bào Khmer gói bánh tét đón mừng lễ Sene Dolta truyền thống. |
Chung niềm vui với các hộ dân sản xuất lúa thì bà con trồng màu ở hai địa phương chuyên canh màu lớn nhất huyện Mỹ Xuyên là xã Đại Tâm và Tham Đôn cũng phấn khởi không kém bởi cây màu được giá và ổn định đầu ra. Ông Lý Ên, ở ấp Đại Nghĩa Thắng, xã Đại Tâm cho biết, năm nay gia đình trồng hơn 2.000m2 hẹ bông, mỗi tháng gia đình thu hoạch được hơn 10 đợt bông (mỗi đợt cách nhau 2 ngày), mỗi đợt được hơn 30 ký bông. Với giá bán hơn 20.000 đồng/ký, mỗi đợt thu về hơn 600.000 đồng, chưa trừ chi phí. “Nhờ có chi phí từ thu hoạch được hẹ lá, gia đình đang chuẩn bị mừng đón lễ Sene Dolta tới một cách tươm tất và chu đáo hơn mọi năm”, ông Lý Ên bộc bạch.
Không quên phòng dịch
Lễ Sene Dolta truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung và đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng sẽ diễn ra trong 3 ngày từ ngày 16 đến 18-9. Đây là một trong 3 lễ truyền thống lớn của đồng bào Khmer Nam Bộ (gồm Tết Chôl Chnăm Thmây, lễ Sene Dolta và lễ hội Đua Ghe Ngo Ok Om Bok). Do lễ Sene Dolta diễn ra trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại vì thế công tác chuẩn bị cho mùa lễ cũng tinh gọn và nhiều giải pháp chủ động phòng, chống, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Có mặt tại chùa Bai Chhau (Bãi Xàu), thị trấn Mỹ Xuyên (Mỹ Xuyên), không khí nơi đây diễn ra các nghi thức Ph’chum-banh, hay Kanh-banh (15 ngày) cũng yên tĩnh. Lượng phật tử mỗi đêm của mỗi wên (tổ) đến chùa cúng dường chư tăng tại chùa cũng không đông đúc như mấy năm trước. Bên cạnh đó, để chung tay phòng, chống dịch Covid-19 nhà chùa đã đặt nước rửa tay sát khuẩn để người dân hoặc bà con phật tử sử dụng.
 |
Nhà chùa hướng dẫn quy trình phòng dịch cho các phật tử. |
Tiếp và trò chuyện với chúng tôi, đại đức Trần Sà Phên, Trụ trì chùa Bai Chhau cho biết: “Để chung tay phòng, chống dịch Covid-19, chùa cũng đã thông báo, tuyên truyền, vận động bà con phật tử tổ chức đón lễ Sene Dolta cổ truyền với quy mô nhỏ, gọn, nhưng cũng đầy đủ ý nghĩa và mang đậm tính nhân văn. Nhà chùa cũng bố trí nước rửa tay sát khuẩn cho bà con đến chùa cúng dường. Trước đó chúng tôi cũng vận động bà con phật tử tích cực vệ sinh môi trường, thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế, nhằm góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh nơi cộng đồng dân cư”.
Với thông điệp “Chung tay phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh”, theo ông Lâm Sách, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, để mùa lễ diễn ra trong tinh thần đoàn kết, tiết kiệm và an toàn dịch bệnh, tỉnh cũng đã phối hợp cùng trụ trì và ban quản trị các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng tuyên truyền, thực hiện tốt một số nội dung như: Không cho phép người dân kinh doanh, buôn bán tại chùa, không tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí; việc dâng cơm cho các vị sư phù hợp với phong tục tập quán và phải đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời khuyến cáo đồng bào khi đi lễ chùa hoặc tham gia các hoạt động, các sự kiện đông người tham dự phải đeo khẩu trang theo quy định; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn”.
Bài, ảnh: THÚY AN-TUỆ NĂNG