Phóng viên (PV): Nói đến Nhà hát chèo Ninh Bình là nói đến một đơn vị nghệ thuật truyền thống luôn giữ được niềm tin yêu của khán giả. Ông có thể cho biết đôi điều về niềm tự hào này?

NSƯT Nguyễn Văn Thập: Nhà hát chèo Ninh Bình được thành lập năm 1959, tiền thân là Đoàn chèo Ninh Bình. Từ năm 1982 đến 1991, Đoàn chèo Ninh Bình sáp nhập với Đoàn chèo Nam Hà để thành lập Đoàn chèo Hà Nam Ninh. Đến năm 1992, Đoàn chèo Ninh Bình tách ra và lấy tên là Nhà hát chèo Ninh Bình. Các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát chèo Ninh Bình tự hào đã giành được nhiều Huy chương vàng, bạc tại các kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và khu vực. Từ năm 1992 đến nay, chưa năm nào Nhà hát chèo Ninh Bình đi thi mà không giành được giải thưởng. Hiện nhà hát có hai đoàn chèo, với hơn 100 cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên, nhân viên… với nhiệm vụ biểu diễn, bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo, hát xẩm và múa rối nước.

leftcenterrightdel
NSƯT Nguyễn Văn Thập.
PV: Trong xã hội hiện đại, chèo nói riêng và các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung đang gặp nhiều khó khăn trước áp lực của các phương tiện nghe nhìn và các chương trình giải trí. Nhưng những năm gần đây Nhà hát chèo Ninh Bình vẫn duy trì hoạt động khá hiệu quả. Vậy yếu tố nào đã mang đến sự thành công đó, thưa ông?

NSƯT Nguyễn Văn Thập: Nhà hát chèo Ninh Bình luôn được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh. Các nghệ sĩ, diễn viên được trả thù lao xứng đáng với công sức, đó là yếu tố tiên quyết để níu chân, động viên họ cống hiến với nghề. Nhà hát chèo Ninh Bình cũng có nhiều thuận lợi vì đây là nhà hát nghệ thuật duy nhất tại địa phương nên nhận được nhiều ưu ái. Vì không phải loay hoay chuyện “cơm áo gạo tiền” nên anh em nghệ sĩ cơ bản sống được với nghề và có điều kiện thỏa sức với đam mê. Bên cạnh những thuận lợi thì Nhà hát chèo Ninh Bình cũng gặp khó khăn, nhất là thiếu trang thiết bị. Dù có hai đoàn biểu diễn chính nhưng chúng tôi chỉ có một bộ thiết bị, nhiều lúc phải đi thuê...

leftcenterrightdel
Một cảnh trong vở "Lưu Bình trả nghĩa" của Nhà hát chèo Ninh Bình.Ảnh: Yên Hưng. 
PV: Ngoài thực hiện nhiệm vụ giữ gìn và phát huy nghệ thuật hát chèo, Nhà hát chèo Ninh Bình còn sản sinh ra nhiều nghệ sĩ chèo nổi tiếng. Vậy công tác đào tạo nghệ sĩ trẻ những năm qua được nhà hát quan tâm như thế nào?

NSƯT Nguyễn Văn Thập: Nhà hát chèo Ninh Bình luôn xác định công tác đào tạo thế hệ kế cận là khâu quan trọng. Từ năm 2005 tới nay, nhà hát đã đào tạo được 4 khóa học. Mỗi khóa đào tạo 10-13 diễn viên. Các em được tuyển vào đây không chỉ được lo ăn nghỉ mà còn được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng/người. Trước mỗi mùa tuyển sinh, nhà hát cử các nghệ sĩ rong ruổi khắp những nẻo đường như: Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Dương, Bắc Ninh… để tìm những tài năng chèo triển vọng. Từ hàng trăm thí sinh ban đầu, chúng tôi tiếp tục chọn lọc lấy hàng chục cháu, trước khi chốt lại 10-13 cháu cho một khóa học. Hầu hết các cháu sau khi được đào tạo đều đáp ứng công việc và được giữ lại làm việc. Không chỉ sử dụng nguồn nhân lực do mình tự đào tạo, Nhà hát chèo Ninh Bình còn có những chế độ đãi ngộ tốt để thu hút nhân tài. 

PV: Chèo là loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc nhưng không phải đối tượng nào cũng biết thưởng thức, nhất là người trẻ. Để chèo đến với mọi lứa tuổi thì Nhà hát chèo Ninh Bình đã có cách làm gì mới, thưa ông?

NSƯT Nguyễn Văn Thập: Có những người thích chèo, nhưng có người chưa hẳn thích và không hẳn là không thích. Chèo là loại hình truyền thống dân tộc nên yếu tố tiên quyết là phải giữ gìn được nét truyền thống độc đáo của nó. Chúng ta không thể ồ ạt xây dựng kịch mục nhằm thu hút khán giả, bởi như vậy nó sẽ không còn mang tính chất bảo tồn. Những năm qua, mỗi khi làm xong một vở chèo phong cách cổ thì chúng tôi lại cho ra đời một vở chèo mang hơi thở hiện đại. Điều quan trọng nhất là phong cách dàn dựng trong hát chèo có thể “bẻ làn, nắn điệu” nhưng không thể làm mất “linh hồn” của nghệ thuật chèo. Hơn nữa, khi khán giả xem một vở chèo, người ta thấy hình ảnh của mình, cuộc sống của mình ở trong đó thì mới thành công.

Khoảng 10 năm gần đây, trung bình mỗi năm, nhà hát có gần 200 buổi biểu diễn lớn nhỏ. Điều đáng mừng là ở bất cứ đâu chúng tôi đến diễn đều nhận được sự chào đón, ủng hộ của công chúng. Sắp tới Nhà hát chèo Ninh Bình sẽ mở thêm một vài điểm biểu diễn ở Khu danh thắng Tràng An hay đền Vua Đinh, Vua Lê để mang chèo đến gần hơn với du khách, tạo nên một sản phẩm du lịch đặc sắc của vùng đất Cố đô.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

HỮU TRƯỞNG (thực hiện)