Để làm bộ trang phục của phụ nữ Tày không phải trong ngày một ngày hai, mà phải trải qua một quá trình dài, từ trồng bông, nhặt bông, ép bông, bật bông, đến kéo sợi, dệt, nhuộm rồi cắt và cuối cùng là khâu thành bộ trang phục.

leftcenterrightdel

Chị Dương Thị Hội (bên trái) với bộ trang phục Tày truyền thống và cháu gái trong trang phục truyền thống được làm bằng vải nhung. Ảnh: Phương Linh. 

Chị La Thị Vận, dân tộc Tày ở thôn Khuổi Tẩu, xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn kể, bà con thường gieo hạt bông từ cuối tháng 3, đầu tháng 4 âm lịch. Cuối tháng 6 thì nhặt bông đến hết tháng 7. “Trồng bông không phải tưới nước, không phải phân bón. Nương rộng khoảng 1000m2 là đủ bông để dệt được khoảng 30 sải (khoảng 45m) vải rồi”, chị Vận thông tin. Theo chị Vận, khoảng 20 năm trước, người dân trong vùng vẫn trồng bông. Nhưng bây giờ còn rất ít. Sau khi nhặt bông về đem phơi khô, ép tách hạt rồi mới bật bông. Bật xong cuốn thành thanh. Nếu thích mặt dệt rộng thì cho nhiều sợi vào “pài tồng”, thích mặt dệt vừa thì cho ít sợi. Sau khi dệt vải xong, sẽ được những tấm vải trắng.
leftcenterrightdel

Bà Nông Thị Hải là người duy nhất trong thôn Khuổi Tẩu còn có bộ trang phục Tày truyền thống. Ảnh: La Thị Vận.

Công đoạn nhuộm cũng kỳ công không khác gì công đoạn bật bông. Trước hết, ngâm cây chàm một đến hai ngày rồi vứt cái bã đi. Bỏ vôi xuống khoắng với nước chàm để 2-3 ngày để bột chàm đông lại. Sau đó lấy cây thơm (cây “Phạt phà”, “xà”, “chà khét”, lá ổi, “xênh”, lá bàng) về đun sôi, đổ vào bột chàm, khoắng tan rồi đem vải xuống nhuộm. Nhuộm xong lần một đem phơi. Tiếp đó lại nhuộm tiếp lần hai, nhuộm một mặt hai lần. Đến lần thứ ba, nhuộm nốt mặt còn lại. Sau đó miếng vải sẽ có một mặt xanh, một mặt đen. 

Những công đoạn còn lại là cắt may để có một bộ quần áo đẹp. “Ở thôn Khuổi Tẩu hiện chỉ còn khoảng 5-6 người, chủ yếu là người già, biết làm trang phục truyền thống”, chị Vận cho hay.

Theo truyền thống, người Tày mặc áo dài dây thắt bằng vải chàm, mặc quần sa tanh, đầu vấn khăn vải chàm và đi giầy vải. Khăn vải chàm rộng khoảng 80cm, có cái cuốn bên trong gọi là “pén chẩu”. Để tăng thêm vẻ đẹp của bộ quần áo chàm, phụ nữ thường đeo thêm đồ trang sức bằng bạc, gồm vòng cổ, vòng tay, hoa tai. Cái “slỏi” bằng bạc trắng, thường là một chùm nhỏ gồm một cái tăm, một cái ngoáy tai, một cái giã trầu, được dắt ở thắt lưng.

Trước đây, khi đi lấy chồng, người phụ nữ phải mặc bộ trang phục vải chàm đúng bản sắc của dân tộc Tày. Cô dâu phải mang sang nhà chồng một bộ chăn màn tự tay làm, nếu không sẽ bị cho là lười.

Với chị Dương Thị Hội ở thôn Vằng Quan, xã Phúc Lộc, món quà cưới mà mẹ tặng chị trước khi đi lấy chồng là bộ quần áo truyền thống của người Tày. “Trước ngày cưới, mẹ đã tặng lại mình bộ quần áo truyền thống của người Tày do chính tay mẹ làm. Mình đã mặc bộ quần áo đó trong ngày cưới, ngày Tết và những ngày lễ quan trọng. Mình có hai con trai nên sau này mình sẽ tặng lại cho một trong hai con dâu của mình”, chị Hội chia sẻ.

Ngày nay, phụ nữ Tày chỉ mặc trang phục truyền thống khi đi lễ hội, ngày cưới. Những người không có phải đi mượn quần áo để mặc đi đám cưới. “Bây giờ đa số mọi người thường may bằng vải nhung mua ở chợ, không đúng nguyên văn trang phục Tày. Vải nhung mặc nóng hơn vải bông”, chị Nông Thị Lộc ở thôn Khuổi Tẩu cho biết. Do vậy, mong muốn của nhiều chị em dân tộc Tày ở Bắc Kạn là khôi phục lại nghề dệt và giữ gìn cách làm trang phục truyền thống bằng vải chàm của người Tày đang ngày một bị mai một./.

PHƯƠNG LINH