Giai thoại thành hoàng làng
Sách Quy ước làng văn hóa làng Thái Hòa xã Hợp Đồng (Chương Mỹ, TP Hà Nội) còn ghi lại giai thoại về thần Đống Đế Đại Vương: Tương truyền, vào thời nhà Mạc (thế kỷ XVI) có giặc ngoại bang ở hướng Tây lấn vào đất Việt chiếm giữ các châu. Để giữ yên bờ cõi, nhà vua tuyển mộ tướng thần cầm quân dẹp giặc. Trong hội thi minh chứng trí lực giữa quân thần do nhà vua chủ lễ, Đống Đế tỏ rõ tài nghệ võ lược, cung tên vượt chúng, kiếm đao vô địch.
Vua căn cứ tài đô, cử Đống Đế đứng đầu quân ngũ xung trận. Đống Đế lập đàn tế trời đất, mong linh ứng âm phù rồi trực tiếp cầm quân nhằm đồn giặc ở phía Tây thành nội (vùng Chương Mỹ ngày nay). Giữa lúc quân sĩ hùng dũng vây ráp địch, bỗng cơn giông nổi lên, đá bay cát bụi, khiến quân giặc tan vỡ nhanh chóng. Đống Đế rút quân về triều bái mệnh. Vua cả mừng, sai mở đại yến khao và phong Đống Đế chức Tả Dực Đại tướng quân.
 |
Đình thôn Thái Hòa thuộc xã Hợp Đồng (Chương Mỹ, TP Hà Nội) ngày nay. |
Ít lâu sau, giặc lại đến quấy nhiễu. Theo lệnh vua, Đống Đế xuất quân thẳng tới đồn giặc ở Phụng Châu (ráp ranh huyện Hoài Đức ngày nay). Trận đầu chưa phân thắng bại, ngài kéo quân đồn trú cạnh gò Mả Chợ (thôn Thái Hòa). Nửa đêm hôm ấy, Đống Đế mộng thấy một người mũ áo uy nghi, dâng sớ tâu kế phá giặc. Đống Đế bừng tỉnh, biết là thần mộng, cho gọi dân sở tại đến hỏi; thấy đường đi, lối lại trong vùng đúng như trong mộng thì cả mừng. Ngài bèn cắt cử quân nhằm hướng đồn giặc tiến công, đắc thắng.
Xong việc, Đống Đế lui quân về hạ trại ở xóm Phúc Bằng, mở đại tiệc, mời dân làng đến cùng yến ẩm khao quân. Nửa đêm, Đống Đế lại mộng thấy bản thân cưỡi rồng xanh từ trên trời giáng xuống. Không ngờ, sáng ra đi xem phong cảnh xóm làng, đến khu Mả Chợ ngài dừng nghỉ và tự nhiên từ trần. Trong khoảnh khắc, mối xông thành đại mộ. Hôm ấy là ngày 10-5 âm lịch.
Nhân dân xóm Phúc Bằng làm sớ tâu lên triều đình. Nhà vua rất thương xót, mà rằng: "Đống Đế là bề tôi, có công với nước, hiếu nghĩa với dân"; đồng thời, phong tước vị Đống Đế Đại Vương, muôn đời lưu truyền. Sau đó, vua sai sứ thần về cùng nhân dân xóm Phúc Bằng xây đình thờ, lĩnh tiền để làm lễ Xuân Thu quốc tế. Đình được xây tại hóa địa, ở bìa trước làng, quay hướng Tây Nam. Vua chuẩn y cho xóm Phúc Bằng trông coi đình mộ, thờ phụng đời đời.
Đình Thái Hòa và dấu ấn lịch sử
Sử sách còn ghi lại: Đến năm 1915, nhân dân thôn Thái Hòa phục dựng đình thờ trên khuôn viên đình cũ. Đình vẫn quay hướng Tây Nam, với 7m chiều dài, 5m chiều rộng, có một hậu cung. Chất liệu dựng đình là vôi vữa, gạch nung và đá ong chặt khối vuông. Sườn mái đóng cầu phong lito bằng gỗ xẻ, lợp ngói di.
Trước cửa đình có một sân gạch lớn, kế đến là cái ao khá rộng. Ở sườn dọc tòa thiên hương treo bức đại tự “Huân vi Thái Hòa”. Trong đó, chữ “Huân” hàm ý nhắc nhở mọi người cần gội rửa sạch sẽ trước khi vào Đình. Hai cột đồng trụ ngoài cùng có đôi câu đối: “Đặc địa khởi sùng từ, Bùi thủy triều đông quang chính khí/ Kình thiên kiêu lưỡng trụ, Chúc Sơn củng bắc hách hùng uy”. Có nghĩa là: “Chọn đất dựng đền thờ, phía Đông sông Bùi rạng chính khí/ Chống trời hai cột trụ, phía Bắc núi Chúc ấp oai phong”. Ở trong đình, ngay tại tầm cao khung cửa hậu cung là bức hoành phi đề bốn chữ “Thanh cao củng mục”. Đây là lời nhắc nhở mọi người khi vào cửa cung thờ vị thần thanh cao vô địch phải cung kính lễ bái.
 |
Giếng đình Thái Hòa, xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ. |
Sau gần 30 năm xây dựng, đình Thái Hòa bị thiên nhiên xâm thực, tường móng xuống cấp, mục ruỗng gây đổ nát. Trước thực tế đó, năm 1942, nhân dân Thái Hòa lại họp nhau, tìm cách tôn tạo đình. Mọi người đều có quyết tâm cao; quan, dân một ý chí. Nhà nhà, người người, ai có phận là người làng đều tự nguyện đóng góp công của. Người xa quê cũng tìm cách hưởng ứng. Hội đồng kỳ mục quyết định bán ngôi thứ trong làng để có tiền tạo nguồn tài chính dồi dào hơn.
Với số tiền bán ngôi thứ cho sáu người chức dân chưởng, một người Hương hào, mười tám người Phó lý, hai mươi người Sắc mục, mười lăm người Xã xử; làng Thái Hòa đã có đủ tiền mua vật liệu và thuê thợ nề, thợ mộc, dựng lại đền thờ. Hai hiệp thợ trong làng đảm nhận việc xây dựng. Tòa thiêu hương và nhà pháo có phù điêu, trang trí kiểu mây nước, rồng phượng, mời thợ Ứng Hòa đến thi công. Đình xây xong tạo ra một cảnh sắc mới, gây phấn chấn trong nhân dân. Hằng năm, làng Thái Hòa mở hội vào ngày 20-8 âm lịch để tế lễ đức thành hoàng tại đình.
Trong kháng chiến chống Pháp, phong trào yêu nước luôn âm ỉ khắp các nẻo đường, ngõ xóm làng Thái Hòa. Đình làng là nơi hội họp của các chức dịch, cũng là cơ sở cách mạng. Mỗi khi bọn quan quân trong bộ máy ngụy quyền Pháp về làng, các viên chức ở Thái Hòa đã lặng lẽ giấu kín những chiến sĩ cách mạng ở trên tòa thiêu hương. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đình Thái Hòa là nơi tập hợp quần chúng quanh vùng, với cờ đỏ sao vàng và vũ khí thô sơ trong tay, rầm rập kéo về chiếm huyện lỵ Chương Mỹ. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, phong trào “chống giặc dốt” bùng nổ ở Thái Hòa. Đình trở thành trường học, là “diễn đàn” đua tài hay chữ của nhân dân.
Tháng 8-1946, tại đình Thái Hòa, Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác của huyện Chương Mỹ mở lớp bồi dưỡng về Đảng cho những quần chúng cốt cán cấp xã. Khi thực dân Pháp trở lại đánh chiếm tỉnh lị Hà Đông, để chỉ đạo cách mạng, tại đình Thái Hòa, Ban huyện ủy lâm thời đã tổ chức Đại hội Đảng bộ huyện Chương Mỹ lần thứ nhất, diễn ra từ ngày 20 đến ngày 23-3-1947. Và trong suốt cuộc trường chinh chống Mỹ, cứu nước, tại mái đình thân yêu, nhân dân Thái Hòa đã đưa tiễn lớp lớp những người con ưu tú của dân làng xung trận.
Trải qua bao thăng trầm, biến cố, đến nay, đình Thái Hòa đã xuống cấp. Đầu năm 2021, nhân dân Thái Hòa lại họp bàn, chung sức, đồng lòng hợp sức tôn tạo đình cho đẹp và khang trang hơn, để đình Thái Hòa mãi là nơi sinh hoạt phù hợp với nếp sống văn hóa mới của dân làng.
Đại tá PGS, TS NGUYỄN DOÃN KHANG, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu khoa học Hậu cần quân sự