QĐND - Điển cố là những chuyện xưa tích cũ lấy trong văn hóa xưa nay của nhân loại. Đó có thể là tên một câu chuyện, tên một vùng đất hay tên nhân vật, hoặc một hình tượng văn học đầy chất thơ hay đậm chất bi, chất hài chứa đựng bao triết lý sâu xa về cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Điển cố như nén trong nó những ý nghĩa nào đó, mà chỉ cần nhắc tới là trong suy nghĩ của người nghe, người đọc đã liên tưởng tới ngay những nét nghĩa gần gũi, tương đồng. Một cô gái nói với bạn: Trông chàng kia bảnh trai thế nhưng mà “sở khanh” lắm. Tránh xa ra nhé! Thế là cô bạn hiểu ngay lời nhận xét cũng là lời nhắc của bạn phải cảnh giác cao độ với chàng trai "đẹp mã rẻ cùi" có tính cách trăng hoa hay dụ dỗ, lừa gạt và trơ tráo trong tình yêu… Thế là “sở khanh” vốn là tên một nhân vật trong “Truyện Kiều” đã trở thành điển tích để chỉ một tính cách xấu, đáng ghét của những kẻ mang danh đàn ông mà hèn kém.

Rõ ràng điển cố là một phương tiện, một thủ pháp nghệ thuật trong văn học. Nó đặc biệt phát triển ở thời trung đại, nhất là trong văn học trung đại phương Đông vốn có truyền thống về sử dụng tính ước lệ. Tính ước lệ tức tính quy ước, công thức trong viết văn thì đâu cũng có, thời nào cũng có nhưng thời trung đại phương Đông vốn chịu sự chi phối mạnh của các tư tưởng kinh điển và tôn giáo, thì đậm đặc hơn nhiều. Đời sống văn hóa thời trung đại bị quy định bởi những nghi lễ điển phạm hết sức nặng nề. Điều ấy được thể hiện trong văn học bằng truyền thống tôn sùng các mẫu mực trước đó, văn chương ưa tập cổ, hay dùng các điển cố, điển tích… Chính điều này làm nảy ra một hiện tượng là các nhà văn thời đó ít sáng tạo ra các cốt truyện mới. Ví dụ “Truyện Kiều” được mượn cốt từ bên Trung Quốc, rất nhiều truyện Nôm của ta cũng tương tự, phỏng theo một cốt truyện nào đó. Ngay trong Chèo, một thể loại được coi là phóng túng nhưng cũng không vượt ra ngoài đặc trưng này, mà câu nói quen thuộc “Có tích mới dịch nên chèo” đã chứng minh điều này. Nhưng không chỉ riêng ở nước ta hay phương Đông mà cả ở phương Tây, ví như vở “Hăm-lét” nổi tiếng của Sếch-xpia vĩ đại cũng mượn cốt từ Đan Mạch… Như một sự tuần hoàn hô ứng, mượn tích xưa thường phải dùng ngôn ngữ xưa, thế là trong văn đầy những điển tích, điển cố. Thậm chí càng dùng nhiều điển tích càng được cho là biết nhiều, hiểu rộng. Đề thi chọn nhân tài cũng có khi yêu cầu qua một điển tích để thí sinh tái hiện lại bối cảnh xưa mà nói lên ý nghĩa…

Dùng điển tích nhiều quá, các cụ ta xưa chê là hủ nho chỉ biết “tầm chương trích cú”…

Dùng điển tích làm cho văn cô đọng, súc tích, đầy ý nghĩa tao nhã thâm hậu, đấy mới đích là nghệ thuật. Mà nghệ thuật luôn là sự hiếm hoi, thành ra chỉ có trước tác của các đại gia mới có sức sống lâu bền, như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến…

Như vậy dùng điển tích như trò làm xiếc thăng bằng, nghiêng về bên nào cũng dễ làm cho người chơi bị ngã. Người giỏi nhất trong việc làm xiếc ngôn từ này là Nguyễn Du. “Truyện Kiều” tràn ngập điển tích (có cả một “Điển tích Truyện Kiều” đi kèm do người đời sau biên soạn) nhưng người đọc không thấy chán, mà ngược lại càng thấy hay, càng thấy được mở rộng thêm chân trời hiểu biết về quá khứ, càng hiểu sâu hơn lòng người và tình đời. Người ta đọc xuôi đọc ngược, ngâm Kiều, lẩy Kiều, đố Kiều. Người ta coi “Truyện Kiều” là nguồn sữa, là cái nôi để sáng tạo, nuôi dưỡng ra ngôn ngữ mới… Dĩ nhiên đấy là bởi nhờ thiên tài Nguyễn Du!

Nhưng hôm nay lại có chuyện có người viết lại, “diễn nôm” lại “Truyện Kiều”, vứt bỏ cả điển tích, điển cố (với ý đồ cho dễ hiểu hơn!?), thì rõ là chẳng hiểu gì về cái sự sáng tạo và tiếp nhận của văn chương quá khứ và cũng chẳng hiểu gì về cái tao nhã thâm thúy sâu xa của lối tập cổ xưa. Một việc rất không nên làm…!

NGUYÊN THANH