QĐND Online - 1000 tác phẩm gốm theo dòng men cổ Việt Nam qua mấy ngàn năm lịch sử đã được trừng bày tại Triển lãm “ Gốm Trần Độ - hồi cố và thể nghiệm”, tổ chức ở Văn Miếu Quốc Tử Giám tối qua, 7-7. Nhiều bí ẩn về men cổ, đồ gốm cổ có niên đại hàng nghìn năm đã được “hé lộ” qua những tác phẩm của nghệ nhân Trần Độ, một trong những người hiếm hoi ở Việt Nam có thể tái tạo gốm cổ Việt Nam hiện nay… Đây cũng  là món quà mà nghệ nhân Trần Độ muốn gửi đến nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Đến dự lễ khai mạc Triển lãm có các đồng chí: Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội; Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội…

Một số sản phẩm trong công trình 1000 sản phẩm gốm chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội

Hành trình tìm về quá khứ

Nghệ nhân Trần Độ (tên thật là Trần Văn Độ), sinh năm 1957, tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Vào nghề từ năm 10 tuổi, cho đến nay nghệ nhân Trần Độ đã tìm tòi, thể nghiệm hướng đi riêng, không sản xuất các tác phẩm nghệ thuật thương mại mới như các cơ sở thông thường. Anh dành nhiều thời gian, công sức đi tìm lại những kiểu dáng, dòng men cổ của cha ông qua hàng ngàn năm phát triển của dân tộc. Theo TS Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng giám định cổ vật (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã kể lại một trong những ví dụ về sự kiên trì, lao động nghệ thuật sáng tạo và đầy vất vả của Trần Độ: “Thật là muôn vàn khó khăn! Tôi đã chứng kiến, Trần Độ bị mấy chuyến lò liên tiếp không thành công. Nhưng anh đã rất kiên trì và cuối cùng đã tìm ra quy trình tái tạo men ngọc”. Qua lời kể của TS Nguyễn Đình Chiến, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam lưu giữ được rất nhiều đồ gốm cổ quý giá được dùng cho các vua chúa thời xưa như choé men rạn, lư hương, chân đèn, bình, bát đĩa cổ…Từ những mẫu này, nghệ nhân Trần Độ không những tái tạo được sản phẩm theo đúng vóc dáng, màu men, hoa văn, hoạ tiết mà anh còn sáng tạo được nhiều màu men, nhiều hoa văn mới. Cuộc triển lãm mang tên “Gốm Trần Độ - hồi cố và thể nghiệm” là sự tiếp nối hành trình “tìm về quá khứ” của anh. “Tuy nhiên, “hồi cố” gắn với sự tìm tòi, nghiên cứu, nắm và làm được dòng gốm cổ song không lại là sự “thể nghiệm” chứ không phải sao chép, làm giả, làm nhái gốm cổ. Tác phẩm của tôi làm theo đúng dòng men cổ, hoa văn, hoạ tiết cổ nhưng có sự phát triển, sáng tạo mà vẫn giữ được hồn dân tộc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có lần tới thăm cơ sở sản xuất của tôi đã căn dặn, động viên tôi phải nghiên cứu, tìm tòi, khôi phục giữ gìn được kho tàng gốm cổ, nhất là trong bối cảnh “chảy máu” cổ vật hiện nay” - Nghệ nhân Trần Độ giải thích.

1000 sản phẩm quý

Tại triển lãm, có nhiều sản phẩm như các loại ấm rượu, ché, cặp chóe, các mẫu thạp chạm khắc, bình gốm hoa lam thời Mạc, các loại chân đèn, lư hương… mang hồn của Bát Tràng xưa, mang hơi thở của truyền thống gốm sứ Việt. Bên cạnh những mẫu gốm tạo dáng và trang trí kế thừa truyền thống phẩm của nghệ nhân Trần Độ còn trở nên đặc sắc với những màu men mới như màu men chảy, màu thúy lam, màu men đỏ…Đặc biệt, tác phẩm cụ Rùa Hồ Gươm bằng gốm Bát Tràng là món quà độc đáo mà Trần Độ đã dành nhiều tâm sức thể hiện, tạo một món quà nghệ thuật quý chào mừng kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Thông qua tác phẩm này, nghệ nhân Trần Độ muốn gửi tới người xem hình ảnh một cụ Rùa lịch sử bằng gốm sứ với những nét độc đáo và mang đậm hồn cốt của Bát Tràng nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Cụ rùa Hồ Gươm bằng gốm sứ của Trần Độ

Đánh giá về những sản phẩm gốm Trần Độ, TS Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch: “Xem gốm Trần Độ chúng ta sẽ thấy bóng dáng của gốm men ngọc thời Lý, gốm hoa nâu thời Trần, gốm hoa lam thời Lê và gốm men rạn thời Lê - Nguyễn, như là một “đặc sản” chỉ có riêng của gốm Bát Tràng quê anh. Trong số nghệ nhân tên tuổi ở làng Bát Tràng, có một người đã làm ra nhiều tác phẩm gốm được chọn làm quà tặng ngoại giao của Chính phủ nước ta, đó là nghệ nhân Trần Độ”.

Được biết, sau triển lãm này, 1000 tác phẩm gốm sẽ được lưu giữ và trưng bày tại Đại học Tân Tạo (Long An). Tại đây, du khách, học sinh, sinh viên có thể tham quan và tìm hiểu về văn hóa Việt Nam thông qua các tác phẩm gốm nổi tiếng của nghệ nhân Trần Độ. Bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo là người bảo trợ, giúp đỡ nghệ nhân Trần Độ sáng tạo 1000 sản phẩm gốm đặc biệt cho biết: “Mỗi sản phẩm gốm trong công trình này là một tác phẩm nghệ thuật, mang bóng dáng lịch sử phát triển của 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đất thiêng Thăng Long – Hà Nội trong mắt tôi có sự dựng xây của những đôi bàn tay các nghệ nhân như anh. Tôi muốn mang những sản phẩm ấy tới miền Nam xa xôi, mang một chút nghìn năm Thăng Long – Hà Nội vào mảnh đất tiền nhân từng “đi mở cõi” và xa hơn nữa là để nhiều người trên thế giới được biết về gốm cổ Việt Nam, văn hoá Việt Nam.

Bài, ảnh: NGUYÊN MINH