Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với ông xung quanh câu chuyện biên tập sách văn chương thú vị mà cũng đầy thử thách.

Phóng viên (PV): Chúng tôi thường nghe chính các BTV ngành xuất bản than thở đây là một nghề vất vả mà thu nhập không cao. Vì sao ông lại lựa chọn công việc này?

 Nhà văn Nguyễn Trương Quý.




Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Chuyện thu nhập của nghề BTV tuy không cao nhưng cũng không đến nỗi quá thấp. Nghề BTV quả thực không dành cho những người nóng vội, muốn nhanh chóng thành công, thành đạt bởi sự thăng tiến, biến đổi của nghề này là rất chậm. Nghề BTV đòi hỏi phông nền kiến thức rộng, sự nỗ lực, kiên trì rất cao; không có những phẩm chất này thì khó mà trụ lại được. Trước khi làm BTV, tôi có thời gian làm thư ký tòa soạn của một tạp chí nên không lạ lẫm với công việc biên tập. Tôi cũng đã xuất bản một số tác phẩm văn chương nên nghĩ rằng làm BTV sẽ phù hợp với mình.

PV: Làm BTV Nhà xuất bản Trẻ tất nhiên ông phải biên tập nhiều loại sách khác nhau. Nhưng riêng với sách văn học, điều gì khiến ông thấy thú vị nhất khi làm “bà đỡ” cho những tác phẩm ra đời?

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Thời kỳ tôi làm BTV (2007-2018), tôi đã thấy dần dà sách văn chương không còn là loại sách bán chạy. Thế nên, chuyện lựa chọn bản thảo văn chương để xuất bản sách không hề dễ dàng vì phải cân bằng chuyện chất lượng văn chương và dự đoán khả năng kinh doanh của tác phẩm. Cá nhân tôi khi gặp một bản thảo văn chương, điều đầu tiên tôi tìm kiếm là chất văn chương trong tác phẩm: Đó là câu chuyện, kỹ thuật kể, là ngôn từ, là kết cấu, là giọng điệu... phải thực sự đặc sắc, hòa quyện với nhau. Đôi khi có tác phẩm ít chất văn chương mà vớt vát được nội dung hấp dẫn thì sẽ bàn bạc với tác giả để sửa lại. Nói chung, mục tiêu là làm sao để có tác phẩm văn chương chất lượng cuốn hút độc giả, đồng nghĩa với việc mang lại lợi nhuận cho nhà xuất bản.

PV: Ông có thể lý giải vì sao tác phẩm văn học “có vấn đề” như: Không phù hợp với thuần phong mỹ tục, nhạy cảm chính trị, thậm chí có trường hợp lợi dụng văn học để chống phá chế độ lại có thể được xuất bản?

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Khác với các thể loại khác, sách văn học rất ít khi có những sai sót trực tiếp rõ ràng bởi bản chất văn học là đa nghĩa, sử dụng hình tượng, nội dung hư cấu... Với kinh nghiệm làm nghề, tôi nghĩ BTV có bản lĩnh, có chuyên môn không khó nhận ra tác phẩm nào lợi dụng văn chương cài cắm mục đích đụng chạm chính trị. Bởi lẽ, văn chương vẫn là một hình thức rất dễ chính trị hóa, quan điểm lộ ra ngay. Tôi khẳng định là phần đông BTV không muốn tác phẩm mình biên tập có sai sót, sai phạm, nhất là những lỗi nghiêm trọng. BTV là người tiếp nhận đầu tiên, quyền quyết định cao nhất trong xuất bản là của lãnh đạo nhà xuất bản.

PV: Phải chăng có “độ vênh” nào đó trong việc đánh giá một tác phẩm văn học “có vấn đề”? Ví dụ một đề tài hay một câu chuyện, nhà văn và những người biên tập cho rằng “không có vấn đề”, hoàn toàn có thể sáng tác và xuất bản nhưng tác động của nó lại được nhiều người cho là không có lợi với độc giả, dư luận xã hội?

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Văn chương luôn tạo ra sự tranh luận đôi khi đến mức gay gắt. Người này nhận định tác phẩm này là hay, người kia bảo là dở, cái đó tùy thuộc vào trình độ, khả năng tiếp nhận, gu thẩm mỹ từng người. Phân tích kỹ lưỡng một tác phẩm văn chương về nội dung cũng như hình thức sẽ khó đạt đến sự đồng thuận tuyệt đối. Cho nên, trong nhận định tác phẩm văn chương luôn có “độ vênh” nhất định giữa từng người, từng nhóm độc giả.

Một số đầu sách văn học do Nhà xuất bản Trẻ xuất bản. Ảnh: VÂN HÀ


Một tác phẩm văn chương đề cập đến một chuyện tiêu cực trong xã hội, nhà văn thì cho rằng mình đang phê phán cái xấu, thức tỉnh xã hội về một vấn nạn đang tồn tại; người khác thì cho rằng đó là bôi đen hiện thực. Vậy cái chúng ta cần xét là cái tâm, cái tầm, trách nhiệm công dân nhà văn ở đây như thế nào. Kinh nghiệm trong biên tập của tôi cho thấy, khi nhà văn viết chuyện tiêu cực đi chăng nữa nhưng vẫn chú trọng đến chất liệu văn chương; ngôn từ, giọng điệu không hằn học gay gắt, đem lại thức tỉnh cho lương tri thì vẫn đáng tôn trọng.

PV: Thực tế thời gian qua vẫn có nhiều tác phẩm có vấn đề “lọt lưới” ra thị trường. Theo ông cần làm gì để hạn chế tình trạng này?

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Cốt lõi trong câu chuyện này là ý thức nghề nghiệp, trách nhiệm công dân của các bên liên quan. Nhà văn khi sáng tác ở một mức độ nào đó thường tự ý thức vấn đề tác phẩm mình viết ra bên cạnh thỏa mãn nhu cầu tự do sáng tạo của bản thân liệu có ảnh hưởng, tác động không có lợi cho cộng đồng hay không? Đang viết văn vì sứ mệnh phục vụ xã hội hay vì mục đích gì khác? BTV, lãnh đạo nhà xuất bản cũng vậy, cần nhất là bản lĩnh, cân nhắc đến lợi ích và trách nhiệm.

Có ý kiến cho rằng, cần thiết phải thành lập hội đồng gồm đầy đủ thành phần ban, bộ, ngành, hội liên quan, gồm những người có uy tín để thẩm định những tác phẩm văn chương mà dư luận xôn xao thì tôi thấy không khả thi mấy. Phương tiện xuất bản giờ đã không còn chỉ ở sách in chính thống mà len lỏi trên nhiều nền tảng khác, dùng các chốt chặn hành chính e là không hợp thời. Chẳng hạn có những tác giả xuất bản (samizdat) và bán qua các kênh toàn cầu như Amazon thay vì thị trường nội địa. Dù biện pháp gì đi nữa, tôi nghĩ quan trọng nhất là tạo ra một không khí sáng tác, xuất bản tác phẩm văn chương tràn ngập tính sáng tạo, mang lại lợi ích cho độc giả và góp phần làm đẹp cuộc sống, làm đẹp xã hội.

  Nhà văn Nguyễn Trương Quý sinh năm 1977, tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Từ năm 2004 đến nay, ông đã xuất bản hơn 10 đầu sách. Ông cũng được biết đến là một dịch giả, tiêu biểu là cuốn sách "Rock Hà Nội và Rumba Cửu Long" (Jason Gibbs). Ông giành được nhiều giải thưởng uy tín, nổi bật là Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 12 (2019) với biên khảo "Một thời Hà Nội hát-Tim cũng không ngờ làm nên lời ca".

PV: Trân trọng cảm ơn ông!


MỘC LAN (thực hiện)