QĐND - “Ao làng”, vở hài kịch mới của Nhà hát Tuổi trẻ, là một tập hợp gồm 5 tiểu phẩm nhỏ: “Tên làng”, “Sống thử”, “Ghen ngược”, “Tiếp thị” và “Ô sin” (kịch bản: Nguyễn Toàn Thắng, đạo diễn: NSƯT Chí Trung). “Ao làng” châm biếm một cách nhẹ nhàng với nhiều tình tiết gây cười thú vị nhưng cũng rất sâu sắc. Trong “Ao làng”, những mâu thuẫn nông thôn-thành thị; mẹ chồng-nàng dâu; chủ nhà-người ở… được khuếch đại rồi được “gỡ nút thắt” theo cách khá hài.

Tiểu phẩm “Tên làng” kể về sự ấu trĩ, tư tưởng gia trưởng của lớp người già nông thôn khiến cho con cháu lâm vào thế bí để đến “bước đường cùng” phải bỏ làng ra đi. “Sống thử” phản ánh hiện thực nghiệt ngã của các cặp đôi trẻ từ nông thôn ra đô thị ăn học, họ sống một cuộc sống khác xa với những kỳ vọng của cha mẹ nơi quê nhà, để rồi kết thúc bằng sự đổ vỡ niềm tin. “Ghen ngược” lại là câu chuyện mâu thuẫn mẹ chồng-nàng dâu khá điển hình có cái kết hóm hỉnh bằng pha “giả chết” của người con và cũng là người chồng trong gia đình. “Tiếp thị” nói về cuộc mưu sinh vất vả của những thanh niên nông thôn ở các đô thị và họ đã đánh mất nhiều thứ lớn lao như danh dự, niềm tin và sự trong sạch. Và cuối cùng, câu chuyện “Ô sin”-ông chủ kết thúc bằng bi kịch của gia đình.

Một cảnh trong tiểu phẩm "Ghen ngược".

Nói chung, không thể đòi hỏi nhiều về kịch tính, về cách thắt nút và mở nút trong một tiểu phẩm hài kịch. Người xem thừa nhận rằng “Ao làng” đã thành công trong việc “chọc cười”, khiến họ phải “cười nghiêng ngả”. Đây hẳn là thế mạnh của các nghệ sĩ kịch của Nhà hát Tuổi trẻ  với nhiều tên tuổi lớn như Minh Hằng, Chí Trung, Thu Hương, Thanh Tú… Dường như trong hài kịch, tài năng của diễn viên được thể hiện nhiều hơn khi kịch bản chưa hay. Xem “Ao làng” người ta cũng thấy bàn tay sắp đặt của danh hài Chí Trung (đạo diễn vở) thể hiện rõ nét. Nhiều nhân vật cứ hao hao như “Táo giao thông”, trong khi tài năng của diễn viên phụ chưa đạt đến ngưỡng ấy.

Trở lại với những mâu thuẫn trong “Ao làng”, có một sự thật là hầu hết những mâu thuẫn đó đều không xa lạ. Trong nhiều tình huống, người xem đã từng trải qua và có cách giải quyết vấn đề hay hơn. Ví dụ như trong tiểu phẩm “Tiếp thị”. Người làm tiếp thị lừa người mua bằng những “chiêu trò” trúng thưởng, khuyến mại, rồi sau đó nhân lúc người mua mất cảnh giác thì lấy trộm. Kết thúc bằng việc nhân viên tiếp thị bỏ chạy, rồi người mua nhận ra rằng mình đã sai lầm. Có thể trong cuộc sống có nhiều tình huống thực sự diễn ra như vậy nhưng khi đã lên sân khấu kịch, người ta kỳ vọng nhiều hơn một cái kết “tầm tầm” như thế.

Xem “Ao làng”, người ta day dứt với những cái kết “chưa thích đáng” và người ta cũng day dứt với những mâu thuẫn xã hội chưa được giải quyết theo hướng tích cực, hay chí ít là theo hướng hài hước nhất. “Cái hài” sinh ra từ “cái xấu” khi nó che đậy mình bằng “cái đẹp” rồi bị bóc mẽ lật tẩy, về lý thuyết là vậy. Trong “Ao làng”, người ta thấy “cái xấu” trần trụi quá, lấn lướt quá, bất kham quá, “cái xấu” lại không bị lật tẩy một cách xác đáng khiến người xem đau lòng.

Bài và ảnh: ĐÔNG HÀ