Khi những lời ca, tiếng đàn vừa dứt, bao tiếng mời cổ vũ nghệ nhân đàn hát tiếp đi. NNƯT Bích Hồng nhấp một ngụm trà xanh rồi tiếp tục ngân nga, thả hồn vào những giai điệu then làm mê đắm lòng người. Hỏi nghệ nhân có thể phiên âm tiếng phổ thông bài hát then vừa hát không, bà vui vẻ đọc rõ những lời ca: “Kể từ khi mùa xuân có Đảng, học ăn rồi học nói làm người, học yêu nước từ ngày thơ bé, công lao vô bờ không đếm được. Trong những ngày vất vả gian lao từ miền xuôi đến vùng rừng núi, có cờ Đảng khai sáng con tim. Có Đảng là nước nhà tươi sáng...”. Nghệ nhân Bích Hồng nói, ai biết hát then đàn tính cũng biết bài này!

Góp phong phú cho các hoạt động của Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng và đón Xuân Tân Sửu 2021, nghệ nhân Bích Hồng và đồng bào dân tộc Tày, Nùng của tỉnh Thái Nguyên về làng vừa sinh sống, vừa thực hành các nghi lễ truyền thống, trình diễn các làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân tộc... để phục vụ người dân và du khách. Nghệ nhân Bích Hồng vui vẻ nói, những ngày này cộng đồng các dân tộc anh em ở làng vui tươi phấn khởi lắm, sắc xuân bừng nở khắp các khu làng, khu nhà của đồng bào với hoa đào, hoa mận hòa vào lời ca, tiếng đàn, tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã.

Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Thị Bích Hồng bên cây đàn tính với những lời then dặt dìu thiết tha. 

Nghệ nhân Bích Hồng kể rằng, những giai điệu then, thanh âm của đàn tính thấm vào người từ thuở nằm nôi, qua lời ru của mẹ. Sinh ra ở miền quê Định Hóa, 17 tuổi thiếu nữ xinh đẹp hát hay, đàn giỏi, Bích Hồng được tuyển vào Đoàn Ca múa Dân gian Việt Bắc. Sau 34 năm “ăn lương hát Then”, Nghệ nhân Bích Hồng nghỉ hưu, nhưng với tấm lòng giữ gìn vốn quý của dân tộc, bà tìm đến với những người mê lời then, tiếng tính ở các huyện Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương và ở TP Thái Nguyên để truyền dạy lại cho lớp trẻ câu hát, tiếng đàn. Năm 2007, Câu lạc bộ (CLB) Đàn tính hát then tỉnh Thái Nguyên được thành lập và nghệ nhân Bích Hồng được bầu làm chủ nhiệm. Ngoài việc truyền dạy, bà còn cùng thành viên CLB dày công sưu tầm các bài then cổ, đi nhiều nơi để tìm hiểu, sưu tầm các làn điệu then và dân ca để tìm ra nét riêng của then Thái Nguyên. NNƯT Bích Hồng nhớ lại, những ngày CLB mới thành lập trên cơ sở tự nguyện, nên không hề có bất kỳ kinh phí nào hỗ trợ các hoạt động sinh hoạt. Không có địa điểm sinh hoạt nên các thành viên trong CLB thường tập trung ở nhà bà tại phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên để sinh hoạt từ 2 đến 4 lần/tháng. Mọi chi phí đi lại, ăn ở các thành viên đều tự túc. Nhưng niềm say mê nghệ thuật và ước mong truyền lửa cho thế hệ sau của các nghệ nhân đã vượt lên trên mọi khó khăn.

“Đời không biết then như chim không tiếng hót, như cây xanh không hoa, lá; như cá không suối, sông... Mình đang làm một công việc giống như khơi lại mạch ngầm con suối, hay trồng một rừng cây, cho chim đàn về đậu... Mình phải tuyên truyền làm sao để cho các bạn trẻ biết đến giá trị của hát then, đàn tính trong văn hóa dân tộc Tày, Nùng. Từ đó, các bạn trẻ nối tiếp và giữ gìn thì giá trị văn hóa này mới lưu giữ được mãi. Vui mừng nhất là hồi tháng 12-2019, thực hành then của người Tày, Nùng, Thái được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, NNƯT Bích Hồng vui vẻ chia sẻ.

Bài và ảnh: CHÂU XUYÊN