QĐND Online - Các cô gái của CLB Thông tin LienVietPostBank (Binh chủng Thông tin liên lạc) vừa lần thứ ba liên tiếp lên ngôi vô địch quốc gia. Đây là lần đầu tiên danh thủ-hoa khôi bóng chuyền Phạm Thị Yến đón nhận chức vô địch với vai trò kép (huấn luyện viên phó kiêm cầu thủ). Phóng viên báo QĐND Online đã có cuộc trao đổi cởi mở , thân tình với Phạm Thị Yến về những vấn đề quanh cuộc sống và cương vị mới của Yến.
 |
Hoa khôi bóng chuyền Phạm Thị Yến
|
Phóng viên (PV): Năm nay cũng đã hơn 10 năm, Yến trở thành cầu thủ mặc áo lính. Khán giả có thể cảm nhận được tình yêu trái bóng của Yến qua những trận cầu đỉnh cao nhưng không biết Yến bắt đầu đam mê bóng chuyền từ khi nào ?
Phạm Thị Yến: Thú thực là hồi nhỏ, Yến chưa biết nên cũng không đam mê bóng chuyền. Yến đến với bóng chuyền rất tình cờ. Đó là năm 1999, có một công văn tuyển chọn năng khiếu bóng chuyền của tỉnh Hà Nam gửi về các xã. Năm đó, Yến mới 13 tuổi, gia đình cho đi thử. Rồi khi Yến tham gia thi tuyển ở tỉnh, các chuyên gia thấy cấu trúc tay không như ý, không thẳng, sợ ảnh hưởng chuyên môn nên lẽ ra Yến đã “rớt đài”. Thật may là trong ý kiến của các nhà chuyên môn, vẫn có người nói cứ cho tham gia tập luyện cùng đội Hà Nam. Yến ở lại tập, qua luyện tập được các thầy đánh giá có tố chất, từ đấy mới yên tâm tập luyện và gắn bó với bóng chuyền. Đến năm 2002, tuyển Hà Nam tinh gọn biên chế, Yến thì rất may mắn được các tuyển trạch viên động viên về đầu quân cho đội tuyển bóng chuyền nữ của Binh chủng Thông tin. Thế là Yến gắn bó với đội bóng áo lính từ đó.
PV: Hơn 10 năm mặc áo lính với 10 chức vô địch quốc gia, lúc nào Yến cống hiến hết mình cho cho tuyển Việt Nam và đội bóng chuyền nữ Thông tin, Yến hài lòng nhất ở thời gian nào ?
Phạm Thị Yến: Cầu thủ bóng chuyền có thể thi đấu sung sức nhất giai đoạn từ 22-25 tuổi. Như Yến thi đấu ở vị trí chủ công rất cần thể lực tốt, vì bóng phân phối cho chủ công nhiều. Xét lại, giai đoạn từ 2004-2007 là thời kỳ sung sức, ổn định nhất, sức bật tốt nhất. Giai đoạn đó, sức bật cao nhất của Yến ổn định ở mức bật 3m05, trên lưới 80 cm.
 |
CLB Thông tin LienVietPostBank giành chức vô địch quốc gia năm 2014, lần thứ ba liên tiếp.
|
Giai đoạn này, Yến có nhiều trận hài lòng với mình. Những trận đấu với VTV Bình Điền, hay tại Đại hội TDTT năm 2010, nhất là trận chung kết với Long An. Năm đó, VĐV của Thông tin còn trẻ, tâm lý chưa ổn định, may là có sự chỉ đạo của HLV, quan trọng hơn nữa là toàn đội có tinh thần thi đấu quyết tâm cao, Yến và các VĐV trụ cột đã đóng vai trò nòng cốt để VĐV trẻ khẳng định mình. Thành tích bảo vệ được chức vô địch, giữ lại cúp cho thể thao quân đội là điều mà Yến ấn tượng mãi.
PV: Theo Yến, phẩm chất nào quan trọng nhất của một chủ công bóng chuyền ?
Phạm Thị Yến: Quan trọng nhất là bản lĩnh, quyết tâm cao. Ngoài việc được thầy cô huấn luyện chuyên môn, thì yếu tố sáng tạo rất quan trọng, mỗi chủ công phải có sáng tạo riêng.
PV: Bây giờ nếu quay trở lại sự nghiệp bóng chuyền từ đầu, Yến có chọn vị trí chủ công không, có thể làm khác đi để tìm kiếm thành công lớn hơn không?
Phạm Thị Yến: Trong đội hình thi đấu bóng chuyền, Yến thích cả chuyền hai, libero, nhưng thích nhất vẫn là chủ công. Hiện giờ, trong tập luyện, thi đấu, Yến vẫn đang làm chủ công đối chuyền, không làm chuyền hai chính nhưng vẫn chuyền cho đồng đội.
PV: Mấy năm trước, người hâm mộ rất thích với những quả phát bóng tấn công của Yến. Hình như cả nước ta, chỉ duy nhất có Yến sử dụng cách tung bóng lên cao rồi nhảy phát bóng. Thời gian gần đây, sao không thấy Yến phát bóng tấn công nữa?
Phạm Thị Yến: Từ sau năm 2007, Yến gặp chấn thương đầu gối, đã trải qua phẫu thuật, sức bật không cho phép nữa, khớp gối yếu. Các thầy nói Yến muốn chơi lâu thì không nên mất sức nhiều.
PV: Mỗi khi Yến thi đấu, thường bị nhiều đối thủ chắn, thậm chí chắn ba. Khi đó, thấy Yến sử dụng kỹ thuật đập lách, đập vượt lá chắn. Luyện kỹ thuật đó có khó không?
Phạm Thị Yến: Để đối phương theo chắn ba trong bóng chuyền nữ thì hầu như rất ít, kỹ thuật chắn ba ở bóng chuyền nam thì nhiều hơn. Khi chủ công bị bịt kín như thế thì đành phải bạt tay chắn ra ngoài, hoặc lách, lách thế nào đòi hỏi cổ tay phải khéo và có độ dừng trên không thì mới lách chắn được. Các cầu thủ hiện tại, nữ có Ngọc Hoa của Bình Điền Long An, kỹ thuật rất đa năng, cách xử lý hay, chơi được nhiều vị trí. Ngọc Hoa còn có cách phát bóng bay cuốn ngang rất khó. Bóng chuyền nam có anh Nguyễn Hữu Hà, ở độ tuổi như anh ấy mà thi đấu rất ổn định. Yến thấy anh Hà đang chơi với phong độ gần như xuất sắc nhất bóng chuyền nam Việt Nam. Những kỹ thuật mà anh ấy sử dụng cũng đáng để các cầu thủ học tập.
PV: Với chiều cao 1m78 của Yến trong bóng chuyền không cao, dạo này, khi gặp đối thủ cao to chắn, Yến thường sử dụng chiêu gõ bóng cho bóng bay về phía sau cầu thủ số 6 của đối phương. Chiêu này phải nói rất hiệu quả ? Yến đã luyện chiêu này thế nào?
Phạm Thị Yến: Khi gặp hàng chắn cao, với độ bật của Yến như thế mà vẫn rất khó, thì đành bạt tay chắn hoặc gõ lỏng. Đánh như thế, đối thủ cao mà xoay sở chậm thì được, còn đối thủ cao mà nhanh thì rất khó. Các kỹ thuật như thế tập luyện rất nhiều, rất công phu nhưng sử dụng rất ít. Thường với các chủ công, thói quen khi tấn công vẫn là dùng sức mạnh.
 |
Phạm Thị Yến với cup vô địch quốc gia
|
PV: Lại nói chuyện sức mạnh, chính thời kỳ đầu, khi Yến sung sức với những quả đập không cản nổi, thì cũng gặp nhiều tình huống vướng hàng chắn đối phương, khán giả xót ruột khi thấy bóng rơi ngay sân nhà mình?
Phạm Thị Yến: Tuổi trẻ thì thường như thế, rất sung sức. Dần dần Yến mới đan xen kỹ thuật khéo léo hơn.
PV: Ví dụ như kỹ thuật xoay cổ tay?
Phạm Thị Yến: Giờ thể lực của Yến không nhiều như trước, phải dùng tiểu xảo nhiều hơn, sử dụng cổ tay nhiều hơn. Nhất là đối thủ đã thuộc bài mình thì mình phải tìm cách.
PV: Tiểu xảo nào Yến dùng nhiều và thành công nhiều hơn?
Phạm Thị Yến (cười): Tùy đối thủ, với mỗi đối thủ phải tìm cách đánh, đánh giá thành công chỉ tương đối.
PV: 10 năm qua cũng là thời kỳ phát triển khá rực rỡ của bóng chuyền nữ Việt Nam, nhưng ngay trong khu vực, tuyển Việt Nam thường bị cái bóng của đối thủ Thái Lan che khuất. Nhận xét của Yến về tuyển Thái Lan thế nào?
PV: Đúng là thế hệ của Yến chưa từng vượt qua Thái Lan, thậm chí mỗi trận đấu với họ, kiếm một hiệp thắng cũng khó. Chiều cao thì họ không cao hơn mình, nhưng thể lực họ rất tốt. Tuyển Thái Lan luôn có sự đầu tư tốt, có tính chuyên nghiệp cao, được rèn luyện kiên trì, khéo léo nên toàn năng, bản lĩnh hơn hẳn. Ngay cả các đối thủ châu Á và thế giới có ai qua được họ đâu. Chức vô địch châu Á của họ là minh chứng rất rõ. Thái Lan đã lên ngôi thuyết phục. Về phía Việt Nam, qua các kỳ Seagames chỉ cố gắng thắng hiệp thôi, tạo khí thế, còn để tuyển Việt Nam lập được thế trận sòng phẳng với họ chắc mất khá nhiều thời gian.
PV: Bây giờ đang tham gia công tác huấn luyện, Yến thấy để vượt qua tuyển Thái Lan, tuyển Việt Nam cần bao nhiều thời gian nữa?
Phạm Thị Yến: Cái này Yến không dám chắc, các nhà chuyên môn, các nhà lãnh đạo chưa ai dám nói. Chắc là còn khá lâu, nhưng mỗi thế hệ VĐV cùng làm cho thành tích đội tuyển thêm tốt, mỗi người tốt một chút thì dần dần sẽ kéo ngắn khoảng cách phát triển giữa ta và Thái Lan. Hy vọng, dù không vượt qua ngay được nhưng mỗi thế hệ cầu thủ thì tiến bộ thêm một chút, khoảng cách giữa ta và họ sẽ ngắn lại.
PV: Quay trở lại với những trận bóng chuyền, kỹ thuật đập chồng được rất nhiều đội bóng lớn trên thế giới sử dụng. Tại sao tuyển Việt Nam và CLB Thông tin LienVietPostBank lại ít sử dụng như vậy?
Phạm Thị Yến: Kỹ thuật phối hợp đánh chồng đúng là đội Thông tin ít sử dụng, dù hiệu quả cao. Yến nghĩ quan trọng là khâu chuyền một, chuyền tốt thì mới tổ chức được, hơn nữa phụ công phải xuất sắc, họ di chuyển không bóng khéo léo sẽ kéo theo hàng chắn đối phương thì mới tổ chức đánh chồng được.
PV: Về bước một, trước mới về đội Thông tin, kỹ thuật bước một của Yến không được tốt, nay lại rất ổn định, Yến đã luyện bước một như thế nào?
Phạm Thị Yến: Tay Yến, như ban đầu đã nói, là yếu tố ảnh hưởng, nó là điểm yếu nhất trong kỹ thuật bóng chuyền của Yến. Có được phong độ như bây giờ là nhờ thầy Long đã kiên trì ép Yến tập bằng được, xóa đi cái suy nghĩ đó là cản trở, là điểm yếu của mình. Yến đã kiên trì tập nhiều, hết giờ tập của đội thì tự tập, tự phát bóng vào tường để chỉnh hình tay, kỹ thuật nắm hình tay và đỡ bóng nhiều tạo để cảm giác, tạo độ ổn định.
PV: 10 năm làm cầu thủ bóng chuyền quân đội, Yến thấy mình có thiệt thòi gì không?
Phạm Thị Yến: Là nữ làm vận động viên thể thao thì ai cũng xác định trước sẽ chịu thiệt thòi trên một vài phương diện. Cái được thì nhiều, như là được thỏa mãn sự đam mê, được cống hiến, đem lại thành tích cho quân đội, cho mình, cho đất nước, cho người thân. Còn cái thiệt thòi thì mỗi người có cách đánh giá riêng, quan trọng là khi chọn nghiệp thể thao, ai cũng xác định trước để sẵn sàng chấp nhận.
Như Yến thì có lúc thấy thời gian giành cho bố mẹ rất ít. Có khi Yến thi đấu xa nhà 7 tháng trời, bố mẹ chỉ động viên từ xa. May là bố mẹ rất thông cảm cho sự nghiệp của con.
PV: Giải vô địch quốc gia vừa qua, Yến vừa là cầu thủ, vừa tham gia công tác huấn luyện. Vậy Yến dự định thi đấu bao năm nữa?
Phạm Thị Yến: Trong thi đấu đỉnh cao, Yến sẽ tiếp tục chơi nếu sức khỏe tốt. Hiện Yến đã tốt nghiệp đại học, tham gia công tác huấn luyện. Còn thi đấu, mình phải tạo cơ hội cho các em thi đấu nhiều hơn. Mong muốn của Yến là tiếp tục cống hiến cho đội Thông tin, trở thành huấn luyện viên để đào tạo thế hệ kế tiếp trở thành nhân tài mang vinh quang cho quân đội, cho đất nước.
PV: Được biết Yến có nhiều lời mời công việc sau khi giải nghệ, Yến đã có dự định gì về công việc mới nếu giải nghệ chưa?
Phạm Thị Yến:: Yến vẫn đang quá bận rộn với bóng chuyền, chưa có nhiều thời gian để nghĩ đến điều đó. Yến có nhiều lời mời nhưng muốn gắn bó với quân đội, thể thao quân đội và đội bóng chuyền nữ Thông tin. Cả sự nghiệp thi đấu Yến gắn với Binh chủng Thông tin, Yến trưởng thành lên từ môi trường này, yêu quý môi trường này nên nếu được thì sẽ gắn bó với đội bóng này.
PV: Cảm ơn Yến rất nhiều về cuộc phỏng vấn!
HỒNG HẢI – TIẾN TUÂN (thực hiện)