QĐND - Trong 85 năm qua, Đảng ta đã thường xuyên chăm lo giáo dục, bồi dưỡng cho mỗi chúng ta “một trái tim giàu”-giàu lòng yêu nước, yêu đồng bào, giàu lòng tự trọng, giàu tinh thần yêu hòa bình và yêu bạn bè quốc tế.

Trong “Bài ca mùa Xuân 1961”, Tố Hữu có những câu thơ sâu nặng nghĩa tình: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người, sống để yêu nhau/ Đảng cho ta trái tim giàu/ Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay”.

Quả thật, không gì đẹp bằng lòng nhân ái, không gì quý bằng tình yêu thương giữa con người với con người. Mọi cái trên đời này rồi sẽ vào dĩ vãng, phai nhạt đi, hoặc trở nên bình thường. Nhưng tình người, lòng yêu thương con người với nhau thì còn mãi, lúc nào cũng tươi mới, bao giờ cũng đẹp, cũng đáng nâng niu, trân trọng nhất, đồng thời cũng là nỗi khát khao cháy bỏng của nhân loại muôn đời.

Bác Hồ kính yêu là kết tụ, biểu tượng lòng nhân ái của dân tộc Việt Nam. Suốt đời, Bác “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Bác không chỉ chung vui với dân tộc, Bác còn chung niềm vui với bè bạn khắp năm châu. Đó chính là lòng nhân ái mênh mông của Bác Hồ, tượng trưng cao đẹp nhất của truyền thống “Tương thân tương ái”, “Thương người như thể thương thân” và tinh thần “Tứ hải giai huynh đệ” của người Việt Nam ta. Tiếp nối tư tưởng của Bác, ngày nay, lý tưởng của Đảng thật cao cả và mang tính nhân văn sâu sắc: Phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh! Cốt lõi của lý tưởng ấy vẫn là lòng yêu thương con người. Tinh thần nhân văn cao đẹp ấy của Bác Hồ và của Đảng đã phát huy cao độ truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam ta.

Một tiết mục văn nghệ ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Ảnh: Duy Văn.

Những lúc cuộc sống khó khăn, thiên tai địch họa, tắt lửa tối đèn, ta càng thấy nhân dân ta yêu thương, đùm bọc nhau đến mức nào. Hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược đã chứng minh tinh thần “bát cơm sẻ nửa”, “đồng cam cộng khổ”, “chung lưng đấu cật” của nhân dân hai miền Nam-Bắc để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Những trận lũ, lụt liên tiếp nhiều năm qua ở miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long và cả lũ quét ở vùng núi phía Bắc, các tầng lớp nhân dân luôn sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho nhau. Nhiều em nhỏ dành dụm tiền quà sáng, hoặc tiền nuôi lợn đất, góp quần áo và sách vở gửi tặng các bạn vùng lũ, lụt. Ai cũng ngóng tin trên các phương tiện truyền thông, theo dõi hằng ngày mức nước lên cao hay xuống thấp, đồng bào mình thiệt hại bao nhiêu người, bao nhiêu của? Nhiều cụ già nước mắt lưng tròng, xót thương khúc ruột miền Trung, miền Nam những ngày phải gồng mình trước thiên tai hung dữ.

 “Người yêu người, sống để yêu nhau” còn biểu hiện ở nhiều nghĩa cử cao đẹp của đồng bào ở khắp mọi miền đất nước. Em học sinh quàng khăn đỏ dìu một cụ già qua đường dày đặc xe cộ. Có em thiếu niên dũng cảm cứu người khỏi chết đuối, còn mình bị dòng nước cuốn trôi. Thấy người bị cướp, nhiều thanh niên và cả người cao tuổi dũng cảm truy bắt kẻ ác, không sợ hiểm nguy. Thấy người cùng khối phố ốm đau, hoạn nạn, bà con tận tình thăm nom, chăm sóc. Nhà hàng xóm có chuyện hiếu hỉ, bà con đến chia buồn, chia vui với nhau, giúp đỡ mỗi người một việc. Chuyện cưới vợ, gả chồng; anh trai làng, trai phố trúng tuyển nghĩa vụ quân sự; cô cậu thanh niên thi đỗ vào trường đại học; chuyện mừng thọ, lên lão... bao giờ cũng có mặt đông đảo bạn bè, bà con xóm phố. Những chương trình từ thiện “Lục lạc vàng”, “Vượt lên chính mình”, “Quỹ Tấm lòng vàng", “Hiến máu nhân đạo”… nở rộ, thắm thiết nghĩa tình đồng bào, đồng chí. Biết bao nghĩa cử của các tầng lớp nhân dân ta đối với nhau nồng đượm, thủy chung, kể sao cho hết!

Yêu thương đồng bào mình, người Việt Nam ta còn giàu lòng yêu thương bè bạn khắp nơi trên thế giới. Ở đâu có tiếng súng, tiếng bom, dân ta lắng nghe, lo âu, thổn thức, chia sẻ đau thương. Nghe tin vụ động đất và sóng thần khủng khiếp ở In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, Nhật Bản… gây thiệt hại nhiều người, nhiều của, ngay sau đó, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước thay mặt nhân dân ta đã gửi điện đến nước bạn cảm thông, chia sẻ khó khăn mất mát, giúp đỡ với tinh thần “của ít lòng nhiều”. Nước ta nhiều lần ủng hộ nhân dân Cu-ba hàng nghìn tấn gạo, tỏ lòng đền đáp nghĩa tình của bạn đã hết lòng vì Việt Nam từ những năm đánh Mỹ. Những người nước ngoài đến Việt Nam công tác, học tập, hoặc tham quan, du lịch, đều nhận được ánh mắt, nụ cười thân thiện của nhân dân ta, hoặc có những người bạn tốt gắn bó với Việt Nam, nhiều khi còn được bạn Việt mời về gia đình ăn Tết truyền thống.

 “Người yêu người, sống để yêu nhau” là điều tốt đẹp, thiêng liêng nhất trên đời. Nhưng cũng có những lúc ta thấy buồn lòng, nặng trĩu suy tư, thậm chí phẫn nộ, khi thấy chỗ này chỗ kia, vẫn còn những điều chưa tốt, chưa đẹp, chưa hay; khi thấy đây đó có những kẻ lá mặt lá trái: “Khi vui thì vỗ tay vào/ Đến khi hoạn nạn, thì nào thấy ai”! Cũng cần phải giận, phải ghét những kẻ giả dối, cầu cạnh, bon chen hoặc làm ăn, buôn bán gian manh, lừa gạt, chỉ cốt kiếm thật nhiều lợi riêng mà quên lợi ích chung, quên đồng bào, quên tình bạn, làm điều xấu với cả ân nhân của mình. Chẳng thế mà Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cách đây mấy thế kỷ từng than thở: “Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử/ Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi”! Cái giận, cái ghét, cái khinh ấy là tình cảm đúng đắn của những con người chân chính, cũng xuất phát từ lòng yêu thương con người. Nhưng người Việt Nam ta vẫn có câu: “Giận thì giận, thương thì thương”! Đấy là những điều cần thiết, để ta tự trọng và sống thật với chính mình, với con người, và để cuộc đời cũng “thật” hơn đối với ta. Hơn thế nữa, để ta sống sâu sắc hơn và có ích hơn với đất nước, quê hương.

Ở một đất nước bao nhiêu năm chống chọi với giặc ngoại xâm hung bạo, thường xuyên phải vật lộn với thiên tai dữ dội, chịu đựng vô vàn gian khổ, thiếu thốn, hy sinh mới giành được độc lập, tự do, mới gặt hái được hạnh phúc, cho nên ta càng yêu cuộc sống, khát khao hòa bình. Và cũng bởi thế mà ta càng yêu thương con người, ghét chiến tranh, ghét cái xấu, cái ác. Truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam ta khởi nguồn từ đó.

Trong 85 năm qua, Đảng ta đã thường xuyên chăm lo giáo dục, bồi dưỡng cho mỗi chúng ta “một trái tim giàu”-giàu lòng yêu nước, yêu đồng bào, giàu lòng tự trọng, giàu tinh thần yêu hòa bình và yêu bạn bè quốc tế. Từ trái tim giàu tình yêu thương con người ấy, nhân dân ta luôn ở tư thế “Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay”, góp phần đưa đất nước ta “Bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong ước.

ĐÀO NGỌC ĐỆ