Một hôm, trên ti vi, có một ông nào đó, không biết là thật bụng hay nhỡ mồm, hạ một câu rằng, “Dân trí” ta thấp!

Thế là bị báo viết, báo mạng “ném đá” cho tơi bời!

Rồi thấy một ông khác, cũng không biết là thật bụng hay mị dân, cãi/mắng lại ông hôm nọ rằng, “Dân trí” ta cao!

Người nói ra, người nói vào, mới thấy lộ ra mấy vấn đề - câu hỏi:

Ngày vừa độc lập, 95% dân ta mù chữ. Bây giờ, tối thiểu ta đã phổ cập cấp II (trung học cơ sở), thế thì “Dân trí” ta giờ thấp hay cao? Phải cao hơn ngày trước chứ! Sao lại dám bảo là thấp?

Nhưng nhiều năm nay, khi đi thi vào đại học, có thí sinh lại nhầm Nguyễn Du với Nguyễn Huệ; khi mà cả một phòng thi hỏng môn Lịch sử và khi tốt nghiệp đại học ra làm báo rồi, vẫn còn viết: Trần Hưng Đạo trả kiếm ở... Hồ Gươm!... thì lại không thể bảo là ta có “Dân trí” cao được. Thế tức là lại… thấp!

Mà nếu những học sinh, sinh viên như vậy “vô can” và được coi là có “Dân trí” cao rồi, thì “gia đình, xã hội, nhà trường (Bộ Giáo dục)” - ba yếu tố cấu thành nền giáo dục mới - phải bị coi là thấp! Lô-gích là thế!

Quay sang chuyện văn chương, nhiều người bảo, già thì mới cao vì nhiều kinh nghiệm sống; nhiều người lại bảo, trẻ thì mới cao, vì họ cập nhật thời đại-công nghệ hơn. Khổ quá, việc của người đương thời là kết hợp giữa kinh nghiệm sống và cập nhật thời đại, có gì mà phải tranh luận?

Lại nói chuyện già/trẻ, thì ông Xa-di (1215-1292), danh nhân Ba Tư bảo: “Nếu tôi sống được 90 tuổi, tôi sẽ dành 30 năm đầu để học, 30 năm tiếp theo để đi, 30 năm cuối mới viết”. Tư Mã Thiên cũng học mãi, rồi đi khắp Trung Hoa về, mới dám ngồi viết “Sử ký”. Bác Hồ đi khắp năm châu, học mãi, rồi ngoài 50 tuổi mới viết “Nhật ký trong tù”, 55 tuổi mới viết “Tuyên ngôn Độc lập”…, thì trẻ hay già tốt? (Tất nhiên, già mà viết không hay, hoặc là trời không cho sống đến già, thì đành chịu!).

Nhưng cũng lại thấy, các ông Pu-xkin (1799-1837), Léc-mông-tốp (1814-1841), Ê-xê-nhin (1895-1925) v.v.. trẻ mà đã quá hay! Nhưng nếu trẻ, mà “tranh thủ” viết thật khỏe, song, toàn “vụ án viết lại”, toàn “cướp-giết-hiếp” ghê người, thì trẻ để làm gì? Thế, cùng lắm, gọi là “viết truyện”, ai gọi là “viết văn”! Chỗ này, chưa hỏi đã biết là “Dân trí” cao hay thấp rồi!

So với thời bao cấp, cả đời sống vật chất lẫn học vấn chung, dân ta giờ hơn hẳn, thì “Dân trí” ta cao. Nhưng nếu hỏi, 30 năm cải cách, Hàn Quốc thành nước công nghiệp phát triển, còn ta sau khoảng thời gian ấy chủ yếu vẫn  “lắp ráp-gia công”, thì “Dân trí” ta là cao hay thấp? Tất lại phải trả lời khác.

Cho nên, nói “Dân trí” cao hay thấp, thì phải nói rõ, cao so với ai? Thấp ở chỗ nào?

Cao, thấp phức tạp thế. Không thể nói một câu như cả hai ông trên ti vi mà xong được.

ĐỖ TRUNG LAI