QĐND -  Một hiện trạng không còn là đáng báo động nữa mà là một thực tế bắt chúng ta phải có những giải pháp quyết liệt để vừa hướng tới tính chiến lược lâu dài vừa khắc phục những bất cập hôm nay: Năm học 2014 này rất ít học sinh chọn môn lịch sử làm môn thi tốt nghiệp. Có trường không có học sinh nào đăng ký, có trường chỉ có một em, thế là em này liền được coi là hiện tượng, được phỏng vấn, chụp ảnh đăng báo.

Đằng sau chuyện này, dễ thấy một vấn đề báo động khác: Sẽ rất ít thí sinh chọn thi vào các trường khoa học xã hội nhân văn. Mấy năm gần đây đã có hiện tượng này, nhưng từ năm nay vấn đề sẽ nghiêm trọng hơn bởi được thả nổi ngay từ khi chọn môn thi tốt nghiệp. Trong khi đó nhiều nước tiên tiến trên thế giới đưa môn lịch sử vào chương trình học bắt buộc, môn thi tốt nghiệp bắt buộc (bên cạnh các môn cơ bản như văn, toán) cho học sinh phổ thông.  Còn ở nước ta, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại cho môn lịch sử là môn thi tự chọn. Học sinh đã chán học môn này nay lại được “tự chọn” thì dĩ nhiên là các em sẽ không chọn để thi. Đây là một trong những nguyên nhân chính ở tầm vĩ mô mà Bộ nên rút kinh nghiệm cho những năm tiếp theo.

Lịch sử là môn học lẽ ra phải được coi trọng vì lịch sử là quá khứ của một dân tộc. Bác Hồ đã nói, lịch sử là “gốc tích nước nhà”. Lịch sử làm nên văn hóa dân tộc, quy định bản sắc văn hóa, tâm hồn tính cách dân tộc. Người ta nói quá khứ cắt nghĩa hiện tại, hiện tại cắt nghĩa tương lai là theo nghĩa này. Đúng vậy, quá khứ luôn là điểm tựa, là bệ phóng cho hiện tại. Bài học từ quá khứ sẽ là hành trang tinh thần cho thế hệ hôm nay cất cánh bay vào tương lai.

Trong tác phẩm nổi tiếng “Lịch sử nước ta”, Bác Hồ có hai câu thơ này: Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Đây không đơn thuần chỉ là lời kêu gọi mà còn là chân lý, là khoa học, là mỹ học. Bác nói “cho tường” nôm na nhưng thật sâu sắc: Phải biết lịch sử một cách tường tận, rõ ràng, cụ thể. Không dạy cho thế hệ tương lai biết tường tận về lịch sử là có lỗi với lịch sử.

Với tất cả hiểu biết trên chúng tôi xin kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan có thẩm quyền đưa môn lịch sử là môn học bắt buộc, môn thi bắt buộc trong tất cả chương trình giáo dục phổ thông.

Về phía các thầy cô giáo dạy sử, chúng tôi xin khuyến nghị nên xem xét, cải tiến lại phương pháp giảng dạy môn lịch sử ở trường phổ thông. Lịch sử không hề là sự học thuộc mà còn là triết lý, suy ngẫm, là bài học. Một bài giảng lịch sử là sự tái hiện quá khứ nhưng đồng thời cũng là sự phán xét lại, đánh giá lại quá khứ ở người học trên quan điểm nhân dân là người sáng tạo và làm nên lịch sử. Phải đánh thức ở học trò niềm đam mê hiểu biết về quá khứ nhưng cũng phải gợi ở họ phản biện lại lịch sử. Đó là sự sáng tạo. Ở bất cứ bài giảng nào nếu không gợi được sự phát huy trí tuệ sáng tạo, niềm đam mê tri thức, sự liên tưởng khoa học… thì không coi đó là một bài giảng thành công.

Lịch sử, xét đến cùng là những gì đã đi qua, được con người hiện tại ý thức lại. Những bài học lịch sử sẽ vô ích nếu không làm đọng lại ở người học hôm nay niềm kính trọng cha ông đã dựng xây nên non nước này, đã dũng cảm bảo vệ nền độc lập tự chủ, đã sáng tạo nên cả một nền văn hóa Việt… Từ đó các em sẽ được tiếp thêm niềm tin, niềm tự hào để mà sống mạnh mẽ hơn, trung thực hơn, chân chính hơn. Đấy là nhiệm vụ cao cả, là thiên chức lớn lao của môn lịch sử mà bất cứ người công dân chân chính nào cũng phải học, phải bồi dưỡng suốt đời.

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ