QĐND - Những tráng sĩ - Nhiều khi tôi tưởng tượng

Đã qua bao trận huyết chiến không về

Biến thành đàn sếu trắng trên kia

Tự những thời xưa, đến bây giờ vẫn vậy...

 

Đàn sếu bay, đàn sếu gọi gì ta?

Hẳn vì thế mà ta thường lặng lẽ

Thường ngậm ngùi khi ngước mắt về xa...

 

Tôi đang ngắm sếu bay, giữa một miền đất lạ,

Giữa sương xuống chiều hôm,

Đàn sếu trắng giăng hàng

Bay theo đội hình, bay theo nhịp bước,

Tưởng chẳng khác con người

Trong cuộc sống nhân gian!

 

Đàn chim đổi mùa, hành trình dài dặc...

Vừa bay vừa kêu như gọi mãi tên ai,

Tiếng chim sếu, vì sao nghe rất giống

Những âm sắc Avar(*) quen thuộc tự bao đời?

 

Đàn chim hình mũi tên, cứ bay qua, bay mãi,

Nhắc bè bạn, nhắc người thân

khuất nẻo đã lâu rồi!

Và trong hàng, có một khe hở nhỏ

Hẳn đó sẽ là chỗ đứng của đời tôi!

 

Có phải rồi tới ngày, ở trong hàng ngũ ấy,

Tôi cũng vươn theo đàn, bay tít tận xa xanh?

Và chỉ bằng lời chim, từ ngang tầm vũ trụ,

Tôi sẽ hướng về đây, cất tiếng gọi các anh?

Ra-xun Gam-da-tốp

BẰNG VIỆT dịch

(*) Tiếng Avar được nói thuộc vùng Kavkaz của Nga.

Lời bình của MỘC LAN

Cảm hứng để R.Gam-da-tốp viết bài thơ “Đàn sếu” là khi ông thăm Công viên tưởng niệm hòa bình ở Hi-rô-si-ma (Nhật Bản). Người Nhật Bản tin rằng nếu người đang ốm xếp được 1000 con sếu bằng giấy trắng thì sẽ khỏi bệnh. Có người kể với nhà thơ về câu chuyện cô bé Sa-đa-kô Sa-sa-ki là nạn nhân vụ ném bom hạt nhân đã chết khi chưa xếp đủ 1000 con sếu. Đúng lúc đó, có tin báo mẹ nhà thơ qua đời. Trên đường bay về Mát-xcơ-va, nhà thơ đã nghĩ về mẹ, về người cha đã chết trong chiến tranh, về những người anh đã hy sinh ngoài mặt trận và cả cô bé S.Sa-sa-ki...

Cùng với hình ảnh đàn sếu trong bộ phim nổi tiếng “Khi đàn sếu bay qua”, hình tượng đàn sếu trong bài thơ của R.Gam-da-tốp đã trở thành biểu tượng cho những người lính Liên Xô (trước đây) anh dũng hy sinh trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Đó là một biểu tượng được khai sinh ở thời hiện đại bởi trong văn hóa Nga truyền thống, hình ảnh đàn sếu không có ý nghĩa cụ thể nào cả!

Hiển nhiên, cần phải đọc nguyên bản bài thơ mới hiểu được cả âm điệu bài thơ gắn chặt với ý nghĩa trở thành một thực thể nghệ thuật toàn bích. Tuy nhiên, chỉ cần đọc nhiều bản dịch tiếng Việt bài thơ “Đàn sếu” đã khiến bao thế hệ độc giả Việt Nam xúc động.

Mở đầu bài thơ, R.Gam-da-tốp đã xây dựng hình ảnh đàn sếu bay tự do trên bầu trời như linh hồn người lính đã hy sinh vì nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ độc lập, tự do cho quê hương và giải phóng các dân tộc khác: “Những tráng sĩ-Nhiều khi tôi tưởng tượng/ Đã qua bao trận huyết chiến không về/ Biến thành đàn sếu trắng trên kia/ Tự những thời xưa, đến bây giờ vẫn vậy...”

Ở ba khổ thơ tiếp theo, bằng hàng loạt thủ pháp so sánh, ẩn dụ, nhà thơ tiếp tục thể hiện những quan sát của cá nhân khi nhìn đàn sếu để liên tưởng người lính đã hy sinh với tâm thế tri ân: “Đàn sếu bay, đàn sếu gọi gì ta?/ Hẳn vì thế mà ta thường lặng lẽ/ Thường ngậm ngùi khi ngước mắt về xa...”

Nhà thơ khẳng định sự hy sinh của những người lính sẽ luôn trường tồn và sống mãi trong lòng những người còn sống, bởi đó là những con người làm nên biểu tượng của sự đoàn kết vượt qua những giây phút sinh tử trong chiến trận, để tiếp thêm sức mạnh cho những người còn sống hôm nay: “Bay theo đội hình, bay theo nhịp bước/ Tưởng chẳng khác con người/ Trong cuộc sống nhân gian!”

Kết thúc bài thơ, R.Gam-da-tốp chứng minh tài năng thơ ca của mình khi không chỉ có khả năng liên tưởng mà ông còn có khả năng tưởng tượng và phát triển chủ đề bài thơ một cách độc đáo. Nhà thơ đã nghĩ đến tương lai, một ngày nào đó ông cũng sẽ không còn tồn tại trên mặt đất này; và khi đó, nhà thơ tự hứa với mình cũng sẽ như người lính đã hy sinh, không bao giờ rời xa mảnh đất quê hương, linh hồn vẫn gắn với những người còn sống bằng những sợi dây tình cảm vô hình: “Có phải rồi tới ngày, ở trong hàng ngũ ấy? Tôi cũng vươn theo đàn, bay tít tận xa xanh?/ Và chỉ bằng lời chim, từ ngang tầm vũ trụ/ Tôi sẽ hướng về đây, cất tiếng gọi các anh?”

 “Đàn sếu” của R.Gam-da-tốp cũng như những người lính anh hùng ngã xuống đã trở thành bất tử!