Đất làng Khuyến Lương thuở xa xưa có tên gọi chung là Cổ Mai hay Cổ Mai Đàm. Bởi ở đây có nhiều đầm và trồng nhiều loại mai. Trải qua bãi biển nương dâu, chiến tranh tao loạn… đến bây giờ vẫn còn dấu tích qua những địa danh: Linh Đàm, Hoàng Mai, Tương Mai, Bạch Mai, Hồng Mai…

Sau vụ án Lệ Chi Viên (1442), vua Lê Thái Tông chết đột ngột, vùng quê này mới đổi thành Khuyến Lương. Chữ Khuyến Lương, theo người dân, có nghĩa là yên ổn, thịnh vượng, lương thiện. Khuyến Lương từng là thái ấp của danh tướng Trần Khát Chân đời Trần. Đây rất gần thành Đông Quan, mà có sách viết rằng cuối năm 1427, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đóng bản doanh tại chùa Đông Phù Liệt, xã Đông Mỹ và làng Việt Yên, xã Ngũ Hiệp (huyện Thanh Trì) bàn kế sách. Ở Khuyến Lương từ xa xưa đã có chùa, đình và đặc biệt là có hai ngôi đền thờ hai nhân vật lịch sử của đất nước: Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Đó là những nhân vật gắn liền với những biến thiên lịch sử, thăng trầm của dân tộc…

leftcenterrightdel
Nội điện thờ Nguyễn Trãi. 
Chúng tôi đã đến thăm viếng đền Nguyễn Trãi ở Khuyến Lương vào một ngày cuối đông. Từ ngã tư Pháp Vân đi theo con đường rộng lớn về phía cầu Thanh Trì, chừng ba bốn cây số, thì rẽ phải vào làng. Phải hỏi thăm nhiều lần, đi loanh quanh trong làng mới đến nơi. Thật không thể ngờ rằng ngôi đền nhỏ bé và khiêm tốn đến thế. Đền nằm trong một khuôn viên, tọa lạc trên một khu đất nằm lọt thỏm trong khu dân cư đông đúc, xây dựng lộn xộn kiểu cách của làng quê. Cổng đền sơ sài bên trên đắp bốn chữ “Đền thờ Nguyễn Trãi”, như một khẩu hiệu bắc qua cánh cổng sắt khóa cứng lại. Phải hỏi dò mới biết người coi đền. Đó là cụ Lê Văn Thi, 78 tuổi, được giao trông đền khoảng chục năm nay, mỗi tháng hưởng phụ cấp 500 nghìn đồng.

Thật mừng là cụ Lê Văn Thi rất nhiệt tình kể chuyện. Hỏi, đền thờ có từ bao giờ, cụ Thi không rõ. Cụ kể rằng từ đời ông, cha cụ lúc còn tại thế, cũng chưa một lần nào nhắc tới, tức là có lâu lắm rồi. Có thể đã xuất hiện từ bốn, năm trăm năm trước. Nghĩa là sau năm Giáp Thân, niên hiệu Quang Thuận 5 (1464), vua Lê Thánh Tông ban chế tẩy oan cho Nguyễn Trãi, thì ở làng Khuyến Lương này mới lập đền thờ ngay trên khu nhà dạy học của cụ.

Cụ Thi nhớ lại, cách đây khoảng sáu chục năm, đền thờ Nguyễn Trãi còn ở giữa cánh đồng làng, có diện tích bảy, tám trăm mét vuông, cây cối xanh tươi, thoáng mát. Về sau, dân số phình ra, thế là xã cấp đất để giãn dân, nên bây giờ khuôn viên đền bị thu hẹp lại, chỉ còn khoảng 200m2, giống như đền bà Nguyễn Thị Lộ (người vợ lẽ của Nguyễn Trãi) ở sát chân đê sông Hồng, cách đây ước chừng một cây số, nhưng cùng một làng.

Thế là ngôi đền bị khu dân cư bao vây ba mặt, còn một mặt quay ra ngách nhỏ. Tuy đền vẫn ở vị trí cũ, nhưng chật hẹp và kiến trúc quá đơn sơ. Đi qua nhìn vào ai cũng tưởng đó là một ngôi nhà cấp 4, tường vôi loang lổ, mái lợp ngói ta, cánh cửa bằng gỗ thường, sân gạch rêu phơi. Vài cây cau mới trồng ở sát tường, vài cây mẫu đơn lẻ loi phô mấy chùm hoa, không thể làm ấm lên cái không gian hiu quạnh… Nội điện trước đây quá sơ sài, hầu như chẳng có gì. May sao có nhà giáo Hoàng Đạo Chúc, một người cả đời nặng lòng với nỗi oan khuất của Nguyễn Trãi qua sự kiện “Vụ án Lệ Chi Viên”. Ông quyết tâm vận động, thành lập “Hội những người kính yêu Nguyễn Trãi-Nguyễn Thị Lộ”. Ông kiên trì đi khắp mọi nơi quyên góp để tôn tạo đền thờ, nên mới có bức tượng, bên trên có bốn chữ Hán “Bình Ngô khai quốc”, làm cho nội điện thêm trang trọng.

Đã thành lệ, những ngày tuần rằm, ngày giỗ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ (16-8 âm lịch), cả làng Khuyến Lương phân công nhau làm lễ. Làng có 6 phe thì phe 5 cúng Nguyễn Trãi, phe 6 cúng Nguyễn Thị Lộ.

Trừ các cụ trong làng, những người dân nơi khác ít biết tới. Thế nhưng Đền thờ Nguyễn Trãi linh thiêng lắm. Người dân rất kính trọng phẩm đức của cụ. Có những đám tang đi qua cửa đền, dân làng dừng lại thắp hương vái cụ rồi mới đi tiếp.

Cụ Thi tự hào quả quyết rằng: Đền thờ Nguyễn Trãi làng Khuyến Lương có sớm nhất trên cả nước. Những nơi khác mãi sau này mới tạo dựng. Cụ Thi còn kể rằng, tục truyền từ xưa, Nguyễn Trãi thuở hàn vi đã về đây dạy học. Cụ chọn được khu đất cao, nổi lên như hình cái bút giữa vùng hồ ao, dựng trường dạy học. Tối tối cụ lại về nghỉ ngơi với bà Nguyễn Thị Lộ, ở ngôi nhà tranh sát chân đê sông Hồng. Khi thư thái, hai người ngâm thơ và đàm đạo rất tâm đầu ý hợp.

Quay trở lại lịch sử, kể từ sau vụ án Lệ Chi Viên, hình ảnh Nguyễn Trãi chỉ còn trong trái tim người đời, không còn mấy hiện vật. Ngay ở Côn Sơn, nơi ông giữ chức Đề cử chùa Tư Phúc, những người tâm phúc nhất cũng chỉ dám đắp hai pho tượng bằng đất, yểm tâm đề tên bên trong để thờ. Mấy trăm năm sau tượng đất vỡ ra từng mảnh, hậu thế mới biết đó là tượng Nguyễn Trãi và Trần phu nhân… Vậy mà ở một nơi rất gần Kinh thành Thăng Long, người dân vẫn dựng lập đền thờ cụ, dẫu còn sơ sài, nhưng thể hiện tấm lòng trân trọng của hậu thế đối với bậc danh nhân văn hóa lừng lẫy của nước Việt.

Bài và ảnh: KHÚC HÀ LINH