 |
Đồng chí Lại Đức Đại, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại lễ khai giảng.
|
Lớp truyền dạy kỹ thuật trang trí hoa văn truyền thống trên gốm thủ công của người M’nông thu hút 20 học viên là người dân tộc M’nông tuổi đời từ 27 đến 74 trên địa bàn xã Yang Tao. Lớp học được tổ chức tại xã Yang Tao, huyện Lắk - nơi nghệ thuật làm gốm thủ công bằng tay là một nghề gắn bó mật thiết với đời sống, tín ngưỡng và tâm hồn của người M’nông. Năm 2024, nghề làm gốm thủ công truyền thống của người M’nông tại xã Yang Tao được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
 |
Sản phẩm gốm thủ công của người M’nông, xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.
|
Tuy nhiên, trong bối cảnh đời sống hiện đại đang thay đổi nhanh chóng, các giá trị văn hóa truyền thống như nghề gốm đang đối diện với nguy cơ mai một. Nhiều kỹ thuật, hoa văn độc đáo hiện nay chỉ còn được lưu giữ bởi một số ít nghệ nhân cao tuổi.
Việc tổ chức lớp truyền dạy kỹ thuật trang trí hoa văn truyền thống trên gốm thủ công của người M’nông xã Yang Tao không chỉ đơn thuần là truyền nghề, mà còn là hành động thiết thực nhằm giữ gìn “hồn cốt” văn hóa, đồng thời khơi dậy niềm tự hào và tình yêu với di sản trong thế hệ trẻ.
Chương trình của lớp học gồm: Giới thiệu về nghề gốm thủ công của người M’nông, hướng dẫn kỹ thuật trang trí hoa văn truyền thống, thực hành trang trí hoa văn trên sản phẩm gốm.
Lớp học nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc của người M’nông, đặc biệt là các loại hoa văn truyền thống và nghề làm gốm thủ công của người M’nông, nâng cao nhận thức trong cộng đồng, giúp thế hệ trẻ hiểu và trân trọng nghề gốm của dân tộc. Đồng thời, giúp nghệ nhân và học viên có cơ hội học hỏi, phát triển kỹ năng trang trí hoa văn trên gốm, góp phần nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm, xây dựng nghề gốm thành điểm du lịch văn hóa.
 |
Học viên lớp học tổ chức tại xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.
|
Phát biểu tại lễ khai giảng, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Lại Đức Đại chia sẻ: Thông qua lớp học, các nghệ nhân, đặc biệt là lớp trẻ được tiếp cận, học hỏi và thực hành các kỹ thuật vẽ, khắc hoa văn truyền thống. Từ đó tạo ra những sản phẩm gốm thủ công độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây cũng là nền tảng quan trọng để từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu gốm Yang Tao, gắn với du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống người dân, thúc đẩy địa phương phát triển bền vững.
Tin, ảnh: LÊ HOÀNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.