QĐND Online - Với “thế mạnh” là tư thế đối mặt, xung phong lên tuyến đầu ghi lại những hình ảnh chân thực nhất của người lính, trận chiến đấu,… những người làm phim nước nhà, đặc biệt là những người làm phim quân đội trong những cuộc trường chinh của lịch sử đã để lại nhiều dấu ấn với điện ảnh Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân, phóng viên Báo QĐND Online đã có cuộc trò chuyện với Đại tá, đạo diễn, NSND Lê Thi - một trong những nhà làm phim xuất sắc của Điện ảnh Quân đội:

Phóng viên (PV): Thưa NSND Lê Thi, điện ảnh là loại hình nghệ thuật với những ứng dụng kèm theo công nghệ máy móc, vậy khi những nhà làm phim quân đội bắt đầu “nhập cuộc” với loại hình nghệ thuật được cho là mới này ở những ngày đất nước đang bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt có gặp nhiều khó khăn?

NSND Lê Thi hồi trẻ.

NSND Lê Thi: Đề cập đến vấn đề làm phim của Điện ảnh Quân đội, thì trước hết đề cập đến cái mốc của nó. Đất nước bước vào giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Tổng cục Chính trị (TCCT) đã có quyết định thành lập Điện ảnh Quân đội. Mốc quan trọng nhất mở đầu, là điện ảnh quân đội đã có những thước phim đầu tiên quay cảnh bộ đội ta bắt phi công Mỹ An-vơ-rét ngày 5-8-1964 tại Cẩm Phả, Quảng Ninh, người quay là nghệ sĩ Phạm Hanh. Từ mốc son đó, người làm điện ảnh quân đội đã có những bứt phá, mở rộng ra khắp các chiến trường, mặt trận cả trong Nam, ngoài Bắc. Điều kiện làm phim lúc đó rất khó khăn, do là loại hình nghệ thuật mới, lực lượng mỏng, hầu hết anh em nghệ sĩ vừa làm vừa học, đào tạo lẫn nhau. Điều quý giá nhất, là chúng tôi được thực tế đào tạo, đó là thực tế chiến tranh, thực tế mặt trận. Chiến tranh ác liệt, những nhà làm phim quân đội luôn trong tư thế sẵn sàng đến những tuyến đầu để quay phim, làm phim. Mặt khác, do lực lượng còn ít nên trong quá trình làm hầu như là độc lập tác chiến. Nhiệm vụ của những nhà làm phim quân đội thời kỳ đó là quay phim và làm phim về lực lượng vũ trang trong chiến tranh, nên chúng tôi cũng ít có cơ hội, có thời gian để gặp nhau trau dồi nghề nghiệp, cứ đi hết mặt trận này đến mặt trận khác.

Nhưng có điều rất thuận lợi, là đến bất cứ đơn vị nào cũng được anh em bộ đội giúp đỡ, yểm trợ trong các cảnh quay đối mặt với quân địch, lúc đó những nhà quay phim cũng như những người lính chiến đấu, trực tiếp đối mặt với quân thù. Do đó mà cho đến ngày nay, những cảnh quay của đội ngũ làm phim quân đội vẫn là những thước phim quý giá để lực lượng làm phim trong nước và quốc tế sử dụng.

Đến nay chúng tôi luôn mang niềm tự hào rằng, từ chiến tranh, chúng tôi đã trưởng thành.

t
Cảnh trong phim "Hà Nội-Bản hùng ca".

PV: Trong đội ngũ làm phim của điện ảnh Việt Nam, những nhà làm phim quân đội ngay giai đoạn đầu đã gây dựng tên tuổi, nhưng hiện nay, dường như điện ảnh quân đội chưa có những bứt phá, mở rộng ra các lĩnh vực sản xuất phim?

NSND Lê Thi: Đến nay, tôi vẫn giữ nguyên vẹn niềm tự hào là một nhà làm phim của quân đội. Quân đội cho tôi điều kiện trưởng thành, học tập, rèn luyện và làm nghề. Trong niềm tự hào chung của anh em nghệ sĩ quân đội, chúng tôi luôn khắc sâu ghi nhớ những hy sinh của những đồng chí, đồng đội, nghệ sĩ đã hy sinh. Giữ tư thế đứng lên tuyến đầu, số lượng 30 nghệ sĩ của điện ảnh quân đội hy sinh trong các cuộc kháng chiến đã chiếm gần một nửa tổng số văn nghệ sĩ của cả nước hy sinh, là minh chứng cho câu nói “sinh nghề tử nghiệp”.

NSND Lê Thi tên đầy đủ là Lê Văn Thi, với những bộ phim tài liệu nổi tiếng như: “Hà Nội-Bản hùng ca”, “Đường Trường Sơn”, “Đường mòn trên biển đông”… Nổi bật là bộ phim “Hà Nội-Bản hùng ca”, phản ánh cuộc chiến đấu 12 ngày đêm năm 1972 của bộ đội và nhân dân Thủ đô, phim đã giành giải Nhất tại Liên hoan phim Quân đội các nước XHCN năm 1975 tại Vetprem (Hung-ga-ri); Giải Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam năm 1975.

Với lợi thế riêng có, các nghệ sĩ của quân đội đã để lại kho di sản tư liệu bằng hình ảnh vô cùng quý giá cho các cơ quan, ban ngành, tổ chức trong nước và quốc tế khai thác, sử dụng.

Ở các thể loại phim khác, tuy điện ảnh quân đội chưa phát huy hết tiềm năng, nhưng chúng tôi cũng đã có những dấu ấn. Cụ thể là ngay trong kháng chiến chống Mỹ, điện ảnh quân đội được sự giúp sức của Xưởng phim Bát Nhất (Trung Quốc) sản xuất bộ phim truyện kịch múa đầu tiên của Việt Nam là “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”. Đây vẫn là bộ phim đầu tiên và duy nhất cho đến nay. Sau này có một số bộ phim truyện nhựa như “Tiếng cồng định mệnh”…

PV: 70 năm Quân đội nhân dân Việt Nam với nhiều mốc son chói lọi, là một nhà làm phim, ông có những kỷ niệm gì?

NSND Lê Thi: Với người làm phim, những thước phim ghi lại hình ảnh các cuộc kháng chiến là tài sản vô cùng quý giá. Đến nay, tôi vẫn có cảm giác tiếc nuối, ân hận. Bởi rất nhiều những kỷ niệm chiến trường của chúng tôi về bộ đội, nhân dân, trận đánh đều ở những thước phim.

Kỷ niệm làm phim của tôi là sự hy sinh mất mát, đói, thiếu thốn của anh em chiến sĩ, bộ đội, nhưng tiếc là không có hình ảnh ghi lại, giờ muốn làm thì không có hình ảnh. Có những hy sinh rất lớn được nghệ sĩ ghi lại, nhưng trong khó khăn của chiến tranh, chúng ta chưa có điều kiện để lưu giữ. Hơn nữa, người làm nghệ thuật thời kỳ đó mục đích cao nhất là tuyên truyền những thắng lợi. Tôi cho những mất mát, hy sinh trong các cuộc kháng chiến là những giá trị của dân tộc, chúng ta đã làm mất mát giá trị lịch sử. Giá như ngày ấy, chúng ta có điều kiện hơn, có tư duy lịch sử, cái nhìn rộng hơn thì ngày nay, các thế hệ làm phim trẻ sẽ có nguồn tư liệu vô cùng quý giá để khai thác. Do đó, cũng nên nhìn nhận đầy đủ về thế hệ trẻ, khi họ không quan tâm làm phim về đề tài chiến tranh cách mạng, bởi họ không có thực tế, họ không có những trải nghiệm mất mát thì rất khó có những cái nhìn chân thực, xúc cảm để làm phim về chiến tranh.

PV: Được biết nghệ sĩ đang thực hiện bộ phim tài liệu để chào mừng 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và các ngày lễ lớn trong năm 2015, vậy nghệ sĩ có thể “bật mí” tác phẩm nghệ thuật của mình?

NSND Lê Thi:  Bộ phim có tựa đề “30-4 – Ngày chiến thắng” do NSƯT Phạm Minh Lợi viết kịch bản, tôi làm đạo diễn. Bộ phim nhìn lại sự kiện 30-4-1975, nhằm phân tích tình hình quốc tế và những bài học chỉ đạo trong chiến tranh, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc dưới cái nhìn đa chiều của cả phía ta, phía đối phương và những người Việt Nam từng đứng bên kia chiến tuyến, ý kiến của các chính khách và những nhà nghiên cứu lịch sử. Qua bộ phim, hồi ức của những tướng lĩnh cầm quân cũng sẽ góp phần làm sáng tỏ những sự kiện chiến trường dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thông minh, sáng tạo, quyết đoán, độc lập, tự chủ; sử dụng tổng hợp sức mạnh chính trị, quân sự, ngoại giao, sức mạnh 3 thứ quân, 3 vùng chiến lược, 3 mũi giáp công; kết hợp tiến công và nổi dậy, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với tinh thần ấy, toàn dân tộc Việt Nam đang hướng về mục tiêu lớn nhất: Bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ và lãnh hải, xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh.

PV: Xin cảm ơn NSND Lê Thi!

 VƯƠNG HÀ