QĐND - Không được quảng bá rầm rộ, hay cố tình gây nên những “cú sốc” để khán giả chú ý đến chương trình trong thời gian qua như The Voice-Giọng hát Việt, Vietnam Idol… Cuộc thi Piano quốc tế lần thứ II - Hà Nội diễn ra từ ngày 4 đến 11-9 với 54 tài năng âm nhạc đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ diễn ra khá lặng lẽ trong không gian của Học viện Âm nhạc quốc gia và hai đêm trao giải, công diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhưng NSND Đặng Thái Sơn-Giám đốc danh dự của cuộc thi nói rằng, ông thấy rất vui, dù “tiếng dương cầm lặng lẽ” nhưng Việt Nam đã tìm ra được những tài năng âm nhạc đích thực, bền vững cho một nền nghệ thuật Việt Nam đích thực.

Tiết mục biểu diễn của thí sinh tại Cuộc thi Piano quốc tế lần thứ II-Hà Nội

 

Hé lộ những tài năng

Tại cuộc thi Piano quốc tế lần thứ II - Hà Nội vừa được trao giải tối 12-9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Việt Nam đã có thí sinh bước lên bục nhận giải Nhất. Dù đây là giải Nhất duy nhất ở bảng A (10-13 tuổi)-dành cho thí sinh Phan Thiên Bạch Anh (10 tuổi, Học viện Âm nhạc quốc gia) trong tổng số thí sinh Việt Nam áp đảo về số lượng (41/54) cũng đã là niềm vui không nhỏ. Bởi so với lần thi đầu tiên tổ chức cách đây 2 năm, thì lần này Việt Nam đã có những bứt phá khi giành một số giải thưởng khác ở cuộc thi như: Nguyễn Thế Vinh đồng giải Nhì (bảng A), Đỗ Hoàng Linh Chi và Ngô Phương Vy giành giải của NSND Đặng Thái Sơn  và giải thưởng Hội Sopin Hà Nội.

Tuy các giải thưởng quan trọng ở bảng B (14-17 tuổi), bảng C (18-25 tuổi) thuộc về các thí sinh quốc tế, nhưng cũng đã khiến các thành viên BGK và BTC hài lòng. GS Trần Thu Hà, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi cho biết,  cuộc thi năm nay đã có chất lượng cao hơn hẳn so với lần trước. Xét về trình độ biểu diễn, chắc hẳn Việt Nam khó có thể so sánh và xếp đồng hạng được với các thí sinh đến từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc bởi ở các nước bạn, điều kiện cho việc học tập, biểu diễn và giáo viên hướng dẫn thí sinh đi thi hơn Việt Nam rất nhiều. Trong “sân chơi” quốc tế này, rõ ràng thí sinh Việt Nam thua thiệt, nhưng ở cuộc thi lần này, các thí sinh Việt Nam đã biết cách lựa chọn tác phẩm biểu diễn, trong quá trình thi không có “tai nạn” xảy ra như quên bài, dừng giữa chừng hay hồi hộp mà bỏ cuộc…“Ở bảng B, hai thí sinh của Việt Nam được giải của giám khảo (Đỗ Hoàng Linh Chi và Ngô Phương Vy) cũng mới 14, 15 tuổi, trong khi những thí sinh chiến thắng của nước ngoài đều 17 tuổi. Chúng ta hội nhập được như thế là điều đáng mừng rồi"-GS Trần Thu Hà cho biết.

Đánh giá của NSND Đặng Thái Sơn cũng cho rằng, về mặt tài năng thí sinh Việt Nam không thua kém so với các bạn quốc tế, thậm chí là hơn. Sự non kém hơn là tính chuyên nghiệp trong việc chuẩn bị, không biết chọn bài thích hợp, không chú trọng tới cảm xúc, màu sắc của từng nốt nhạc. Hơn thế, những thí sinh của Nhật Bản, Hàn Quốc tham gia cuộc thi lần này ở độ tuổi chín hơn so với Việt Nam như: Chon Sae Yoon và Kim Hye Jun (Hàn Quốc) đều 17 tuổi, phía Nhật có Jitsukawa Asuka 21 tuổi và Nakamura Fuyuko 19 tuổi. Với âm nhạc cổ điển, tuổi càng nhiều thì trình độ và kinh nghiệm càng dày dặn. Có thể hy vọng nhiều ở các tài năng trẻ trong lĩnh vực piano của Việt Nam

Tài năng cần được mài giũa

Việc cuộc thi có góp phần phát hiện, bồi dưỡng và giúp đỡ các tài năng trẻ Việt Nam tỏa sáng hay không cũng là điều khiến chúng ta quan tâm. Lưu Hồng Quang, thí sinh đoạt giải Ba bảng C, Cuộc thi Piano quốc tế lần I tại Hà Nội vào năm 2010, sau đó đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi Piano Lev Vlassenko và 4 giải phụ toàn châu Đại Dương dành cho lứa tuổi 16-30, diễn ra vào tháng 8-2011, đã chứng minh điều ấy. Bởi sau Cuộc thi Piano quốc tế lần I tại Hà Nội, Lưu Hồng Quang đã nhận được học bổng của NSND Đặng Thái Sơn và cơ hội 3 tuần học tập, giao lưu tại Nhật Bản. “Mỗi cuộc thi là chúng ta tìm ra được những viên đá quý, nhưng để nó tỏa sáng, óng ả và có giá trị thì cần phải được quan tâm, mài giũa”-NSND Đặng Thái Sơn nhắn nhủ với những người quan tâm đến bộ môn nghệ thuật cổ điển.

Thực tế, trường đào tạo âm nhạc của Việt Nam được đầu tư trang bị hiện đại so với nhiều nước trong khu vực, nhưng cái thiếu là sự giao lưu quốc tế. Tổ chức mỗi cuộc thi là cơ hội tốt để các thí sinh được giao lưu học hỏi, rút ra những kinh nghiệm cho mình. NSND Đặng Thái Sơn chia sẻ, cuộc thi chỉ là tham quan thôi. Còn muốn học hỏi người ta sự chuyên nghiệp thì Việt Nam cần phải tổ chức, hoặc tham gia các trại hè âm nhạc quốc tế; mời các thầy trong và ngoài nước mở ra các khóa học trao đổi về giảng dạy, biểu diễn… Điều quan trọng nhất, kinh nghiệm quý nhất mà không tốn tiền lại nằm ngay ở chính trong mỗi tài năng âm nhạc cổ điển, hãy tập trung cao độ khi đến với âm nhạc, tập nhạc. Thay vì đưa ra lịch tập 2 tiếng đồng hồ, mà phút chốc lại bận nhắn tin, điện thoại hay làm những công việc ngoài âm nhạc, thì hãy tắt điện thoại đi, tập trung tuyệt đối cho âm nhạc. Đó mới là cách làm chuyên nghệp để hướng tới những cuộc thi và biểu diễn chuyên nghiệp.

Chọn và dấn thân theo con đường nghệ thuật cổ điển lâu nay với các tài năng, nghệ sĩ của Việt Nam là điều không dễ dàng. Để được khẳng định tên tuổi ở các cuộc thi mang tầm cỡ quốc tế, hay lớn hơn là được mời biểu diễn trong những dàn nhạc quốc tế là ước mơ rất xa. Với công chúng Việt Nam hiện nay, những người chơi âm nhạc cổ điển vẫn được ví von như tựa một tác phẩm âm nhạc-“tiếng dương cầm lặng lẽ”, lặng lẽ trong các buổi tập luyện, lặng lẽ trong những không gian biểu diễn nghệ thuật sang trọng và lặng lẽ trong cả phát ngôn về mức thù lao.

Thời gian qua, đã có nhiều tổ chức, cá nhân nghệ sĩ kêu gọi các mạnh thường quân tổ chức các chương trình âm nhạc cổ điển mang tính xã hội hóa như Hòa nhạc LuaLa Concert hè phố Lý Thái Tổ, hòa nhạc Toyota cổ điển, hòa nhạc Toyota xuyên Việt, Hòa nhạc Berlin Philharmonic… Những nỗ lực đó ít nhiều đã mang  “sân chơi” đến  cho tài năng âm nhạc cổ điển, mang đến cho công chúng Việt Nam  những buổi diễn âm nhạc, những tác phẩm âm nhạc chuẩn mực, đỉnh cao. Qua đó cũng thấy rằng, luôn có những thế hệ tài năng âm nhạc Việt Nam hé lộ, và họ, dù cuộc sống có khó khăn, con đường nghệ thuật có chông gai thì bằng lòng nhiệt huyết với nghệ thuật vẫn luôn miệt mài, học tập và sáng tạo để cống hiến cho khán giả Việt Nam, nghệ thuật Việt Nam những tác phẩm, tiết mục biểu diễn có giá trị.

Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ