Thế nhưng bài toán bảo tồn và phát triển nhiều nghề thủ công vẫn gặp khó. Để giữ nghề, tăng giá trị sản phẩm cho nghề thủ công, không cách nào khác là truyền vào đó những ý tưởng sáng tạo, điều mà nhiều sản phẩm thủ công Việt Nam vẫn còn thiếu.
Hàng thủ công đi đâu, về đâu?
Ở thị trấn Sa Pa (Lào Cai), những em bé, những người phụ nữ dân tộc ngồi dọc hai bên đường bán các sản phẩm được làm từ vải thổ cẩm. Tuy nhiên, các sản phẩm từ loại vải này không thu hút nhiều sự chú ý của du khách. Thi thoảng, một vài người dừng lại xem nhưng rồi lại đi luôn. Các chị, các em vẫn nhẫn nại ngồi bán hàng. Nếu bán được một vài sản phẩm, họ cũng có thêm chút thu nhập cho mình và gia đình. Chúng tôi hỏi chị Đỗ Hằng Nga, du khách đến từ Hà Nội, khi thấy chị mua chiếc túi vải nhỏ với giá 40.000 đồng. Chị Nga cho biết: "Thực ra, tôi mua không phải để sử dụng mà chủ yếu là ủng hộ em bé bán hàng. Thực lòng, đến đây tôi rất muốn tìm mua được cho mình những sản phẩm chỉ có riêng tại địa phương, nhưng thật tiếc là ở đâu sản phẩm cũng na ná giống nhau. Lên đến tận Sa Pa mà mua sản phẩm cũng giống như ở Hà Nội thì chẳng còn điều gì thú vị".
 |
Bã mía được thiết kế thành đồ gia dụng đẹp mắt tại cuộc thi thủ công và thiết kế. |
Cũng giống như Sa Pa, ngay giữa Thủ đô, nhiều du khách cũng không biết chọn gì để mua về làm kỷ niệm bởi những thứ được bày bán ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh... không có gì độc đáo. Theo số liệu của Hội đồng Anh, giá trị hàng thủ công xuất khẩu của Việt Nam mỗi năm đạt khoảng 1,6 tỷ USD. Sản phẩm của các nhóm dân tộc thiểu số ở hầu hết các tỉnh miền Bắc Việt Nam hiếm khi được xuất sang các thị trường nước ngoài qua các kênh chính thức, mà phần lớn được bán làm quà lưu niệm giá rẻ cho khách du lịch. Chị Claire Driscoll, giáo viên tiếng Anh và cũng là người sáng lập không gian sáng tạo Work Room For tại Hà Nội, cho biết chị được học về nghề may và đã rất kinh ngạc khi thấy những chi tiết may, thêu tinh tế trên các sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam. Tuy nhiên, để cạnh tranh, Việt Nam cần có những người được đào tạo chuyên về mỹ thuật, nghệ thuật và thiết kế. Họ cần phải được học một cách chuyên nghiệp để có nền tảng kiến thức tốt. Khi được tiếp xúc với nhiều nền nghệ thuật khác nhau để có thêm chất liệu, họ sẽ ngày càng sáng tạo vì sáng tạo là luôn cần cái mới. "Như vậy, các bạn cần có cả chính sách để hỗ trợ sáng tạo cho những nghề thủ công truyền thống. Theo tôi, trước mắt cần có một bảo tàng đương đại ở Hà Nội”, chị Claire Driscoll nói.
Sáng tạo với thủ công truyền thống
Xuất phát từ những bất cập đó, Hội đồng Anh hợp tác cùng Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam tổ chức Cuộc thi Thủ công và Thiết kế với sự tham gia của 20 nhà thiết kế trẻ và chủ sở hữu doanh nghiệp Việt Nam. Thực chất đây là hoạt động hỗ trợ sáng tạo đối với chủ doanh nghiệp trẻ. Ông Danny Whitehead, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam cho biết: "Chúng tôi hợp tác cùng Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam để thực hiện và triển khai dự án này tại Việt Nam, với mục tiêu nhằm hỗ trợ phát triển chiến lược quốc gia của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Đặc biệt, dự án này đã quy tụ và kết nối các nhà thiết kế trẻ tuyệt vời, sáng tạo và năng động của Việt Nam với những nghệ nhân làm nghề thủ công truyền thống đầy kỹ năng điêu luyện. Bằng việc kết nối họ với nhau, chúng tôi hy vọng những nghệ nhân làm nghề thủ công truyền thống sẽ học hỏi thêm được về thiết kế hiện đại và các nhà thiết kế trẻ sẽ học hỏi được thêm về các kỹ năng và kỹ thuật làm nghề thủ công truyền thống”.
Phần nào biến mục tiêu thành hiện thực, các tác phẩm của cuộc thi dường như đã “nói hộ nỗi lòng” của nghề thủ công truyền thống Việt. Các sản phẩm thủ công được thổi hồn bằng các thiết kế hiện đại, bắt mắt và ấn tượng. Bà Britt Goodall, người sáng lập không gian sáng tạo Oi Soi Oi, chia sẻ rất ấn tượng với nhiều sản phẩm từ cuộc thi. Bà cho biết đã đặt mua ngay chiếc áo làm từ 100% chất liệu vải thổ cẩm của Mai Châu (Hòa Bình) do bạn Đỗ Thị Cúc thiết kế. Ngoài ra, khá nhiều sản phẩm gây ấn tượng tốt không chỉ đối với du khách, mà còn thuyết phục được các chuyên gia trong và ngoài nước, như: Bộ sưu tập của Vi Thị Thu Trang-một bộ sưu tập có sự kết hợp chất liệu vải lanh dệt tay truyền thống mang màu xanh nhuộm chàm đặc trưng của dân tộc Mông, với họa tiết lấy cảm hứng từ tranh Hàng Trống được vẽ bằng sáp ong; những bình hoa tre tinh tế, hiện đại dựa trên tay nghề của các nghệ nhân làng Bao La (Thừa Thiên-Huế) do Nguyễn Song Thanh Trâm thiết kế...
Tuy nhiên, điều chúng tôi băn khoăn là các cơ quan chức năng của Việt Nam tận dụng như thế nào những kết quả bước đầu này để thúc đẩy và lan tỏa cho ngành công nghiệp sáng tạo cũng như các sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam.
Bài và ảnh: HUY AN