Đây là sự kiện ý nghĩa, đúng vào dịp ngành Điện ảnh Việt Nam tổ chức các hoạt động chào mừng 65 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (15-3-1953/15-3-2018).
Phát biểu tại buổi lễ, bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh khẳng định: Cục Điện ảnh rất vinh dự được đón nhận bản sao Sắc lệnh 147/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng dịp kỷ niệm 65 năm xây dựng và phát triển của ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh Nhà nước chủ trương, định hướng xây dựng nền công nghiệp điện ảnh, đây chính là dịp để những người làm điện ảnh cùng nhìn lại quá khứ vinh quang để được khích lệ, động viên, thấy rõ trách nhiệm của mỗi người, quyết tâm tận dụng nguồn lực, vượt qua mọi khó khăn, duy trì đà phát triển của điện ảnh Việt Nam trong hành trình hội nhập.
 |
Lãnh đạo Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (bên phải) trao tặng bản sao Sắc lệnh số 147/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho lãnh đạo Cục Điện ảnh.
|
Ngay trong ngày đón nhận bản sao Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh giá trị này, các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam đang có chuyến đi về nguồn tại xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, nơi 65 năm trước Bác Hồ đã ký Sắc lệnh. Tại đây, các nghệ sĩ đã thăm hỏi, trình chiếu phim và giao lưu với chính quyền và nhân dân địa phương.
Trân trọng trao tặng phiên bản Sắc lệnh quý giá - có kèm theo chữ ký, dấu đỏ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho lãnh đạo Cục Điện ảnh, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước chia sẻ, bản gốc Sắc lệnh hiện được lưu trữ tại Kho Lưu trữ Trung tâm Lưu trữ quốc gia III thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. Ngoài Sắc lệnh này, tại các kho lưu trữ quốc gia thuộc đơn vị đang quản lý, còn bảo quản rất nhiều tài liệu liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, đặc biệt là những văn bản, hình ảnh thước phim gốc thể hiện sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành nói chung và các nghệ sĩ điện ảnh nói riêng. Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng cũng đề nghị Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, nơi vừa được Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng một kho lưu trữ khoa học kỹ thuật chuyên dụng và hiện đại, với chức năng nhiệm vụ mà Nhà nước giao phó, cần giữ mối liên hệ mật thiết với Cục Điện ảnh để phối hợp trong việc bảo quản những thước phim kinh điển của lịch sử điện ảnh nước nhà. Đồng thời sưu tầm tài liệu là những sản phẩm sáng tạo của các nghệ sĩ tên tuổi, đã cống hiến cho sự thành công của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam để bảo quản vĩnh viễn, phục vụ cho công tác nghiên cứu cũng như giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau. Mặt khác, trung tâm cũng cần chủ động tạo điều kiện cho các nghệ sĩ, các nhà đạo diễn được tiếp xúc với khối tài liệu là bản thảo những sáng tác kinh điển của các nhà văn, nhà biên kịch đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước mà Trung tâm đang bảo quản, từ đó, giúp các nghệ sĩ có chất liệu để xây dựng nhiều tác phẩm, nhiều bộ phim hay cho điện ảnh Việt Nam.
Tin, ảnh: VƯƠNG HÀ