QĐND - Dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là thời điểm hội tụ tinh hoa nghệ thuật cách mạng truyền thống quyện hòa cùng sắc màu đương đại. Cảm hứng từ chiến thắng vĩ đại của dân tộc tiếp tục được các nghệ sĩ khai thác, sáng tạo dưới góc nhìn, tư duy hiện đại. Sự kết hợp giữa các loại hình nghệ thuật và tính tương tác tích cực của truyền thông đã làm cho các giá trị truyền thống của dân tộc lan tỏa mạnh mẽ, lắng đọng sâu sắc…

Dấu ấn từ chương trình nghệ thuật đặc biệt

Điểm nhấn hoành tráng nhất của chuỗi hoạt động văn hóa - nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là chương trình nghệ thuật đặc biệt, chủ đề “Đất nước trọn niềm vui”, diễn ra đêm 30-4 tại khu vực tổ chức Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành, với sự tham gia của hơn 4000 nghệ sĩ, diễn viên quần chúng.

Đây là một trong những chương trình nghệ thuật quy mô lớn, quy tụ số lượng nghệ sĩ, diễn viên tham gia đông nhất trong 40 năm qua. Với kết cấu liên hoàn, bố cục chặt chẽ giống như một bản “sử ca”, kết hợp nhuần nhuyễn các loại hình nghệ thuật, đặc biệt là hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hiện đại…, chương trình đã làm thỏa mãn nhu cầu cảm thụ nghệ thuật, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với hàng ngàn khán giả trên các khán đài và đông đảo công chúng trước sóng truyền hình trực tiếp. “Đất nước trọn niềm vui” tái hiện sinh động chặng đường đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta từ năm 1954 đến mùa Xuân 1975; ca ngợi công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ; ca ngợi thành tựu xây dựng, đổi mới, hội nhập của đất nước 40 năm qua. Những trang sử vẻ vang của dân tộc từ đấu tranh chính trị chuyển sang giai đoạn kết hợp khởi nghĩa vũ trang; các phong trào nổi dậy ở khắp nơi chống chính quyền tay sai; sự đàn áp hà khắc và dã man của Mỹ-ngụy; các cuộc tổng tiến công và nổi dậy, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với bước tiến thần tốc, quyết thắng của Quân Giải phóng; cảnh non sông liền một dải, đất nước hát khúc khải hoàn thống nhất… được tái hiện sinh động. Nhiều phân đoạn diễn tả sống động, truyền cảm hứng lan tỏa mạnh mẽ khiến người xem đứng bật dậy hò hát, hô vang khẩu hiệu cùng hàng ngàn diễn viên. Phóng viên Quỳnh Nga (Báo Công an nhân dân) thốt lên: “Ngồi trên khán đài tác nghiệp mà chúng tôi phải nhảy cẫng lên hòa nhịp cùng sân khấu, ngỡ như mình đang được tràn xuống đường cùng thanh niên, học sinh, sinh viên biểu tình chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm từ hơn nửa thế kỷ trước…”. Nghệ sĩ Anh Bằng (TP Hồ Chí Minh), một trong những nghệ sĩ tham gia các chương trình nghệ thuật cách mạng truyền thống nhiều nhất vào dịp này, bày tỏ: “Được hát ở một sân khấu lớn, trong một sự kiện trọng đại của dân tộc là niềm hạnh phúc, tự hào to lớn của các nghệ sĩ. Tôi đã hát bằng cả trái tim với niềm xúc động dâng trào…”.

Một cảnh trong chương trình nghệ thuật đặc biệt “Đất nước trọn niềm vui”.

Cùng với Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành diễn ra buổi sáng và hoạt động bắn pháo hoa ở nhiều địa điểm trong thành phố; chương trình nghệ thuật đặc biệt “Đất nước trọn niềm vui” đã làm nên dấu ấn nghệ thuật đặc biệt của Ngày hội thống nhất non sông. Chuỗi hoạt động văn hóa-nghệ thuật chào mừng Ngày chiến thắng 30-4 khép lại ở cao trào, gợi mở những cảm hứng kế tiếp cho giới nghệ sĩ và lắng đọng tình cảm, niềm tự hào lớn lao, tri ân sâu sắc đối với quân, dân cả nước và du khách quốc tế!

Cảm hứng từ niềm tự hào và tri ân sâu sắc

Trước đêm 30-4, các hoạt động văn hóa-nghệ thuật chào mừng 40 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã diễn ra rộng khắp, trọng tâm là trong tháng 4. Nhìn lại chuỗi hoạt động có thể thấy quy mô của các chương trình, dự án, hoạt động nghệ thuật… diễn ra từ thấp đến cao, từ bề rộng đến chiều sâu, theo mạch cảm xúc của sự kiện lịch sử. Điều đáng nói là sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong chỉ đạo, tổ chức, điều hành… đã làm cho hoạt động của các loại hình văn hóa-nghệ thuật có sự gắn kết, tạo nên tính tương tác, hỗ trợ lẫn nhau tích cực. Trong các chương trình nghệ thuật trọng điểm, sự kết hợp, cộng hưởng của các loại hình nghệ thuật: Sân khấu, điện ảnh, hội họa, văn học… đã làm nên những “bữa tiệc” nghệ thuật hấp dẫn. Các ca khúc truyền thống ra đời trước, trong và sau ngày đất nước thống nhất đã được làm mới bằng những bản phối hiện đại, phần biểu diễn có sự kết hợp giữa các nghệ sĩ hai thế hệ, cùng với đầu tư dàn dựng hoành tráng, đã mang đến cho khán giả, nhất là khán giả trẻ sự cảm thụ hấp dẫn, mới mẻ trên nền bản sắc truyền thống. Với đặc thù trong sáng tạo, nghệ sĩ ở mỗi loại hình nghệ thuật có các hình thức tiếp cận, khai thác đề tài khác nhau. Nhà thơ Lê Quang Trang, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cho biết, dù không sôi động như các hình thức nghệ thuật trình diễn, nhưng đời sống văn học của TP Hồ Chí Minh và cả nước cũng đã để lại dấu ấn sâu sắc với nhiều tác phẩm có chất lượng. Một số dự án của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh chào mừng sự kiện đặc biệt này đã khởi động từ vài năm trước.

Điểm nhấn đáng chú ý của chuỗi hoạt động văn hóa hướng về Đại lễ 30-4 là sự thúc đẩy văn hóa đọc bằng các hoạt động tương tác mang màu sắc lễ hội. Các lễ hội “Đường sách”, “Hội sách”, “Ngày sách”… được tổ chức sinh động gắn với các hoạt động giao lưu, quảng bá… đã thu hút lượng bạn đọc lớn đến đọc sách, mua sách. Hàng trăm đầu sách về Đại thắng mùa Xuân 1975 đã được bán với số lượng lớn, chứng tỏ sức hút của mảng sách về truyền thống cách mạng trong bạn đọc trẻ hôm nay. Bà Nguyễn Minh Phương, đại diện Ban tổ chức Ngày sách Việt Nam (Sở Thông tin  và Truyền thông TP Hồ Chí Minh), cho biết: Để thu hút độc giả đến với mảng sách về đề tài chiến tranh cách mạng, cùng với nhiều hoạt động tương tác khác, Ban tổ chức Ngày sách Việt Nam đã phối hợp với Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức giao lưu tác giả, tác phẩm và nhân chứng lịch sử. Hình thức sân khấu hóa để quảng bá sách, thúc đẩy văn hóa đọc có tác dụng rất tích cực.

Nửa cuối tháng 4 là thời điểm các hoạt động văn hóa - nghệ thuật bước vào cao trào. Sự khởi sắc của điện ảnh ở đợt phim chào mừng 40 năm đất nước thống nhất, một phần quan trọng nhờ vào sự tương tác, cộng hưởng của các hoạt động quảng bá. Với 2 tác phẩm chính “Đường xuyên rừng” (phim truyện) và “Đỉnh cao chiến thắng” (phim tài liệu), cùng một số phim truyện điện ảnh đã công chiếu trước đó; đợt phim đã thổi một luồng gió mới về cách thu hút khán giả đến rạp. Xuất hiện cùng thời điểm với nhiều “siêu phẩm” điện ảnh “bom tấn” của Hô-li-út, nhưng phim về đề tài chiến tranh cách mạng vẫn thu hút được khán giả. Chưa có tổng kết cụ thể, nhưng đến thời điểm 2-5, các rạp vẫn còn nhiều suất chiếu “Đường xuyên rừng”, chứng tỏ sản phẩm điện ảnh về mảng đề tài này có sức hấp dẫn nhất định.

Hội họa, với cuộc thi và triển lãm tranh cổ động khá quy mô về Chiến thắng 30-4 cũng để lại dấu ấn tốt đẹp khi Ban tổ chức lựa chọn địa điểm triển lãm là Công viên 23-9 (TP Hồ Chí Minh), nơi tập trung nhiều du khách đến thưởng lãm. Nhiếp ảnh cũng vào mùa “bội thu” khi có đến cả chục cuộc triển lãm lớn nhỏ, đều tổ chức ở những địa điểm thuận tiện cho nhu cầu thưởng lãm của công chúng.

Cầu truyền hình là hình thức quen thuộc của các đài truyền hình lớn như VTV, HTV… trước các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Dịp này, với sự chuẩn bị chu đáo và đầu tư công phu, các cầu truyền hình có nhiều nét mới trong cách thức tổ chức, gắn quá khứ, hiện tại và tương lai đất nước thông qua ký ức của các nhân chứng, phóng sự truyền hình và các tiết mục nghệ thuật theo mảng đề tài đan xen, tạo cảm hứng mới mẻ cho người xem.

Đọng lại sau chuỗi hoạt động văn hóa-nghệ thuật chào mừng Ngày hội thống nhất non sông là sự lan tỏa những giá trị nghệ thuật truyền thống với niềm tự hào to lớn và tri ân sâu sắc, để cùng thắt chặt hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân, kề vai sát cánh dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…

Bài và ảnh: PHAN TÙNG SƠN