Theo NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: Trong tình cảnh cạnh tranh khốc liệt như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam lại bị chính Luật Điện ảnh “trói chân, trói tay”. Đơn cử như trong Luật Điện ảnh quy định phải có rạp chiếu mới được nhập phim, như vậy chỉ có lợi cho công ty nước ngoài. Sau khi xây dựng rạp, nhà đầu tư toàn quyền nhập phim ngoại về kiếm lãi. Bởi hiện nay, trên cả nước có 180 cụm rạp, trong đó 64% tổng số cụm rạp và 65,2% số phòng chiếu trên tổng số cụm rạp và phòng chiếu tại Việt Nam thuộc về hai Công ty TNHH CJ CGV và Lotte Cinema của Hàn Quốc (tính đến tháng 7-2019). Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam lo ngại, mỗi năm có hơn 250 phim ngoại nhập, đây là mối nguy cơ đe dọa văn hóa truyền thống: “Phim Việt ngày càng lép vế khi các cụm rạp bố trí giờ chiếu chưa phù hợp, đau khổ hơn là vào các khung giờ như 9 giờ sáng, 12 giờ trưa, chiếu các ngày trong tuần. Không có khách, phim đưa vào rạp rồi lại bị đưa ra”.
Trong 7 loại hình nghệ thuật, duy nhất đến nay nghệ thuật điện ảnh có luật riêng (năm 2006, sửa đổi năm 2009). Hiện Luật Điện ảnh (sửa đổi) đang trong giai đoạn lấy ý kiến. Ngành điện ảnh dự kiến trình Chính phủ xem xét hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) vào tháng 10-2019, với hy vọng luật sẽ được thông qua vào năm 2021. Tuy nhiên, tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cuối tháng 8 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, thời điểm 2021 mới thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) là khá muộn và chỉ sợ khi luật được thông qua lại lạc hậu so với thời cuộc.
Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia không chỉ băn khoăn về sự yếu thế của hệ thống cụm rạp “nội” so với hệ thống cụm rạp “ngoại”, mà còn bày tỏ sự đáng tiếc khi lĩnh vực công nghiệp giải trí như điện ảnh mang đầy màu sắc văn hóa, được nước ngoài quan tâm nghiên cứu và đầu tư, trong khi toàn bộ hệ thống chiếu phim ở các tỉnh, thành phố lại phải gộp vào các trung tâm thông tin văn hóa, nên điện ảnh Việt càng khó “sống”. Ông Nguyễn Danh Dương cho rằng, đây là điều đáng tiếc bởi nếu cứ duy trì tình trạng này thì chỉ trong 5-7 năm nữa việc số lượng các cụm rạp nước ngoài tại Việt Nam chiếm tới 90% là hoàn toàn có thể. Do vậy, việc tách riêng hoạt động của các trung tâm phát hành, chiếu phim ở các tỉnh, thành, không sáp nhập vào các trung tâm thông tin văn hóa là điều cần tính tới, cần phải sửa đổi trong luật lần này.
Nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, TS Ngô Phương Lan đề xuất bỏ quy định doanh nghiệp muốn nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim là rất quan trọng và cần phải tính đến phương án phát triển rạp chiếu của các công ty, đơn vị trong nước. TS Ngô Phương Lan cho rằng, nên đưa khái niệm thị trường điện ảnh vào luật để tránh độc quyền, tạo sự cạnh tranh lành mạnh. Đánh giá tính khả thi của chính sách đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, theo TS Ngô Phương Lan: “Việc phát triển điện ảnh không thể trông chờ nhiều vào phim Nhà nước đặt hàng. Nên khuyến khích các thành phần kinh tế, các nguồn vốn xã hội sản xuất những bộ phim theo mục tiêu Nhà nước đặt ra, hoặc những dòng phim khó như phim lịch sử, phim giáo dục truyền thống yêu nước, phim góp phần xây dựng đạo đức cho thanh thiếu niên nhi đồng… Bù lại, Nhà nước sẽ có cơ chế, chính sách ưu đãi cho các nhà sản xuất phim này”.
Khuyến khích các thành phần kinh tế xã hội sản xuất phim, thúc đẩy điện ảnh Việt phát triển là xu thế tất yếu, tuy nhiên nhiều hãng phim kêu khó do chính sách ưu đãi chưa nhiều. Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó tổng giám đốc Công ty BHD đề xuất: “Luật mới nên có những điều khoản cụ thể về ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất phim như ưu đãi lãi suất vay. Đầu tư hơn chục tỷ đồng làm phim mà “chết” thì không ai còn động lực tiếp tục nữa. Sản xuất phim lại không có cách nào vay vốn ở ngân hàng vì tài sản vô hình ở Việt Nam chưa được coi là tài sản”.
Theo ông Nguyễn Danh Dương, Luật sửa đổi cần có quy định rào cản chặt chẽ hơn, khống chế ngày, giờ vàng và tỷ lệ chiếu phim Việt. Cụ thể, tăng dần tỷ lệ phim Việt chiếu rạp theo Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến 2020, tầm nhìn 2030: Đến 2020 phải đạt ít nhất 35% số buổi chiếu phim truyện Việt Nam trên tổng số buổi chiếu phim tại rạp và năm 2030 ít nhất là 45%. Trong kế hoạch đặt hàng sản xuất phim, Nhà nước nên bố trí tỷ lệ kinh phí nhất định cho hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm (đặc biệt phim truyện) để góp phần nhanh chóng đưa những bộ phim đáp ứng định hướng công tác văn hóa, tư tưởng đến với khán giả.
CHÂU XUYÊN