Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trò chuyện với ông để ôn lại những năm tháng sống và chiến đấu trong lòng đất Củ Chi.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực (bên trái) được ví như “Cỗ máy phá tăng” ở cùng đất thép Củ Chi. 

Phóng viên (PV): Thưa ông, bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” được lấy cảm hứng từ chính cuộc sống chiến đấu của ông và đồng đội năm xưa. Theo ông, điều gì trong phim được thể hiện đúng và chân thực nhất?

AHLLVTND Tô Văn Đực: Sau khi xem phim, tôi thực sự xúc động. Những ký ức về thời chiến tranh khốc liệt trở lại rất rõ ràng. Dù nhiều đồng đội đã không còn, nhưng hình ảnh và tinh thần của họ vẫn mãi hiện diện trong tôi.

Bộ phim, dù chỉ tái hiện một phần nhỏ câu chuyện lớn của Củ Chi, đã thể hiện đúng tinh thần chiến đấu của người dân nơi đây trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Không khí ngột ngạt, gian khổ dưới lòng địa đạo được khắc họa rất chân thực. Thời đó, không có địa đạo, chúng tôi không thể sống sót. Mọi sinh hoạt từ ăn, ngủ đến chiến đấu đều diễn ra dưới lòng đất. Có lúc, chỉ mong được lên mặt đất vài phút để hít thở, uống chén trà, nhưng cũng không dám.

AHLLVTND Tô Văn Đực trong buổi ra mắt giới thiệu phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” .

Phim tái hiện được sự thật ấy, sự chịu đựng và ý chí bền bỉ của người dân và lực lượng du kích Củ Chi, không có sự tô vẽ hay lý tưởng hóa. Đó là điều tôi trân trọng nhất ở bộ phim này.

PV: Thưa ông, nhiều người gọi ông là “cỗ máy phá tăng” vì sáng chế ra loại mìn gạt nổi tiếng dù chỉ biết đọc viết cơ bản. Vậy điều gì đã giúp ông sáng tạo ra vũ khí?

AHLLVTND Tô Văn Đực: Năm 1962, tôi gia nhập lực lượng du kích xã Nhuận Đức, Củ Chi khi vừa tròn 20 tuổi. Vì có đam mê cơ khí, tôi được giao phụ trách xưởng sửa chữa vũ khí - thực chất chỉ là một lò rèn cũ với vài dụng cụ thô sơ.

Thời đó vũ khí vô cùng thiếu thốn, có nơi còn phải dùng kiếm để chiến đấu. Tôi tận dụng sắt vụn như mảnh bom, đường ray, ống thép… để chế tạo nòng súng, thân súng, cải tiến súng thu từ địch. Dù chỉ biết đọc viết cơ bản, tôi hình dung cơ cấu trong đầu rồi làm thử. Sau đó, mỗi người trong tổ công binh chế tạo được một khẩu súng trường, nhưng thời gian gần 1 tháng mới hoàn thành. Tôi còn nâng cấp khẩu K54 từ 8 lên 14 viên, chế tạo vũ khí phù hợp với các loại đạn thu gom từ chiến trường.

Ông Tô Văn Đực tại xưởng sửa chữa vũ khí. Ảnh tư liệu
 Tái hiện hình ảnh nguyên mẫu Tư Đạp trong phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối".

Đến 1966, khi xe tăng Mỹ càn quét dữ dội, lực lượng du kích gần như không có vũ khí chống tăng. Được một anh công binh cho mượn mìn cán, tôi đem thử nghiệm, thấy hiệu quả nên bắt đầu tự sản xuất. Ban ngày, tôi tranh thủ đi nhặt bom chưa nổ - có trái tới 300kg nằm sâu gần hai mét. Thấy nguy hiểm, tôi thường bảo mọi người lui ra, một mình xử lý. Có người nhìn thấy thì xót xa, bảo “anh này còn trẻ mà chết thế thì tội quá”.

Chính từ những quả bom ấy, tôi lấy thuốc nổ để chế tạo bom mìn cho du kích. Từ thực tế chiến đấu, tôi sáng chế ra mìn gạt - thứ vũ khí đã giúp ta hạ khoảng 5.000 xe tăng Mỹ. Có lần xe tăng trúng mìn, trực thăng bay xuống cứu, cánh quạt lại kích nổ mìn gài trên cây, khiến trực thăng cũng tan xác. Bom đạn đầy rẫy, nhưng có lẽ số phận cho tôi sống sót để kể lại những ngày ấy.

Người Mỹ không thể tưởng tượng được rằng một người nông dân Việt Nam lại có thể sáng chế ra loại vũ khí có thể tiêu diệt xe tăng như vậy. Tôi đã từng tiếp một phóng viên và một Trung tá, cựu binh Mỹ sang Việt Nam để tìm hiểu vì sao Mỹ lại thua. Tôi kể cho ông ấy nghe cách tôi làm. Nghe xong, ông ấy chỉ nói một câu: “Người Mỹ mà thua nông dân Việt Nam”.

PV: Ông cảm thấy thế nào khi các bạn trẻ ngày nay biết đến vùng đất thép Củ Chi qua bộ phim này?

AHLLVTND Tô Văn Đực: Tôi rất vui và xúc động khi thấy các bạn trẻ quan tâm, tìm hiểu về Củ Chi. Ngày đó, sống và chiến đấu dưới địa đạo, chúng tôi chỉ có ý chí và lòng yêu nước để vượt qua bom đạn. Nay thấy lớp trẻ tìm hiểu lịch sử qua phim ảnh, tôi cảm thấy sự hy sinh của thế hệ chúng tôi không bị lãng quên.

 Diễn viên Quang Tuấn vào vai Tư Đạp, người anh hùng, "cỗ máy phá tăng" ở địa đạo Củ Chi.
Phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" phác họa nên những chiến sĩ dũng cảm chiến đấu dưới lòng đất. 

Điều tôi mong các bạn trẻ hôm nay học được, không phải chỉ là chuyện chiến tranh, mà là tinh thần dũng cảm, ý chí vượt khó, đoàn kết và yêu nước. Trong thời bình, những giá trị ấy vẫn còn nguyên ý nghĩa, để xây dựng đất nước ngày một phát triển và vững mạnh hơn.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

HÀ VƯƠNG - PHẠM THỨ (thực hiện)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.