QĐND Online – Khách tham quan Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, sáng 18-5 đã được tận mắt chứng kiến cán bộ bảo tàng thực hiện các công tác bảo quản, làm sạch hiện vật; cũng như có dịp trao đổi cùng họ những khó khăn và thách thức đối với công tác này trong ngành bảo tàng.

Cán bộ phòng Bảo quản hướng dẫn khách tham quan cách sửa chữa hiện vật bằng vải

 

Đây là hoạt động nhân ngày Quốc tế bảo tàng 18-5, hưởng ứng phát động của Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM) với chủ đề Bảo tàng trong một thế giới đang thay đổi: Thách thức mới, nguồn cảm hứng mới.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Mai, Trưởng phòng Bảo quản Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ: công tác bảo quản là một trong những hoạt động quan trọng của ngành bảo tàng, tuy nhiên ở Việt Nam công tác này còn yếu và gặp nhiều khó khăn về kinh phí. Những hiện vật (gỗ, vải, kim loại, ảnh…) rất nhạy cảm với côn trùng, nấm mốc, thời tiết. Do vậy công tác bảo quản phải luôn duy trì nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng theo tiêu chuẩn để những yếu tố này không tác động vào hiện vật, nhất là hiện vật bằng vải.

Để trưng bày được 50 hiện vật bằng vải, 6 cán bộ phải làm việc liên tục trong một tháng để gia cố, sửa chữa những vết rách, bục do tác động thời tiết. Có những hiện vật như bộ Khố chì của người Kơ-Tu, hoa văn là những hạt chì bị vỡ do oxy hóa, cán bộ bảo quản chỉ có thể mang hiện vật về kho bảo quản, không có điều kiện mời chuyên gia tới khôi phục… Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Mai cho biết thêm.

Bên cạnh hoạt động giao lưu với những người làm công tác bảo quản, khách tham quan còn được hướng dẫn hướng dẫn cách làm sạch đồ vải bằng phương pháp xử lý khô, nhận biết chất liệu vải, cách sửa và vá quần áo.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ tặng quà cho 90 khách tham quan khi mua vé vào cửa; thuyết minh miễn phí (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp) cho du khách. Hoạt động này sẽ diễn ra trong cả ngày 18-5.

 

Tin, ảnh: Thu Hà