Không ngừng đổi mới đáp ứng nhu cầu con người

Sự ra đời của kỹ thuật in ấn ở thế kỷ 15 là điều kiện thúc đẩy vẽ minh họa đi kèm nội dung viết, việc bổ sung hình minh họa vào các bài viết được in trên sách báo giúp con người dễ tiếp nhận thông tin. Đến thế kỷ 19, sự cải tiến trong kỹ thuật in và sản xuất giấy đã giúp cho việc in dễ dàng hơn, các nhà xuất bản đã thêm nhiều hình ảnh minh họa vào sách, báo. Đến thế kỷ 20, nhiếp ảnh màu phát triển, thay thế nhiều vị trí của tranh minh họa trong hàng loạt tạp chí, sách báo, nhưng nghệ thuật minh họa vẫn giữ một vị trí nhất định và vẫn còn giá trị đến ngày nay.

Việt Nam, mặc dù từ thời nhà Lý đã có bản khắc in kinh, đến thời Hồ Quý Ly đã in tiền giấy và xuất hiện minh họa trong ghi chép lịch sử. Nhưng nghệ thuật minh họa Việt Nam được đánh dấu về niên đại đi kèm với sự phát triển của báo chí, khi tờ báo đầu tiên (Gia Định báo) được xuất bản vào năm 1865, vai trò quan trọng của tranh minh họa làm nên sự sống động và thành công của các ấn phẩm báo chí bên cạnh truyện, sách báo, văn học... Ngoài ra, bộ tranh “Đại phục của triều đình An Nam” do họa sĩ Nguyễn Văn Nhân vẽ vào năm 1902, gồm 54 bức vẽ minh họa bằng màu nước trên giấy, hay cuốn sách “Kỹ thuật của người An Nam” của Henri Oger với hơn 4.000 bức tranh được thực hiện vào năm 1908-1909 bởi các họa sĩ, nghệ nhân người Việt vẽ và khắc gỗ để in minh họa. Đây là những tác phẩm tạo nên dấu mốc quan trọng thường được nhắc đến trong lịch sử phát triển nghệ thuật minh họa của người Việt.

leftcenterrightdel
Minh họa "Thủ đô thức giấc" của họa sĩ Phạm Thành Chung được đặt ở các gian hàng thương hiệu Adidas. Ảnh do họa sĩ cung cấp. 

Việc phát minh ra máy tính bảng, điện thoại thông minh, màn hình cảm ứng... cùng nhiều công nghệ hiện đại khác trong những thập kỷ qua, dẫn đến sự thay đổi của hình thức đọc, xem thông tin, thưởng thức tác phẩm nghệ thuật. Từ đó, các loại hình minh họa kỹ thuật số trở thành một trong những xu hướng sáng tác, thiết kế mỹ thuật. Thiết kế và minh họa sách, truyện cũng như các nội dung truyền thông được sử dụng phương tiện công nghệ kỹ thuật số không chỉ thể hiện sự độc đáo, phù hợp với xu thế thời đại mà còn khởi đầu cho kỷ nguyên mới của những ý tưởng nghệ thuật và ứng dụng trong đời sống. Họa sĩ sử dụng máy vi tính, bảng vẽ điện tử để vẽ tranh, sử dụng nhiều công cụ hỗ trợ, giúp cho tác phẩm có chất lượng sắc nét và tính ứng dụng cao hơn. Nghệ thuật minh họa không chỉ giới hạn ở các sản phẩm in ấn mà còn được sử dụng ở nhiều lĩnh vực. Từ việc trang trí bao bì sản phẩm, quảng cáo cho đến thiết kế thời trang, giao diện người dùng, tạo concept art (nghệ thuật ý tưởng/ý niệm) cho các sản phẩm đồ họa hay phim ảnh, trò chơi điện tử...

Kỹ thuật làm minh họa có sự thay đổi ngoạn mục trong thời kỳ phát triển công nghệ. Trước đây, các họa sĩ thường dùng giấy, màu, bút vẽ... thì trong kỷ nguyên số, các họa sĩ đã dần làm quen với phương tiện kỹ thuật số mô phỏng những chất liệu sáng tác cùng sự trợ giúp của các phần mềm 2D và 3D như Photoshop và 3DsMax, 3D Maya... Vì vậy, các họa sĩ minh họa có thêm phương tiện dễ dàng thử nghiệm thêm nhiều phương án. Nếu minh họa truyền thống thường được gọi tên theo chất liệu thể hiện như: Khắc gỗ, khắc kim loại, in thạch bản, minh họa bằng bút chì, than, bút mực, màu nước, bột màu, hay acrylic... thì nhóm minh họa theo phong cách hiện đại thường được phân chia theo thể loại: Minh họa bằng ảnh ghép, concept art, truyện tranh, tiểu thuyết hình ảnh, minh họa sách báo/tạp chí/ấn phẩm, minh họa bao bì sản phẩm/quảng cáo, logo và thiết kế biểu tượng...

Yếu tố sáng tạo mang tính quyết định

Đặc trưng của nghệ thuật minh họa thể hiện ở mục tiêu chính của tác phẩm minh họa là giải thích-một hình ảnh minh họa thay thế được rất nhiều lời diễn tả, được tạo ra cho nhu cầu quảng bá của một mặt hàng cụ thể hoặc làm rõ thêm các nội dung trên báo hay tạp chí. Nó là một sản phẩm nghệ thuật diễn đạt thay thế trực quan cho một văn bản, một khái niệm hoặc một quy trình. Tác phẩm minh họa được tích hợp trên các ấn phẩm xuất bản như áp phích, tờ rơi, tạp chí, sách, tài liệu giáo khoa, hay trong các phim hoạt hình và trò chơi điện tử. Minh họa ban đầu chú trọng vào tính chân thực, đơn giản vì không có các phương tiện hiện đại như máy ảnh để chụp lại cảnh hay người thực. Tuy nhiên, với sự ra đời và phát triển của ngành nhiếp ảnh, qua thời gian, các họa sĩ vẽ tranh minh họa đã có những hướng vận dụng sáng tạo mới, làm nên những tác phẩm tranh minh họa có tính độc đáo, phong cách cá nhân và kích thích trí tưởng tượng của người nhìn hơn.

Để trở thành họa sĩ minh họa chuyên nghiệp, ngoài niềm yêu thích và đam mê hội họa, có tâm hồn nghệ thuật và luôn bay bổng, thì việc trau dồi các kỹ năng và xu hướng minh họa trong lĩnh vực nghệ thuật minh họa là điều cần thiết. Mỗi họa sĩ phải tìm hiểu về lý thuyết màu sắc, phong cách vẽ để sử dụng cũng như tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm trong minh họa truyền thống và minh họa hiện đại.

Để hình ảnh minh họa hấp dẫn, tạo nên nhân vật sống động hoặc thể hiện hình ảnh thương hiệu hấp dẫn, không chỉ đòi hỏi khả năng vẽ, phác thảo, tô màu của họa sĩ minh họa mà còn cần có sự tinh tế trong quan sát và cảm nhận cảnh vật xung quanh. Điều quan trọng nhất trong sự nghiệp họa sĩ có lẽ nằm ở sự kiên trì và chăm chỉ, bởi đây không phải là ngành nghề có thể thành thạo trong ngày một ngày hai. Giống như tất cả các ngành công nghiệp sáng tạo, xây dựng được phong cách riêng trong minh họa là rất quan trọng đối với mỗi họa sĩ. Muốn làm được điều đó, mỗi họa sĩ phải luôn tìm hiểu tất cả các kỹ thuật tạo hình, bố cục, phong cách minh họa và lấy cảm hứng từ các họa sĩ minh họa nổi tiếng tạo ra. Từ những hình ảnh biểu cảm của các yếu tố tự nhiên, sự phát triển đến những miêu tả tinh tế về cuộc sống hằng ngày, sự cố gắng, sáng tạo khi gặp phải những nội dung cốt truyện, tản văn hay thơ mang tính ẩn dụ. Chẳng hạn, để châm biếm về hình ảnh một thầy phù thủy dởm, họa sĩ Nguyễn Thành Phong đã vẽ minh họa bìa cho truyện tranh “Phù thủy sợ ma” bằng hình ảnh một ông thầy đang thể hiện sự múa may, của người không hiểu về pháp thuật của thầy cúng thực sự, cũng đồng thời hàm chứa dáng điệu như của một người sợ hãi và đang bỏ chạy. Chỉ có một hình ảnh này trên bìa nhưng đã đủ tạo sự hấp dẫn bởi nhân vật sống động cùng hình ảnh truyền tải tính ẩn dụ của cốt truyện.

Đôi khi gặp một số minh họa rất khó thể hiện, phải tìm tòi tài liệu, trau chuốt hình họa mất khá nhiều thời gian, cho đến khi tác phẩm được hoàn thiện. Ngoài ra, để thành công trong lĩnh vực nghệ thuật minh họa thời kỹ thuật số, cần có nhiều kỹ năng như: Kỹ năng phác thảo, tinh tế trong lựa chọn màu sắc, sự am hiểu về lịch sử, văn hóa, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng chụp ảnh, khả năng sử dụng thành thạo các công cụ thiết kế. Họa sĩ có thể xây dựng phong cách riêng, trau dồi khả năng quản lý dự án, thực hiện những suy nghĩ sáng tạo, biết cân bằng giữa thị hiếu chung của người xem với bản sắc cá nhân của riêng mình... Như minh họa “Thủ đô thức giấc” của Phạm Tiến Chung-minh họa một buổi sáng tại Hà Nội ngập tràn không khí thể dục-thể thao của thủ đô ngàn năm văn hiến, thông qua Cuộc thi “Đồng Thanh” của thương hiệu nổi tiếng Adidas. Tác giả đã phải cân nhắc lựa chọn hình ảnh, màu sắc từ những yếu tố văn hóa đặc trưng của cảnh vật, con người nơi đây để tạo nên tác phẩm. Thành công này cũng khẳng định một chuỗi những tác phẩm mà Phạm Tiến Chung theo đuổi khai thác yếu tố truyền thống đưa vào thiết kế. Từ đó, họa sĩ đã xây dựng thành công phong cách riêng mình trong lĩnh vực minh họa bởi sự cân bằng giữa thị hiếu chung với bản sắc cá nhân.

Tại Việt Nam hiện nay, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đang là xu thế tất yếu. Cả 12 ngành công nghiệp văn hóa đang trong quá trình phát triển đều cần sự đóng góp của nghệ thuật minh họa; mở ra cơ hội phát triển của ngành thiết kế, mỹ thuật nói chung và của nghệ thuật minh họa nói riêng. Lấy ví dụ, Lễ hội thiết kế và sáng tạo Hà Nội 2023 đã thành công tái thiết các di sản công nghiệp có phần đóng góp quan trọng của các thiết kế có tính chất minh họa. Hiệu ứng của sự kiện này tạo nên không khí sáng tạo bao trùm toàn thành phố, cho thấy cơ hội về việc làm cũng như sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai của nghệ thuật minh họa trong việc tạo nên những tác phẩm minh họa về Hà Nội, chứa đựng bản sắc văn hóa đồng thời được tạo nên bởi những ngôn ngữ nghệ thuật đặc sắc của nghệ thuật minh họa.

Có thể nói “đất diễn” của nghệ thuật minh họa chưa bao giờ có nhiều cơ hội phát triển đa dạng như hiện nay. Hiện nay chính là thời điểm vàng để các nghệ sĩ thăng hoa sáng tạo, khẳng định tên tuổi cá nhân, đóng góp cho văn hóa, văn nghệ của đất nước.

PGS, TS QUÁCH THỊ NGỌC AN - TS PHẠM PHƯƠNG LINH (Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.