Qua đó góp phần tôn vinh tài năng của những người thợ thủ công truyền thống không chỉ riêng Huế mà trên khắp mọi miền đất nước.
So với những lần trước, Festival nghề truyền thống Huế 2019 kéo dài hơn 2 ngày (diễn ra 7 ngày, từ 26-4 đến 3-5). Lý giải về việc tăng thời gian tổ chức, bà Phạm Thị Quỳnh Dao, Phó trưởng Ban tổ chức Festival nghề truyền thống Huế 2019 cho biết, cần thời gian đủ dài để du khách trải nghiệm, các nghệ nhân giới thiệu tay nghề và những sản phẩm tâm huyết. Không chỉ vậy, đây cũng là cơ hội để nâng cao hiệu quả kinh tế thông qua việc các làng nghề giới thiệu và bán được nhiều sản phẩm hơn cho du khách. Qua thống kê của UBND TP Huế, kỳ Festival nghề truyền thống Huế năm 2017 đã đón 170.000 lượt khách, trong đó lượng khách lưu trú đạt khoảng 70.000 lượt người (tăng 13% so với kỳ lễ hội trước đó); việc tăng thêm 2 ngày tổ chức được TP Huế kỳ vọng lễ hội lần này sẽ thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tham gia, qua đó quảng bá hình ảnh thành phố văn hóa du lịch đến cộng đồng, bởi đây là dịp gắn với nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa của địa phương, như: Kỷ niệm 230 năm Nguyễn Huệ đại thắng quân Thanh (1789-2019), 120 năm vua Thành Thái ban Dụ thành lập thị xã Huế (1899-2019), kỷ niệm 120 năm xây dựng chợ Đông Ba và cầu Trường Tiền…
 |
Nghề làm hoa giấy của người dân Thanh Tiên (huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) góp phần mang đến sức hấp dẫn của các kỳ Festival nghề truyền thống Huế. |
Không gian trình diễn của Festival nghề truyền thống Huế 2019 không chỉ ở ven bờ nam sông Hương, mà còn trải dài sang phía bờ bắc, góp phần kết nối các điểm nhấn của sông Hương đoạn qua trung tâm thành phố với hình thức trang trí mang tính nghệ thuật, như: Không gian tôn vinh nghệ nhân và làng nghề; không gian giới thiệu sản phẩm truyền thống của các thành phố quốc tế; không gian sen và thổ cẩm; không gian lụa và áo dài; không gian đông y; mây tre đan… Nhiều lễ hội đặc sắc được các nghệ nhân trình diễn: Lễ tế tổ bách nghệ, lễ rước; lễ hội áo dài; lễ hội ẩm thực… Các hoạt động văn hóa cộng đồng hấp dẫn, sôi động, như: Lễ hội khinh khí cầu quốc tế, liên hoan sắc màu tuổi thơ, triển lãm nghệ thuật ở các bảo tàng, trung tâm văn hóa và nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật dành cho giới trẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Huế, mục đích Festival nghề truyền thống Huế 2019 hướng đến là tiếp tục tổ chức một lễ hội quy mô, tầm cỡ quốc gia và mang yếu tố quốc tế, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh thành phố Huế; phát huy thương hiệu và vị thế của Huế-Thành phố Festival, đồng thời góp phần tích cực vào việc khôi phục, hỗ trợ và phát triển làng nghề truyền thống, làng nghề và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu. Những điều này đã được chứng minh, sau mỗi kỳ Festival, các nghề và làng nghề truyền thống ở địa phương có nhiều triển vọng hồi sinh, phát triển rõ rệt, cụ thể như nghề pháp lam; nghề chế tác nhà rường; nghề may (may áo dài truyền thống); làng nghề đúc đồng Phường Đúc với các sản phẩm lư, chuông, tượng, hàng mỹ nghệ lưu niệm; nghề thêu tranh ở phố Phan Đăng Lưu, Hùng Vương, Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, tranh thêu XQ Cổ Độ; tranh làng Sình; nón lá Mỹ Lam; gỗ mỹ nghệ Mỹ Xuyên; gốm Phước Tích; hoa giấy Thanh Tiên; giấy trúc chỉ... Festival nghề truyền thống Huế đang dần khẳng định “thương hiệu”, bởi năm nay đã có hơn 350 nghệ nhân, 62 cơ sở sản xuất và làng nghề của Huế và 12 tỉnh, thành phố trong cả nước, cùng 17 đoàn khách quốc tế đến từ 11 quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ…có mối quan hệ kết nghĩa với TP Huế đã đăng ký tham gia.
Bài và ảnh: CHÂU XUYÊN