QĐND - Những người nghiền truyện chưởng Kim Dung đều biết đến một mô típ quen thuộc trong truyện của ông, ấy là các nhân vật anh hùng kiểu như Lệnh Hồ Xung, Quách Tỉnh… thành danh chỉ sau một thời gian ngắn. Đại loại như do một may mắn (hay bất hạnh) nào đó, bị thầy trách phạt nhốt vào động đá hay bị lừa xuống dưới hiểm địa, thế rồi bất ngờ gặp đại cao nhân chỉ giáo, học được những công phu tuyệt kỹ và rồi khi quay lại chốn giang hồ, chỉ qua vài ba cuộc giao đấu với những bậc cao thủ sẵn có, là đã có thể trở thành giáo chủ môn phái hay Thiên Hạ Đệ Nhất Cao Thủ!

Kim Dung giải thích những hiện tượng đó ở một chữ “duyên”.

Đấy có lẽ cũng là giấc mơ của không ít người Việt Nam khi chứng kiến những trồi sụt của bóng đá Việt Nam trong mấy thập niên qua.

Nằm trong “vùng trũng” của bóng đá thế giới, bóng đá Việt Nam không thiếu nhân tài, được Nhà nước và xã hội hết sức quan tâm chăm sóc (có thể nói là vào bậc nhất trong số các môn thể thao), lại được tựa vào một bệ phóng vững chãi là sự đam mê vô bờ bến của hàng triệu cổ đông viên nước nhà. Vậy nhưng bóng đá Việt Nam vẫn chỉ mang lại nhiều thất vọng cho người hâm mộ. Ngay cả chỉ thi đấu với các đối thủ cùng khu vực, những danh hiệu mà bóng đá Việt Nam gặt hái được trong mấy chục năm qua vẫn hiếm như lá mùa thu, như sao buổi sớm.

Đã có nhiều lý giải cho sự thất vọng ấy mà một căn nguyên cơ bản được chỉ ra là căn bệnh thành tích, chỉ muốn hái quả chứ không chịu trồng cây, “xây nhà từ nóc”… Nói cách khác, khi được tung vào chốn giang hồ để gặp những cao thủ võ lâm, bóng đá Việt Nam vừa thiếu công lực (do nền tảng thể lực yếu), vừa không tuyệt kỹ (không có phương pháp hiện đại đào tạo kỹ, chiến thuật cho cầu thủ từ nhỏ) nên “chưởng lực” hơi bị yếu!

Cho đến lứa U.19 hiện nay xuất hiện, với nòng cốt là quân của Học viện HA.GL Arsenal JMC kết hợp với các cầu thủ xuất sắc ở một số câu lạc bộ khác, thì người xem Việt Nam, sau một khoảng thời gian rất dài, mới tìm lại được cảm giác hân hoan, sung sướng khi chứng kiến họ đối đầu với những cầu thủ cùng lứa, đến từ các nền bóng đá hiện đại trong khu vực.

Nhưng không giống các anh hùng trong truyện chưởng Kim Dung, U.19 hiện tại không phải thành danh chỉ sau một đêm. Để rèn “chưởng lực”, các cầu thủ của Học viện HA.GL Arsenal JMC đã phải mất tới 7 năm ăn tập cùng nhau, thuộc từng nết ăn nết ở của nhau để có thể hiểu tường tận từng bước chạy trên sân cỏ. Rồi còn học văn hóa, học đạo làm cầu thủ tử tế, học ngoại ngữ, cách ứng xử với truyền thông…Tất cả những cái đó được trui rèn qua năm tháng. Danh hiệu chưa có, nhưng ít nhất người xem Việt Nam cũng có được cảm giác yên tâm khi chứng kiến các cầu thủ của mình giao đấu với các cao thủ võ lâm trong thiên hạ.

Tại Vòng chung kết U.19 châu Á, U.19 Việt Nam gặp phải 3 đối thủ là U/19 Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, đều là những bậc cao thủ có “chưởng lực” kinh hồn cả! Nhiều người trong số đó thậm chí đã thi đấu trong các đội hình B ở những câu lạc bộ hàng đầu châu Âu. Dĩ nhiên là trước những cao thủ võ lâm như vậy, khả năng của U.19 Việt Nam có thể gây bất ngờ hầu như rất nhỏ. Chỉ có thể hy vọng vào những đột biến thôi, bởi “chưởng lực” của U.19 Việt Nam vẫn còn non lắm.

Còn lại thì trông chờ vào một chữ “duyên”.

YÊN BA