QĐND - Trong bài Cách mạng, trăng và thơ in Văn nghệ quân đội số 724, tháng 5-2011, nhà văn Hoàng Quảng Uyên viết: Theo hồi ký của các đồng chí sống gần Bác ở Khau Tý thì Bác viết bài “Cảnh khuya” vào cuối thu năm 1947. Lúc này cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã bước qua năm thứ 2 và có nhiều thử thách gian nguy mới.
Giữa chiến khu Việt Bắc, trong bộn bề công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn có những phút giây lắng lại với thơ và đã để lại cho đất nước những thi phẩm giàu chất trữ tình và lòng yêu nước mà Cảnh khuya là một ví dụ.
CẢNH KHUYA
Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Bài thơ tứ tuyệt chỉ bằng mấy nét chấm phá thôi mà bao nhiêu điều lớn lao được gợi mở: này là thiên nhiên, này là con người, này là tâm, là trí, là tình của lãnh tụ - nhà thơ…Một sự hài hòa, giao thoa tuyệt vời giữa cảnh với người, giữa chủ thể với khách thể, giữa thi-họa-nhạc để tạo nên một tác phẩm thơ hay.
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Khởi đầu là một sự nghe. Nghe tiếng suối rừng chảy trong đêm khuya khoắt. Đêm rừng tĩnh mịch sâu lắng nên tiếng suối vọng vào càng rõ, càng trong, càng hay. Nhà thơ Hồ Chí Minh nghe tiếng suối khuya bằng tâm hồn nên mới lắng hết tiếng hát xa của dòng nước trong nguồn chảy ra. Tiếng hát xa ấy là giai điệu trong trẻo của núi rừng, của đất nước và sao ta không nghĩ đó là tiếng mẹ hát ru thời ấu thơ nhỉ. Từ "xa" biểu thị khoảng cách không gian nhưng trong hoàn cảnh nào đó thì nó cũng có thể là thời gian đã qua. Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra (Ca dao). Tuổi thơ đã xa nhưng những kỷ niệm về mẹ vẫn còn vẹn nguyên da diết hiện lên cùng tiếng suối đầu nguồn. Âm a trong từ xa mở ra sự mênh mang và lan tỏa. Thanh điệu cũng ngân nga như dòng nhạc tuôn ra nhịp nhàng man mác. Tiếng (trắc) suối (trắc) trong (bằng) như (bằng) tiếng (trắc) hát (trắc) xa (bằng): trắc/ trắc/ bằng/ bằng/ trắc/ trắc/ bằng. Lòng người thanh cao sáng ngời, không hề vẩn đục mới nghe được tiếng suối trong như tiếng hát xa như thế. Tiếng suối trong như tiếng hát xa ấy là “điệu tâm hồn” thiết tha của nhà thơ Hồ Chí Minh, là bản nhạc ngân lên từ trái tim Người.
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
Trăng, cây, hoa. Những đối tượng miêu tả quen thuộc trong thơ cổ. Có thể là cảnh thực, có thể là ước lệ. Trong Cảnh khuya thì đó là thực nhưng cái thực đã được ảo hóa và mang nét riêng gần gũi. Hầu như không có sự ngăn cách xa biệt nào giữa người với cảnh. Trong cảnh có tình người, sâu sắc thương mến lắm. Thế mới có sự chan hòa đồng điệu giữa trăng và cổ thụ, bóng và hoa. Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa. Từ lồng đắc địa vô cùng. Xưa - nay, cũ - mới, thực - ảo lồng vào nhau; trời đất - cây cỏ - con người lồng vào nhau trong sự thân thiện ấp iu chia sẻ đồng cảm. Toát lên cái vị thế của chủ thể từ sự thấu hiểu được mối quan hệ Thiên - Địa - Nhân khi vận dụng suy xét vào cái Thời - Lợi- Hòa của cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc ta. Tuy nhiên, đây không phải là kiểu thơ tức cảnh sinh tình bởi lòng yêu nước thương dân đã có sẵn trong Bác. Cảnh khuya chỉ là cái nền để Người thổ lộ tấm lòng của mình đối với Tổ quốc, với đồng bào yêu dấu mà thôi.
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Hai câu thơ cuối cho ta thấy rõ hơn, sâu hơn cái Tâm ngời sáng của lãnh tụ. Bác đã có bao đêm không ngủ vì thương nước, thương dân. Trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, Bác đã từng Một canh, hai canh lại ba canh/ Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành/ Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt/ Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh. Hình ảnh đất nước, dân tộc, nhân dân luôn ở trong trái tim Hồ Chí Minh. Lo cho dân tộc được hòa bình, độc lập tự do, lo cho mỗi người dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc ai cũng được học hành là nỗi lo lớn nhất canh cánh trong lòng Bác.
Cảnh khuya hiện ra mồn một như sự thao thức của lãnh tụ, là bức tranh vẽ tâm trạng của Người. Cuộc kháng chiến kiến quốc của dân tộc đang ở trong giai đoạn cam go. Hai câu thơ cuối là sự trở lại với thực tại cuộc sống. Nỗi nước nhà vẫn là mối lo toan lớn nhất của Người, không chỉ một đêm, không chỉ một ngày mà suốt cả cuộc đời Hồ Chí Minh. Câu thơ cuối cùng không phải là sự lý giải mà đó là tấm lòng của Bác, một Con Người viết hoa như Tố Hữu đã ca ngợi: Bác sống như trời đất của ta/ Yêu từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa/ Tự do cho mỗi đời nô lệ/ Sữa để em thơ, lụa tặng già…
NGUYỄN HỮU QUÝ