QĐND - Những năm trở lại đây, cái tên Bùi Tuấn Dũng được người yêu điện ảnh nhớ đến cũng như giới làm phim nhắc nhiều trong những hoạt động có liên quan đến loại hình nghệ thuật thứ 7. Bùi Tuấn Dũng không chỉ là một gương mặt đạo diễn trẻ (thế hệ 7X) liên tục trình làng những tác phẩm điện ảnh, đặc biệt hơn, đó lại là những tác phẩm điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng, nhân vật lịch sử-thể loại mà những nhà làm phim trẻ hiện nay còn rất e ngại.
Phóng viên (PV): Khi nhận kịch bản phim tái hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Thầu Chín ở Xiêm”, anh có lo lắng nhiều?
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Tôi lo nhiều lắm chứ. Bởi lâu nay đề tài về chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là thách thức với bất kỳ người nghệ sĩ nào, đặc biệt là giới làm phim. Tìm cách kể về Bác thế nào để đúng với lịch sử, thuyết phục và tạo sự xúc cảm cho người xem luôn là trăn trở lớn. Khi giao kịch bản cho tôi, NSND Đặng Xuân Hải (Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam)-một người rất lo lắng cho dự án phim này, bởi đây là dự án phim lớn được Nhà nước đặt hàng trình chiếu chào mừng các ngày lễ lớn trong năm. Mục đích, ý nghĩa của dự án đặt ra rất nhiều câu hỏi cho tôi, rằng tôi nghĩ gì, hiểu gì khi đọc kịch bản? Tôi đã xin phép chú Hải cho thời gian suy nghĩ.
 |
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng. |
Tôi đã sang Pháp. Câu hỏi lớn đặt ra trong đầu tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh-Nguyễn Ái Quốc ngày ấy 21 tuổi sang Pháp để làm gì? Tôi đến Pa-ri, đến các thành phố mà Bác Hồ đã có thời gian sống và làm việc ở đó, tìm tư liệu lịch sử, tôi chụp rất nhiều hình ảnh, đọc những chi tiết lịch sử trong các bảo tàng ghi lại về Người… Trở về từ Pháp, tôi quên hết những gì viết trong kịch bản của nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc và đến gặp NSND Đặng Xuân Hải để khẳng định rằng tôi sẽ làm phim “Thầu Chín ở Xiêm” theo sự cảm nhận của tôi, theo cách kể chuyện trong sự tổng hòa các yếu tố hình ảnh, mỹ thuật, cảm xúc của diễn viên… đích đến là chạm tới trái tim người xem.
Hoàn thành bộ phim tôi phải gửi lời cảm ơn tới NSND Đặng Nhật Minh, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần… những thế hệ làm phim đi trước đã gợi mở và khích lệ tôi rất nhiều.
 |
Cảnh trong phim “Thầu Chín ở Xiêm”. Ảnh do đoàn làm phim cung cấp |
PV: Anh đến Pháp để tìm hiểu chặng đường bôn ba của Bác, nhưng nội dung phim lại đề cập đến thời gian ít ỏi, thậm chí là không được nhiều sử sách ghi lại những ngày tháng Bác Hồ ở Thái Lan?
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Có nhiều người cũng băn khoăn về chuyện này. Tôi đến Pháp và trở về để kể chuyện Bác Hồ hoạt động ở Thái Lan. Nghe chẳng có gì liên quan. Nhưng thực sự rất liên quan và rất cần thiết. Tôi và ê kíp nghệ sĩ đã đi khắp đất nước Thái Lan trong 1 tháng tìm hiểu tư liệu lịch sử, chọn cảnh quay… để toát lên hình ảnh một Nguyễn Ái Quốc bôn ba qua bao nhiêu nước và khi đặt chân đến Thái Lan, nhìn lại thời gian đã 17 năm. Thời gian hoạt động của Người ở Thái Lan gần 1 năm trời. Thái Lan đã gần Việt Nam lắm rồi, vậy mà Người cũng chưa thể trở về được với Đất Mẹ. Lời hát của người mẹ ru con à ơi vang lên: “Chiều chiều ra đứng bờ sông/ Muốn về quê mẹ… ơ… mà không có đò…” không có trong kịch bản, nhưng lại được đưa vào trong cảnh quay, tạo sự mềm mại cho phim lịch sử, rất ngắn thôi nhưng lại đúng với khát khao trở về đất nước của Người: “Tôi xa quê hương đã 17 năm, kỳ này về Xiêm việc công tư đan chéo. Ngoài việc củng cố cơ sở cách mệnh, tôi chỉ ước mình vượt núi băng rừng đặt chân về đất mẹ dù chỉ một giờ một khắc rồi biệt xứ cũng cam lòng! Đêm nay nghe tiếng ru hời thấy mình cô độc...”.
PV: Như anh nói, làm phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh là một thách thức. Mặt khác có rất nhiều giai đoạn lịch sử gắn với cuộc đời Bác. Vậy tại sao anh nhận kịch bản này khi có quá ít dữ liệu lịch sử?
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Với tôi, đây là cơ hội. Chúng ta có rất nhiều đề tài phim, nhưng để chúng ta được kể câu chuyện làm sao có ý nghĩa, có giá trị thì không phải lúc nào cũng sẵn. Đề tài nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều, nhưng với phim ảnh thì rất ít. Cơ hội đến với tôi, tôi vinh dự đón nhận. Chủ tịch Hồ Chí Minh là thần tượng của tôi! Tôi kính trọng Người! Hồ Chí Minh có tinh thần để tôi học tập, sống và dạy con cái noi theo. Tôi có hai con trai, bởi thế tôi luôn chú trọng dạy cho chúng sống phải có tinh thần. Cách sống của tôi hay những tác phẩm điện ảnh mà tôi làm nên cũng hướng theo tinh thần đó, từ “Những người viết huyền thoại”, “Đường lên Điện Biên” hay “Thầu Chín ở Xiêm”… và kể cả những tác phẩm điện ảnh sau này sẽ luôn là tinh thần của Hồ Chí Minh.
Làm phim về chiến tranh cách mạng hay lịch sử, tôi muốn tái hiện lịch sử một cách chân thực nhất trong điều kiện có thể và nhìn lịch sử bằng cái nhìn trung thực ở góc độ của một công dân có trách nhiệm.
PV: Thực hiện xong một bộ phim của Nhà nước đặt hàng, anh mong đợi điều gì?
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Tất nhiên là mong được đông đảo khán giả đón nhận, người làm nghề công nhận. Còn nếu nói về vấn đề phát hành: Ra rạp và thu lợi nhuận, thì tôi không có quyền đấy. Nhưng tôi cũng không muốn phim của mình ra rạp như kiểu phim ra rạp mùa Tết. Còn khi làm phim, tôi không bị tác động hay chi phối bởi nhà đầu tư, mà bản thân tôi tự tác động, tôi đầu tư công sức, trí tuệ, bởi đây là “đứa con” của tôi, tôi phải chăm sóc.
PV: Xin cảm ơn đạo diễn!
NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam-đơn vị sản xuất phim “Thầu Chín ở Xiêm” cho biết: “Phim có cốt truyện trung thành gần như tuyệt đối với lịch sử, xoay quanh những diễn biến cuộc sống của Nguyễn Ái Quốc giai đoạn 1928-1929. Lúc này Nguyễn Ái Quốc đã trải qua 17 năm hoạt động ở nhiều quốc gia, về đến Thái Lan và có mật danh là Thầu Chín. Ở đây, Nguyễn Ái Quốc xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị hợp nhất ba tổ chức cộng sản, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Gần như mọi nhân vật trong phim tương tác với nhân vật Nguyễn Ái Quốc đều được lấy theo nguyên mẫu ngoài đời thực, như nhà hoạt động cách mạng Đặng Thúc Hứa và vợ chồng bà Đặng Quỳnh Anh (hay còn gọi là O Nho). Có hai nhân vật hư cấu, là cô gái mang tên O Hoàn tạo không khí lãng mạn; tên hoạn lợn kiêm gián điệp tạo nét trào phúng cho phim”. |
VƯƠNG HÀ (thực hiện)