Chợ Đồng Xuân nằm trong khu phố cổ, phía tây là phố Đồng Xuân, phía bắc là phố Hàng Khoai, phía nam là phố Cầu Đông, phía đông là ngõ chợ Đồng Xuân. Chợ Đồng Xuân tuy nằm trong khu phố cổ nhưng có tuổi đời trẻ hơn rất nhiều so với các phố xung quanh. Trước kia đây là khu đất trống thuộc phường Đồng Xuân, huyện Thọ Xương nằm trước quán Huyền Thiên (sau đổi thành chùa Huyền Thiên). Người dân họp chợ trên hai khu đất ở cạnh chùa Cầu Đông ở phố Hàng Đường và cạnh đền Bạch Mã ở phố Hàng Buồm vì hai khu đất đó gần bến sông, tiện cho thuyền đi lại.
Năm 1889, khi những dấu tích cuối của sông Tô Lịch và hồ Thái Cực bị lấp hoàn toàn, người Pháp quy hoạch lại đã giải tỏa hai chợ trên và dồn tất cả các hàng quán vào khu đất trống của phường Đồng Xuân, tạo thành chợ Đồng Xuân. Trong năm đầu tiên, chợ họp ngoài trời, hoặc có che mái lá giống như hai chợ cũ.
 |
Chợ Đồng Xuân hôm nay
|
 |
Chợ đêm Đồng Xuân. Ảnh: trần long
|
Năm 1890 chính quyền Pháp mới bắt đầu xây dựng chợ Đồng Xuân, tạo thành năm vòm cửa và năm nhà cầu dài 52m, cao 19m. Mặt tiền theo kiến trúc Pháp, gồm năm phần hình tam giác có trổ lỗ như tổ ong, lợp mái tôn.
Chợ Đồng Xuân là chợ đầu mối dành cho bán buôn là chính, vì thế, từ lâu đã là một địa điểm nổi tiếng của Thủ đô. Đặc biệt, kể từ khi Chợ đêm Đồng Xuân ra đời thì dường như chợ cũng mang hơi thở mới. Thế giới về đêm ở chợ Đồng Xuân không ồn ào, náo động bởi những âm thanh chát chúa như ở trên một số con phố lớn của Hà thành mà mang hơi ấm lạ kỳ của phố cổ về đêm. Những bát bún, bát phở đủ làm ấm lòng người dạo chơi; một chút đồ ăn vặt như: Quả cóc, cái bánh khoai... cũng làm cho khách bộ hành thấy Hà Nội thú vị hơn rất nhiều. Đến cả những đồ lưu niệm, quần áo, từ cái có giá rất đắt đỏ, sang trọng đến những thứ rất đỗi bình dân. Phải chăng, vì thế mà chợ đêm Đồng Xuân ngày càng thu hút rất nhiều khách du lịch quốc tế ghé thăm.
Tuy nhiên, với chợ Đồng Xuân, đó chưa phải là tất cả. Mảnh đất này còn ghi một dấu tích hào hùng của quân và dân Hà Nội. Khi đến chợ, mọi người có lẽ đều nhận ra trước cửa chợ có một bức phù điêu thể hiện hình tượng các chiến sĩ và nhân dân trong tư thế chiến đấu.
Đó chính là hình ảnh của trận chiến giữa lòng Hà Nội cách đây tròn 55 năm. Đây là trận đánh lừng danh ở Hà Nội những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, niềm tự hào của các thế hệ quân và dân Thủ đô.
Ngày 6-1-1947, các lực lượng Liên khu 1 hợp nhất thành Trung đoàn Thủ đô, khu vực Đồng Xuân án ngữ mặt bắc do Tiểu đoàn 101 phụ trách. Với thế trận đó ta đã cầm cự được hơn một tháng trong những điều kiện hết sức chênh lệch về lực lượng và vũ khí, gây cho địch nhiều thiệt hại.
Tháng 2-1947, địch có thêm viện binh và cũng đã đẩy được lực lượng khu ngoài ra ngoại ô, chúng tập trung quân dự định tiêu diệt Liên khu 1, xóa sổ một Trung đoàn Việt Minh.
Ngày 6-2 và 7-2-1947 quân Pháp bắt đầu mở các trận tấn công. Sau những thất bại trên hướng đông và tây nam, quân Pháp chuyển hướng đánh vào khu Đồng Xuân, cửa ngõ quan trọng của Liên khu.
5 giờ sáng 14-2-1947, máy bay, pháo binh địch bắn phá dữ dội và xe tăng, bộ binh tiến công chợ từ nhiều hướng. Chúng bị chặn lại trước bãi cọc sắt và bao cát. Riêng sau chợ, địch cho 400 quân chủ yếu là lính lê dương mũ đỏ nổi tiếng hung hãn và liều lĩnh với 4 xe tăng dẫn đầu. Bộ đội ta bắn trả và từ trong chợ ném lựu đạn, chai cháy ra. Địch phải ngừng tấn công.
9 giờ, chúng mở đợt tấn công thứ hai. Máy bay “bà già” lượn vòng chỉ điểm mục tiêu cho pháo binh. Các cỡ súng thi nhau trút đạn vào chợ. Bộ đội ta giao chiến với địch qua từng căn nhà, trên những mái nhà. Hết đợt tấn công này, địch chưa vào được chợ nhưng đã chiếm được một số nhà cao đặt trung liên uy hiếp ta.
12 giờ, địch mở đợt tấn công thứ ba. Nhờ xe tăng mở đường, quân Pháp vào được chợ. Bên trong ta chỉ có 2 tiểu đội với một số ít trung liên, tiểu liên, súng trường và lựu đạn. Mặc dù ít hơn địch cả về quân số và vũ khí nhưng chiến sĩ ta đã dũng cảm xông vào đánh giáp lá cà với địch. Quân hai bên xen vào nhau. Bộ đội ta dùng dao găm, dao bầu, lưỡi lê, kiếm, mã tấu, chai đựng xăng, sỏi và vôi bột, gạch đá... quần nhau với địch. Trận giáp chiến không cân sức diễn ra quyết liệt qua từng quầy hàng. Một số chiến sĩ của ta bị hy sinh, một số rút ra ngoài chiếm những nhà cao bắn vào quân địch.
Trận đánh kéo dài đến chiều hôm đó. Lực lượng ta yếu dần, phần vì đạn đã cạn, phần vì bộ đội trong chợ hầu hết đã hi sinh trong khi địch còn đông, có xe tăng, đại bác, máy bay lại tiếp tục đưa quân đến tiếp viện. Để bảo toàn lực lượng, chiều tối ngày 14-2-1947, ta rút khỏi chợ Đồng Xuân. Kết thúc trận đánh, quân Pháp chiếm được “pháo đài chợ Đồng Xuân” nhưng phải trả giá đắt: 3 thiết giáp bị phá hủy, trên 100 tên chết và bị thương. Bên ta hy sinh 15 người, trong đó có một nữ liên lạc viên mới 14 tuổi, 10 chiến sĩ bị thương.
Trận chợ Đồng Xuân đã nêu cao tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của quân dân Thủ đô. Hình ảnh các chiến sĩ cảm tử chỉ với vũ khí thô sơ đã chiến đấu với những tên lính Pháp có xe tăng, đại bác, máy bay từng quầy hàng trong chợ là biểu tượng bất khuất kiên cường cho quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung. Và chợ Đồng Xuân cũng không chỉ là nơi nổi tiếng về buôn bán mà còn là một chiến địa, chứng tích của một trận đánh bảo vệ Thủ đô đã được ghi vào những trang sử vàng kháng chiến của dân tộc Việt Nam.
TRẦN XUÂN ĐỨC
(Tài liệu tham khảo: Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Chiến đấu trong vòng vây-NXB QĐND, Hà Nội, 2001)