QĐND Online - Mặc dù các trung tâm thương mại và siêu thị hiện đại cứ đua nhau mọc lên cùng trào lưu hội nhập kinh tế thế giới, nhưng giữa lòng Hà Nội, vẫn có một khu chợ truyền thống tấp nập kẻ bán người mua - chợ Đồng Xuân. Đây không chỉ là những cuộc giao thương thuần túy, mà nó đã trở thành nét đẹp văn hóa trường tồn bao đời nay của người dân Hà Thành.
Đi qua những thăng trầm
Chợ Đồng Xuân được chính thức xây dựng từ giữa năm 1889 do một công ty thầu khoán của Pháp thi công trên diện tích khoảng 6500m2. Thiết kế ban đầu của chợ Đồng Xuân gồm năm dãy nhà và được phân vòm cuốn mặt trước, bên trong chia cách bởi đường đi giữa các vòm. Khu phía Đông Bắc là chợ Bắc Qua, khu phía Tây là chợ Đồng Xuân.
 |
Chợ Đồng Xuân năm 1954. Ảnh tư liệu TTXVN
|
Sau năm 1954, thành phố cho sửa sang, lợp lại mái tôn, sắp xếp lại bố cục bên trong, chợ Đồng Xuân đã trở thành một khu giao thương sầm uất. Tuy nhiên, vào năm 1994 chợ Đồng Xuân bị hỏa hoạn, thiêu rụi toàn bộ các sạp hàng gây thiệt hại lớn cho các hộ kinh doanh. Sau đó chợ được xây lại mới ba tầng như hiện nay. Chợ Đồng Xuân với ba mái vòm chính chạy dọc theo phố Đồng Xuân, nằm giữa lòng Thủ đô Hà Nội, với diện tích hơn 14000m2 và trên 2000 hộ kinh doanh trong khu chợ chính, gần 1000 hộ trong khu chợ đêm với nhiều ngành nghề khác nhau.
Sau Ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), Khu Đồng Xuân và chợ Đồng Xuân trở thành cửa ngõ của Liên khu I gồm khu Hoàn Kiếm, Long Biên, Đồng Xuân, Đông Kinh Nghĩa Thục và Đông Thành. Khi quân viễn chinh Pháp đánh chiếm Hà Nội, tại đây đã diễn ra trận chiến đấu “60 ngày đêm khói lửa” bảo vệ Thủ đô. Các Vệ quốc quân và nhân dân Thủ đô đã chiến đấu anh dũng quả cảm, đập tan âm mưu đánh chiếm nhanh Hà Nội của thực dân Pháp; đồng thời tạo điều kiện để các lực lượng của ta rút ra ngoài, chuẩn bị cuộc kháng chiến trường kỳ.
Ngày nay, bức phù điêu các Vệ quốc quân đã được dựng lên phía trước cửa chợ Đồng Xuân để tưởng nhớ công lao to lớn, ngợi ca tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của những chiến sĩ “gan vàng dạ sắt” đã cống hiến xương máu cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Chính sự hấp dẫn đến từ truyền thống văn hóa lịch sử, chợ Đồng Xuân luôn được người dân Thủ đô và nhân dân cả nước biết đến như một chứng tích của chiến tranh. Nhân dân các miền đến thăm Thủ đô, một trong những địa điểm mà nhiều người muốn đến là chợ Đồng Xuân, có khi chỉ để mua một món quà làm kỷ niệm.
 |
Chợ Đồng Xuân sau khi được xây mới.
|
Khu giao thương sầm uất
Do hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi về giao thông và dân cư, đặc biệt khi người Pháp xây dựng xong cầu Long Biên, thì chợ Đồng Xuân đã trở thành tụ điểm giao thương sầm uất không chỉ nổi tiếng nhất Hà Nội, mà nổi tiếng cả miền Bắc, thu hút được sự chú ý của giới thương nhân nước ngoài thường xuyên qua lại buôn bán. Cùng với việc duy trì các phố buôn bán và sản xuất hàng thủ công truyền thống như Hàng Chiếu, Hàng Giấy, Hàng Đậu… Chợ Đồng Xuân còn là đầu mối phân phối, buôn bán hàng hóa, là trung tâm các hoạt động kinh tế của Thành phố Hà Nội, có tầm ảnh hưởng rất lớn đến cả khu vực miền Bắc, thậm chí trong cả nước.
Từ trước năm 1994, chợ Đồng Xuân hoạt động theo mô hình Ban quản lý chợ như các chợ khác trong Thành phố. Nhưng từ năm 1996 đến nay, nền kinh tế trong nước có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, nhu cầu giao thương hàng hóa ngày càng gia tăng về khối lượng, đa dạng về hình thức. Thực hiện đường lối của Đảng và Nhà nước về việc phát triển mô hình doanh nghiệp quản lý khai thác chợ thay cho mô hình cũ không còn phù hợp, Công ty cổ phần Đồng Xuân đã được thành lập, trở thành doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước thí điểm mô hình quản lý và khai thác chợ nói trên. Hiện nay, chợ Đồng Xuân có 71% cổ phần của Nhà nước. Việc Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối đã làm hoạt động của chợ Đồng Xuân được thuận lợi hơn, vì vậy ngoài hiệu quả kinh tế, chợ còn mang lại những hiệu quả về mặt văn hóa-xã hội.
Hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần Đồng Xuân đa dạng và phong phú với nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau. Theo Báo cáo tổng hợp của Phòng quản lý chợ Đồng Xuân, hiện nay chợ Đồng Xuân là chợ truyền thống bán buôn loại I trong cả nước, cơ bản kinh doanh tại chợ chia làm 8 ngành hàng với 2316 sạp hàng, trong đó có bán các loại mặt hàng như đồ lưu niệm, đồ dùng cá nhân và gia đình, hoa quả khô, tạp phẩm, nông sản, thực phẩm tươi sống, vải sợi, quần áo… Hàng hóa bày bán tại chợ hiện nay, chủ yếu là hàng gia công của các cơ sở sản xuất trong nước, chiếm 70%. Năm 2005, với mục đích tạo ra điểm du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước, chợ đêm Đồng Xuân đã được quy hoạch, góp phần tạo nên nét sinh hoạt văn hóa mới của nhân dân Thủ đô, trở thành trung tâm du lịch-thương mại mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người Hà Nội.
 |
Bác Nguyễn Ngọc Phan, chủ một sạp hàng ở chợ Đồng Xuân, người có gần 30 năm gắn bó với chợ.
|
 |
Bác Vũ Thị Hồng Phi, chủ tịch Hội phụ nữ Công ty cổ phần Đồng Xuân, người gắn bó với các mặt hàng truyền thống từ năm 1990.
|
Theo báo cáo, năm 2013 chợ Đồng Xuân đã tiếp đón 78.019 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, mua bán. Cũng theo số liệu thống kê về lượng khách tham quan của Công ty cổ phần Đồng Xuân, riêng trong tháng 3-2015, chợ Đồng Xuân đã thu hút được gần một vạn lượt khách đến tham quan, trong đó có hơn 8.000 lượt khách quốc tế.
Những giá trị trường tồn
Bức phù điêu các Vệ quốc quân dựng lên ở cổng chợ, như lời nhắc nhở thế hệ hôm nay biết trân trọng những giá trị lịch sử. Nơi đây đã diễn ra trận quyết chiến bảo vệ Thủ đô mùa đông năm 1946. Theo năm tháng, ký ức về chiến tranh có thể bị mai một, nhưng những giá trị về văn hóa dường như đã ăn sâu vào tiềm thức người Hà Nội. Khi được hỏi về nỗi lo chợ Đồng Xuân một ngày nào đó có thể bị thay thế bằng trung tâm thương mại hiện đại khác, bác Nguyễn Văn Thắng, 62 tuổi, cư dân phố chợ cho biết: Chợ Đồng Xuân là một trong những biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, khách thập phương đến Hà Nội, nhiều khi đến chợ không chỉ để mua quà lưu niệm mà còn đến để được cảm nhận bề dày truyền thống một không gian văn hóa đặc trưng. Dù cho các trung tâm thương mại hay siêu thị hiện đại mọc lên như nấm, thì chợ Đồng Xuân vẫn luôn có vị trí đặc biệt trong lòng người Hà Nội cũng như nhân dân cả nước nên tôi tin điều đó thật khó xảy ra.
 |
Bức phù điêu Vệ quốc quân trước cổng chợ Đồng Xuân, một biểu tượng trường tồn của hào khí người Hà Nội.
|
Cùng chung một suy nghĩ, bác Nguyễn Ngọc Phan, 70 tuổi, chủ một sạp hàng cho biết: Tôi đã bán hàng ở chợ này gần ba chục năm, chứng kiến những thăng trầm của khu chợ, bản thân tôi là một thương binh, từng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nên tôi luôn tâm niệm phải đem hết sức mình để xây dựng đất nước, phải xứng đáng với những gì lịch sử đã để lại cho chúng ta có cuộc sống ấm no hôm nay. Mô hình chợ Đồng Xuân ngày nay là mô hình vì dân sinh, dù cho có áp lực của xu thế hội nhập quốc tế, nhưng đây cũng là cơ hội để phát triển. Tôi đã kinh doanh nhiều mặt hàng, hiện nay chủ yếu là các mặt hàng truyền thống được sản xuất bởi các làng nghề truyền thống Việt Nam. Khách nước ngoài đến đây họ rất chuộng hàng thủ công của Việt Nam, vừa tinh xảo, vừa nồng nàn hơi thở của nền văn hóa đậm chất Việt.
Chợ Đồng Xuân đã từng bị thiêu rụi trong vụ hỏa hoạn năm 1994, nhưng ngay sau đó chợ lại được “hồi sinh”, tuy rằng năm vòm kiến trúc xưa đã bị thay thế bằng ba vòm, để lại nỗi lưu luyến trong lòng người dân. Nhưng chính sức hấp dẫn từ quá khứ, cũng như những bước đi đúng đắn trong vận hành quản lý, đã giữ vững được vị thế của chợ Đồng Xuân. Hiện nay, chợ Đồng Xuân đã phát triển thêm khu chợ đêm, trở thành một đặc sắc mới trong văn hóa giao thương Hà Thành. Người dân Thủ đô và du khách có thể đến mua quà lưu niệm, cảm nhận đời sống về đêm nơi phố cổ và không xa là Sông Hồng thơ mộng. Vào các buổi tối thứ bảy và chủ nhật, ở khu chợ đêm thường diễn ra các hoạt động văn hóa đặc sắc như hát xẩm, hát chèo, ca trù được người dân và du khách đặc biệt quan tâm. Ngoài ra, Công ty cổ phần Đồng Xuân còn tổ chức một đội xe điện phục vụ khách tham quan. Từ đây, khách tham quan có thể đi đến khu phố cổ và phố cũ. Bác Nguyễn Quân, 58 tuổi, đội trưởng đội xe cho biết, lưu lượng khách trung bình mỗi ngày ước đạt vài trăm lượt khách, nhiều khách du lịch còn mua vé xe điện để đi câu cá, một thú vui tao nhã.
 |
Hệ thống xe điện phục vụ khách tham quan du lịch, kết nối giữa chợ Đồng Xuân và phố cổ.
|
Bác Vũ Thị Hồng Phi, 60 tuổi, chủ tịch Hội phụ nữ Công ty cổ phần Đồng Xuân kiêm chủ một sạp hàng cho biết: Tôi đã bán hàng ở đây từ năm 1990, chủ yếu bán các loại hàng phục vụ lễ hội truyền thống, tôi yêu truyền thống văn hóa Việt. Lợi nhuận một ngày được khoảng 400 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng. Mặc dù có nhiều áp lực từ cơ chế thị trường, song tôi cũng như các hộ kinh doanh vẫn tin tưởng khu chợ sẽ phát triển ổn định.
Chợ Đồng Xuân không chỉ mang trong mình nội hàm văn hóa sâu sắc, mà với vị thế là một khu giao thương sầm uất, chợ đã đem lại lợi ích sát sườn cho người kinh doanh và người mua. Giữa kinh tế-xã hội, du lịch và văn hóa có sự kết hợp hài hòa, tạo nên nét đặc trưng của khu chợ này. Trước xu thế kinh tế thị trường, áp lực từ tốc độ hiện đại hóa là không nhỏ, nhưng chợ Đồng Xuân vẫn đứng vững như bức phù điêu Vệ quốc quân trước cổng chợ, minh chứng cho sự trường tồn của hào khí người Hà Nội.
Bài và ảnh: HUY QUỲNH-THÚY NGUYỄN