QĐND - Ca dao cũ của người Hà Nội có câu: “Chợ Bưởi một tháng sáu phiên/ Ngày tư, ngày chín cho duyên đèo bòng”. Ấy là nói đến chợ Bưởi ở vùng Kẻ Bưởi, một trong những chợ phiên cổ nhất Hà Nội, nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Kẻ Bưởi xưa là vùng ven Hà Nội, gồm các làng: Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã, Trích Sài, Võng Thị, Bái Ân, Trung Nha xưa… Chợ Bưởi nằm bên vị trí hợp lưu của sông Thiên Phù và sông Tô Lịch, thuận lợi về mặt giao thương trên bến dưới thuyền. Chuyện cũ kể, xưa kia vào mùa lũ, bưởi từ các miền vùng mạn ngược theo dòng sông Đà, sông Hồng trôi về đây rất nhiều, dân trong vùng chỉ việc vớt lên bán, gọi vùng này là vùng Bưởi và chợ vùng này cũng gọi là bến Bưởi, chợ Bưởi. Chợ Bưởi ngày xưa không chỉ bán bưởi mà còn bán đủ các đặc sản trong vùng. Ca dao cũ có câu:

Quần thâm lĩnh Bưởi cạp điều

Hột vàng quấn cổ ra chiều giàu sang

The La, lĩnh Bưởi, chổi Phùng

Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên.

Một góc chợ hoa Quảng Bá, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Minh Uyên.

Tháng Chạp hằng năm, chợ còn bán trâu, bò. Trâu, bò được vỗ béo đến hăm chín Tết thì làm thịt. Cùng với món “mộc tồn” Nhật Tân nổi tiếng, trâu thui là món không thể thiếu trong những ngày Tết ở vùng này.

Chợ Bưởi khi xưa, cây cảnh chỉ có một ít bán tại đầu ngã ba Hoàng Hoa Thám-Lạc Long Quân. Nay không cứ gì ngày phiên chợ, nơi đây ngày nào cũng bày bán cây cảnh, chim cá cảnh. Kỳ hoa, dị thảo và chim thú lạ các vùng muốn mua thứ gì cũng có. Có thể nói, chợ Bưởi kéo dài từ ngã ba Lạc Long Quân-Hoàng Hoa Thám đến dốc Tam Đa dài hàng cây số ngày nào, giờ nào cũng nhộn nhịp âm thanh và tràn ngập sắc hương.

Mấy năm nay, nơi này còn xuất hiện chợ phiên đồ xưa ở số 456 Hoàng Hoa Thám. Mới đầu, chợ đồ xưa chỉ họp vào sáng thứ bảy hằng tuần. Đầu tháng 8 năm 2014 họp thêm vào các ngày 4 và 9 âm lịch theo đúng lệ xưa. Vào chợ, người ta có thể tìm thấy vô khối thứ từ đồ cổ đến đồ cũ, xuất xứ ở những thời điểm lịch sử khác nhau. Từ những món có niên đại cả trăm năm, những thứ mang về từ các vùng, miền xa xôi đến những đồ dùng còn sót lại từ thời bao cấp, thời chiến tranh, độc đáo nhất có lẽ là cái sạp của anh Long. Sạp này bày bán, trao đổi toàn “những kỷ vật thời chiến tranh”, toàn đồ dùng nhà binh. Ví như những chiếc ba lô con cóc, đôi dép, bi-đông nước cùng những trang thiết bị dành cho những người lính thuộc cả hai phía; rồi chiếc đèn dùng trong kháng chiến chống Pháp, chiếc đèn bão mang theo xuống hầm trú ẩn những năm chống Mỹ, chiếc lược làm từ thân máy bay B-52… Nhưng ngày Tết, chợ Tết Hà Nội không thể không nói tới hoa đào.

Đào Nhật Tân là nét độc đáo, là đặc sản chỉ riêng Hà Nội mới có. Làng đào Nhật Tân xưa nay đã thành phường, nhiều vườn đào cũ đã được chuyển sang bãi ngoài đê sông Hồng (để dành đất xây dựng khu đô thị và các công trình). Từ năm 1986, Hà Nội có thêm đường mới Lạc Long Quân bắt đầu từ chân cầu đẹp Nhật Tân (nơi đường Võ Chí Công nối với đường Võ Nguyên Giáp) chạy dọc hồ Tây đến chợ Bưởi-Hoàng Hoa Thám. Đây là một trong những con đường đẹp nhất ở Thủ đô. Đẹp và độc đáo không phải vì nó là con đường ven hồ Tây-hồ lớn đẹp nhất Hà Nội với những biệt thự nhà vườn thơ mộng, những mái chùa cổ kính có từ cả trăm năm nay cùng những khu đô thị lớn đẹp nhất nước, mà nó còn là phố hoa đào, phố trồng toàn giống đào quý Nhật Tân. Nếu như Hà Nội 36 phố phường xưa chỉ có chợ hoa Hàng Lược nhỏ bé và chỉ có bán đào cành, đào thế, thì nay Hà Nội có cả phố hoa đào Nhật Tân và chợ hoa Quảng Bá tập nập suốt ngày đêm vào dịp Tết. Suốt chiều dài 3,5km với hàng trăm gốc đào được trồng trên dải phân cách, Tết đến, những rặng đào này đua nở hòa cùng với những dòng hoa khác nối nhau từ các làng hoa ven hồ còn sót lại ra; từ ngoài bãi sông Hồng vào khiến cả một vùng ngợp sáng một sắc hoa.

NGÔ VĨNH BÌNH