QĐND - Sự sa sút đến lụn bại của Manchester United đã được nói đến quá nhiều. Đến thời điểm này, đội chủ sân Nhà hát của những giấc mơ vẫn chỉ ngụp lặn ở vị trí thứ 6 của bảng xếp hạng trong khi HLV Đ.Moi đứng đầu danh sách HLV sẽ bị sa thải ở giải Ngoại hạng và những hy vọng mong manh trở lại tốp 4 cũng tan dần sau mỗi vòng đấu. Những lời phát biểu cố lên gân cốt, những lời động viên lẻ tẻ, rời rạc giờ cũng chỉ còn thoi thóp.

Một mùa giải vứt đi đã rõ-ấy là điều không chỉ các cổ động viên, người quan sát bên ngoài mà chính ban lãnh đạo Quỷ đỏ cũng đã nhận thấy rõ. Họ đã có những bước đi dù chưa thật mạnh mẽ, quyết liệt nhưng khá rõ ràng cho những mùa bóng tới. Việc gia hạn với Ru-ni với mức lương kỷ lục 300.000 bảng/tuần là bước đi đáng kể đầu tiên. Tuy nhiên, quyết định này không chỉ thể hiện quyết tâm vực dậy đội bóng mà đằng sau đó còn tố cáo sự nguy khốn toàn diện về hình ảnh, sức hút cùng tương lai u ám của M.U. Sự u ám ấy còn đáng lo, đáng sợ hơn rất nhiều so với vị trí tụt lùi hiện nay của đội bóng.

Còn biết trông mong, dựa dẫm vào ai nữa trong đội hình mà các trụ cột đều đã già nua, mất phong độ và mất cả hồn vía. Ru-ni là chim đầu đàn, là người kiến tạo, ghi bàn, là động lực máu mê, xốc vác nhất. Ru-ni cũng là con chim mồi giá trị nhất để có thể câu kéo các ngôi sao định hình và cả những ngôi sao tiềm năng.

Ở đây, cần nhắc lại một điều căn bản khác riêng biệt ở CLB danh tiếng nhất Anh quốc. Không chỉ thời của Đ.Moi, ngay khi Quý ngài A.Phơ-gu-xơn lừng lẫy còn nắm quyền đã có không ít cầu thủ giỏi ở trong và ngoài xứ sở Sương mù từ chối đến với M.U. Lý do ở chính sách của nhà Gla-dơ và cả ở lối đá, tâm tính bố già của Phơ-gu-xơn. Đội bóng này đoàn kết, gắn bó theo quy trình, quy tắc Phơ-gu-xơn đã 1/4 thế kỷ, chen được chân, giữ được vị trí ở đây khó lắm, cả về chuyên môn, kỷ luật, tính tình. Có tài năng, cống hiến thật nổi như Căng-tô-na, R.Gích, C.Rô-nan-đô, Ru-ni thì mới hòng ông già "Máy sấy tóc" tha thứ cho những sai lầm, tội lỗi trong, ngoài sân cỏ. Đá ở đây càng khó, cầu thủ giỏi kỹ thuật nhưng thiếu tốc độ không vào được lối chơi chung. Sự toàn diện cả về khát vọng, bản lĩnh, thể lực đã đành, lại phải phối hợp được bóng ngắn, bóng dài, phải chắc chắn ở vị trí của mình mà cũng phải đa năng, phải có khả năng tạo đột biến. Nhiều cầu thủ La-tinh giỏi không hợp ở đây, H.Vê-rôn, Tê-vét, Béc-ba-tốp là những ví dụ. Nhiều cầu thủ tốc độ, cơ bắp càng không có đất. Đã vậy, khả năng tài chính không phải vô hạn và chính sách của nhà Gla-dơ bấy lâu là giữ chặt hầu bao. Đã lâu, M.U chẳng tuyển được siêu sao nào ngoài Van Péc-xi mùa bóng trước.

Thời A.Phơ-gu-xơn còn vậy, huống chi một Đ.Moi vô danh. Thực tế bóng đá nhà nghề ngày càng thay đổi theo hướng đổ tiền mua đội bóng, kiếm danh hiệu. Dù lối chơi đã đặc sắc nhưng ngay đến Barca, Real, Bayern Munich càng ngày càng phải tốn tiền hơn để duy trì, nâng cao chất lượng đội hình. Ngay với Man City, Chelsea dù dè bỉu, chê bai thì họ cũng đã thành công, vượt lên M.U. Một mô hình khác là Paris Saint Germain đang nổi lên như cồn ở Pháp cũng chứng thực cho quy luật đồng tiền của bóng đá. Muốn tồn tại ở đỉnh cao, M.U không thể đi ra ngoài quy luật ấy, nhất là khi chất lượng lò đào tạo trẻ của họ hiện nay không đảm đương được khả năng cung ứng cầu thủ. Mà muốn đào tạo tốt hơn cũng phải chi thêm bội tiền.

Đường ngắn, đường xa, tính cách nào M.U cũng phải giữ, phải chăm bẵm cho con chim đầu đàn, con chim mồi Ru-ni trước đã.

Chuyện gần, trong giới bóng bàn nghiệp dư Hà Nội có một giải đấu vui mang tên "Chim cú". Theo lối chơi chữ dân dã nghĩa là giải đấu dành cho những đấu thủ còn cay cú, muốn phục hận. Liên hệ đến xứ Sương mù, Ru-ni không chỉ là chim đầu đàn, chim mồi mà còn là con "chim cú" cho khát vọng của hàng trăm triệu cổ động viên nước Anh và trên toàn cầu và ý đồ của ban lãnh đạo đội bóng này vực dậy Quỷ đỏ. Trong thể thao không có khát vọng, không có tự ái, tự trọng hay sự "cay cú" nhất định không thể vươn lên. Mà bây giờ, M.U có tiền rồi đấy, thương hiệu của họ vẫn đẻ ra tiền, thứ cần thiết để cách mạng một đội bóng truyền thống.

NGUYỄN MẠNH